Huawei “bầm dập”, nhiều công ty viễn thông Trung Quốc cũng vạ lây

03/06/2019 10:33 GMT+7
Các doanh nghiệp nhỏ thường phụ thuộc vào đơn đặt hàng từ những tập đoàn lớn như Huawei để duy trì hoạt động kinh doanh. Và bất kỳ động thái nào từ phía Huawei ngay lập tức sẽ đe dọa sự tồn tại của họ.

Chỉ nửa năm trước, Steve Liu - Giám đốc một công ty cung cấp phụ kiện smartphone trụ sở tại Thượng Hải (yêu cầu giấu tên) đã khá lạc quan về xung đột thương mại Mỹ Trung. Ông phỏng đoán không nền kinh tế nào có thể phát triển tách rời các nền kinh tế khác, Bắc Kinh và Washington rút cục sẽ sớm đi đến một thỏa thuận thương mại thống nhất mà thôi.

Nhưng hiện tại, ông Liu đã không còn giữ được niềm lạc quan như trước. Không một dấu hiệu nào cho thấy chiến tranh thương mại sẽ sớm kết thúc. Ông Trump tuyên bố Mỹ chưa sẵn sàng cho một thỏa thuận thương mại, còn Bắc Kinh lại quy kết mọi bế tắc đàm phán thương mại là xuất phát từ Washington.

Hồi giữa tháng 5, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa Huawei vào danh sách đen cùng lệnh hạn chế thương mại, cấm mọi hoạt động nhập khẩu hàng hóa linh kiện và chuyển giao công nghệ với các công ty Mỹ. Huawei là một trong những đối tác lớn nhất của công ty ông Steve Liu.

“Lệnh hạn chế thương mại chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến Huawei, vì chúng tôi cung cấp phụ kiện cho nhiều dòng smartphone của Huawei. Hiện tại, chúng tôi vẫn chưa cảm nhận được toàn bộ ảnh hưởng từ lệnh hạn chế, vì Mỹ đã cấp giấy phép nới lỏng hạn chế thương mại có hiệu lực trong 90 ngày. Tuy nhiên, một khi hạn chế thương mại chính thức bắt đầu, những tác động tiêu cực sẽ theo đó mà xuất hiện.”

Nhiều công ty nhỏ lao đao vì chiến tranh thương mại và lệnh hạn chế nhắm vào Huawei

Thực tế, việc chặt đứt chuỗi cung ứng của Huawei bao gồm cả con chíp và hệ điều hành Google Android nhiều khả năng sẽ thổi bay nhu cầu smartphone Huawei trên thị trường quốc tế. Ngay cả khi lệnh nới lỏng hạn chế thương mại còn hiệu lực, một số người dùng Huawei đã bắt đầu bán tháo smartphone P30 trên các sàn giao dịch điện từ vì lo ngại điện thoại của họ sẽ ngừng hoạt động, bất chấp tuyên bố của Google rằng các thiết bị Huawei hiện tại vẫn tiếp tục có quyền truy cập vào kho ứng dụng dịch vụ của Google.

Trong một cuộc họp báo tổ chức tại trụ sở Thâm Quyến ngày 29.5, ông Tống Lưu Bình - giám đốc pháp lý của Huawei tuyên bố: “Lệnh hạn chế thương mại đã tạo ra một tiền lệ đặc biệt nguy hiểm. Ngày hôm nay nhắm vào công nghệ viễn thông, vào Huawei. Ngày mai mục tiêu có thể là bất kỳ ngành công nghiệp nào khác, là công ty của bạn.” Ông Tống cũng cảnh báo thêm, rằng động thái hạn chế thương mại của Mỹ có thể làm ảnh hưởng trực tiếp đến 1,200 nhà cung cấp làm việc trực tiếp với Huawei.

Ông Steve Liu thậm chí lo lắng danh sách đen của Mỹ có thể mở rộng và nhiều công ty công nghệ Trung Quốc khác bị áp đặt lệnh hạn chế thương mại. Một kịch bản như vậy có thể kéo theo sự sụp đổ của ngành công nghệ viễn thông Trung Quốc, và cuốn vô số công ty nhỏ khác vào vòng xoáy không thể phục hồi.

