Hùng Vương "vỡ mộng" với POR14
Theo đó, mức thuế cuối cùng của POR14 đối với CTCP Hùng Vương (HOSE: HVG) là 3,87 USD/kg (so với mức 0 USD/kg của kết quả sơ bộ).
Nha Trang Seafood vẫn giữ mức 1,37 USD/kg so với mức thuế sơ bộ đã công bố trước.
Còn 4 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra khác là C.P Vietnam, Cửu Long Fish, Green Farms Seafood và Vinh Quang Corp áp mức thuế 1,37 USD/kg, tăng 0,96 cent so với mức thuế sơ bộ.
Mức thuế suất toàn quốc vẫn áp dụng mức 2.39 USD/kg.
Theo Vasep, trong hai tháng (tháng 2 và 3.2019) giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ giảm lần lượt 22,8% và 44,4%. Do đột ngột giảm mạnh nên Mỹ vốn được dự báo trở lại thị trường xuất khẩu hàng đầu của DN cá tra Việt Nam đã tụt xuống vị trí thứ 3 (sau EU) đạt 71,16 triệu USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2018, chiếm 15,1% tổng giá trị xuất khẩu cá tra trong quý 1.2019. Tính đến hết tháng 3.2019, xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt 71,16 triệu USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước.
Trước đó tại ĐHĐCĐ thường niên hồi tháng 2.2019 của HVG, Chủ tịch Dương Ngọc Minh cho biết, hiện mức thuế chống bán phá giá vào Mỹ (POR) 14 của HVG sơ bộ bằng 0, Công ty cũng đang làm việc với bộ phận cố vấn là luật sư tại Mỹ để đạt được mức thuế tốt nhất và khả năng thành công là 80%, còn lại 20% sự rủi ro là do yếu tố chính trị. Tuy nhiên, qua thời gian gần đây, yếu tố chính trị của Việt Nam và Mỹ không nằm trong phần rủi ro, cụ thể là cuộc họp Thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra tại Hà Nội cho thấy quan hệ Việt Nam và Mỹ là tốt.
Ông Minh khẳng định, nếu tình hình POR 14 khả thi, kể như thị trường vào Mỹ của HVG là vĩnh viễn, tức quay lại thời kỳ 2010-2011 đi vào hướng thương lượng hàng năm. Tại thời điểm này, có những cái khó khăn, nhưng HVG có thể nắm được 40% trở lên thị phần ở Mỹ. Nếu POR 14 thành công với mức thuế chấp nhận được thì HVG là một trong những đơn vị có lợi thế nhất tại Mỹ. Bởi hiện Vĩnh Hoàn (VHC) và Biển Đông đều chịu thuế cộng thương lượng.
Do đó định hướng 2019 của HVG đưa ra là kịch bản xấu nhất, không đưa yếu tố lợi thế sau đợt POR 14 được công bố ngày 19.4.2019. Nếu POR 14 thành công thì định hướng lâu dài, đến cuối 2020 HVG sẽ quay về mục tiêu doanh số 20.000 tỷ đồng/năm, còn năm 2019 là từ 8.000-10.000 tỷ đồng. Theo đó, HVG sẽ mua lại cổ phần đã bán cho Vingroup (VIC), tương ứng 38% vốn (520 tỷ đồng) để có định hướng lâu dài cho Công ty.
Hiện lượng cá HVG đủ để sản xuất đến tháng 7 và Công ty để dành tiền để khi vô vụ cá giống tháng 4, 5 (sau vụ POR 14) sẽ tập trung vào phục hồi nuôi trồng. HVG vẫn nuôi khoảng 70-80.000 tấn cá nhưng không vay được một đồng vốn nào từ ngân hàng. Và sau đợt POR 14, HVG sẽ không vay vốn ngân hàng nữa mà lấy vốn từ đối tác.
Tuy nhiên, mọi chuyện không như mơ và kế hoạch năm 2019 của HVG với doanh thu hợp nhất đạt 4,400 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 100 tỷ đồng là kịch bản xấu nhất đã đúng!
Người ta những tưởng rằng HVG sẽ sống dậy với kết quả tốt từ đợt rà soát này, và thật sự ban lãnh đạo và rất nhiều người tin vào điều đó khi giá cổ phiếu tăng từ 5.000 đồng/cp lên 8.000 đồng/cp trong vòng 1 tháng để đón đầu kết quả POR14 này. Vậy giờ HVG sẽ đi về đâu khi các khoản nợ ngân hàng sắp tới hạn là một gánh nặng khổng lồ?