ĐHĐCĐ Dược Hậu Giang: Cùng thế mạnh thuốc kháng sinh, nhưng điểm quan trọng quyết định DHG khác Imexpham?

24/04/2024 08:07 GMT+7
CTCP Dược Hậu Giang (HoSE: DHG) đã công bố nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, thông qua mục tiêu năm 2024 với doanh thu thuần 5.200 tỷ đồng, lãi trước thuế 1.080 tỷ đồng, lần lượt tăng 4% và giảm 7% so với thực hiện trong năm 2023.

Đại hội cổ đông Dược Hậu Giang thông qua kế hoạch chia cổ tức năm 2023 và năm 2024 với tỷ lệ 75%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 7.500 đồng. 

Mức chi cổ tức năm 2023 tăng gấp hơn 2 lần so với kế hoạch tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 là 35% (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 3.500 đồng). 

Cập nhật kết quả kinh doanh quý I/2024, Dược Hậu Giang ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.259 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn tăng 21% kéo biên lợi nhuận gộp giảm còn 41%, trong khi đó, quý I/2023 ghi nhận 50%. Doanh thu tài chính giảm 26% còn gần 39 tỷ đồng.

ĐHĐCĐ Dược Hậu Giang: Cùng thế mạnh thuốc kháng sinh, nhưng điểm quan trọng quyết định DHG khác Imexpham?- Ảnh 1.

Trích giải trình kết quả kinh doanh của Dược Hậu Giang.

Giải trình về kết quả trên, Dược Hậu Giang cho biết, do giá thành sản xuất tăng vì công ty chủ động điều tiết sản lượng để đưa dự trữ tồn kho về mức hợp lý.

Bên cạnh đó, nhà máy Betalactam mới chuẩn bị đi vào hoạt động làm tăng các chi phí ghi nhận ngay. Ngoài ra, tỷ trọng doanh thu khác có biên lợi nhuận thấp gia tăng cũng kéo lợi nhuận sau thuế giảm 38% so với cùng kỳ còn 222 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/3, tổng tài sản của Dược Hậu Giang hơn 6.200 tỷ đồng, trong đó các khoản tiền mặt và tiền gửi ngân hàng đạt hơn 2.700 tỷ đồng. Hàng tồn kho ở mức 1.400 tỷ đồng, giảm 9%. Tổng nợ phải trả của Dược Hậu Giang đạt hơn 1.100 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là hơn 540 tỷ đồng.

Phiên thảo luận:

1. Các nhà máy hiện tại của Dược Hậu Giang đã khai thác hết 100% công suất hay chưa?

- Dược Hậu Giang hiện chưa khai thác hết công suất do nhà máy mới vận hành song song với nhà máy cũ. Đồng thời, nhà máy mới được xây dựng dư công suất cho tương lai khi mở rộng. Các dây chuyền của Dược Hậu Giang có dây chuyền đã gần hết công suất, cũng có dây chuyền vẫn chưa hết công suất.

Trong tương lai, các nhà máy của Dược Hậu Giang dự kiến sẽ sử dụng hết 100% công suất cho sản phẩm hiện tại và các sản phẩm mới.

2. Giá nguyên vật liệu của Dược Hậu Giang tăng có ảnh hưởng đến biên lãi gộp trong ngắn hạn/dài hạn hay không?

- Dược Hậu Giang có thể kiểm soát biên lãi gộp bởi tác động của yếu tố giá nguyên vật liệu vì:

Thứ nhất, Dược Hậu Giang có phòng mua hàng kết nối tốt với nhà cung cấp nên có nhiều thông tin về biến động giá cả nguyên vật liệu. Từ đó, công ty lập kế hoạch mua hàng phù hợp.

Thứ hai, Dược Hậu Giang chia danh mục nguyên liệu thành 2 nhóm: nhóm tồn kho chiến lược và nhóm chỉ mua khi có đơn đặt hàng. Việc này giúp dự trữ tồn kho hợp lý hơn.

Thứ ba, giá cả nguyên liệu đầu vào và biến động tỷ giá đều được dự báo trong kế hoạch ngân sách hàng năm. Nếu giá đầu vào tăng cao hơn kế hoạch, Dược Hậu Giang có thể xem xét tăng giá bán sản phẩm.

3. Dược Hậu Giang có thế mạnh gì so với Dược phẩm Imexpharm (HoSE: IMP) khi Imexpharm cũng có nhóm thuốc kháng sinh bán khá mạnh vào kênh bệnh viện?

- Dược Hậu Giang và Imexpharm đều có thế mạnh ở thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, Dược Hậu Giang có thế mạnh ở thuốc viên, trong khi Imexpharm có thế mạnh ở thuốc tiêm.

4. Tại sao Dược Hậu Giang nâng cấp lên tiêu chuẩn EU-GMP? Tiêu chuẩn EU-GMP có khác biệt gì so với tiêu chuẩn Japan-GMP?

- Dược Hậu Giang nâng cấp lên tiêu chuẩn EU-GMP để gia tăng khả năng trúng thầu cho dây chuyền, tạo thuận lợi cho việc phân phối. Đồng thời, Dược Hậu Giang mong muốn vươn tầm quốc tế, tăng khả năng tiếp cận với thị trường Châu Âu.

Linh Anh
Cùng chuyên mục