Các doanh nghiệp nhỏ như công ty của ông Liu thường phụ thuộc vào đơn đặt hàng từ những tập đoàn lớn như Huawei để duy trì hoạt động kinh doanh. Và bất kỳ động thái nào từ phía Huawei ngay lập tức sẽ đe dọa sự tồn tại của họ.

Sau khi Huawei bị Mỹ tống vào danh sách đen, rất nhiều chuyên gia phân tích Trung Quốc đã lên án Mỹ sử dụng lý do đe dọa an ninh quốc gia để che giấu động cơ thực sự phía sau là triệt hạ tham vọng siêu cường công nghệ của Trung Quốc. Thực tế, ngành công nghiệp viễn thông Mỹ đã tụt hậu khá nhiều so với Huawei - đế chế viễn thông hàng đầu thế giới. Công nghệ 5G mà Huawei sở hữu được đánh giá sẽ trở thành “xương sống” của nền kinh tế kỹ thuật số trong tương lai.

Một công ty công nghệ khác cảm nhận rõ rệt tác động của căng thẳng thương mại là MHD (nhà sản xuất bộ sạc và điều khiển) có trụ sở tại Đông Quan. Cô Yan - một nhân viên kinh doanh của MHD tiết lộ các đơn hàng của họ đã tụt dốc thê thảm kể từ khi xung đột thương mại Mỹ - Trung bước vào hồi gay cấn. “Các khách hàng Mỹ đang xem xét lại việc hợp tác với MHD và chuyển hướng sang tìm kiếm đối tác tại Ấn Độ, Việt Nam. Quyết định thay đổi nhà cung cấp có thể được giải thích bởi hai lý do: giảm chi phí (do hàng nhập khẩu từ Trung Quốc bị áp thuế cao) và giảm rủi ro (nguy cơ hạn chế thương mại).”

“Hiện tại chúng tôi vẫn còn một số đơn hàng đang hoàn thiện, nhưng tôi không chắc tình trạng lạc quan sẽ tiếp diễn trong vài tháng tới”.

Còn với các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc, tình hình bế tắc đã xuất hiện từ lâu. Những chính sách chèn ép phi thuế quan của chính phủ Tập Cận Bình, mức thuế cao và vô số rủi ro kèm theo đang khiến họ xem xét lại việc liệu có nên rút chân khỏi thị trường này.

Trung Quốc đổ lỗi cho Mỹ về những bế tắc trong đàm phán thương mại, đồng thời tăng cường các biện pháp trả đũa

Về phía Huawei, công ty này nhiều khả năng đã dự trữ linh kiện và các phần mềm thiết yếu nhập khẩu từ Mỹ để đảm bảo mọi hoạt động sản xuất không bị ảnh hưởng trong ngắn hạn vì chiến tranh thương mại. Học theo Huawei, nhiều công ty nhỏ khác chưa bị áp lệnh hạn chế thương mại cũng bắt đầu dự trữ linh kiện hoặc tìm nguồn cung khác bên ngoài thị trường Mỹ.

CEO công ty Remo, ông Liu Bo cho hay “Chúng tôi đang tìm cách dự trữ một số mặt hàng linh kiện điện tử từ Mỹ để đề phòng trường hợp xấu nhất khi các công ty Mỹ bị cấm hoàn toàn việc cung cấp thiết bị, linh kiện cho các công ty Trung Quốc. Tuy nhiên, dòng tiền là một vấn đề cần cân nhắc.”

Các chuyên gia phân tích cho hay, Trung Quốc rất có thể đang nỗ lực hướng tới một ngành công nghiệp điện tử tự cung tự cấp trong những năm tới. Có thể mất vài năm, thậm chí vài chục năm để hoàn thiện, tái cấu trúc chuỗi cung ứng linh kiện điện tử của Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Wong Kam Fai (Trưởng khoa Kỹ thuật Đại học Hong Kong) cho hay “Trung Quốc có thị trường 1,3 tỷ dân, sống trong một nền kinh tế có kiểm soát, vì vậy cơ hội thành công xây dựng chuỗi cung ứng của riêng họ cũng cao hơn nhiều so với thị trường tự do như Mỹ”.

Tất nhiên, trong ngắn hạn, các công ty công nghệ nhỏ vẫn phải chịu tổn thất nặng nề từ chiến tranh thương mại.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục