Hưng Yên: Chăn nuôi an toàn sinh học hướng phát triển bền vững

04/07/2024 15:04 GMT+7
Dịch bệnh, giá cả là những “bài toán” khó đối với ngành chăn nuôi. Để giải “bài toán” khó này, ngành nông nghiệp của tỉnh Hưng Yên đã chọn cách chăn nuôi an toàn sinh học VietGAHP.

Tiêu chuẩn VietGAHP trong chăn nuôi là gì?

Chăn nuôi lợn, gà… là một nghề truyền thống lâu đời của người nông dân Việt Nam. Trong những năm qua, tại các địa phương trên cả nước, ngành chăn nuôi lợn theo mô hình trang trại đã có sự phát triển mạnh mẽ. Chăn nuôi phát triển cũng kéo theo hàng loạt hệ lụy đó là tình trạng ô nhiễm môi trường, người nuôi sử dụng các chất cấm, giá cả lên xuống thất thường, phụ thuộc nhiều vào thương lái.

Do vậy, để chăn nuôi phát triển ổn định, bềnh vững đòi hỏi các hộ chăn nuôi cần phải thay đổi tư duy, đầu tư phát triển công nghệ hướng tới những sản phẩm sạch và an toàn sinh học, trong đó phải kể đến chứng nhận VietGAHP chăn nuôi lợn đang được nhiều trang trại, doanh nghiệp xây dựng và áp dụng.

Tiêu chuẩn VietGAHP (Vietnamese Good Animal Husbandry Practices) là quy trình thực hành chăn nuôi tốt. Các quy trình này khuyến khích áp dụng nhằm ngăn ngừa các rủi ro từ các mối nguy gây ô nhiễm ảnh hưởng đến sự an toàn, sức khỏe, khẳng định chất lượng và nâng cao giá trị sản phẩm. VietGAHP chăn nuôi lợn do Cục Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và ban hành vào ngày 10/11/2015 theo Quyết định số 4653/QĐ-BNN-CN.

Hưng Yên: Chăn nuôi an toàn sinh học hướng phát triển bền vững- Ảnh 1.

Chăn nuôi lợn theo mô hình VietGAHP đang mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Hưng Yên.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên, trên địa bàn tỉnh đang có gần 15.000 hộ chăn nuôi gia súc, đại gia súc, gia cầm, trong đó có 584 trang trại chăn nuôi; với tổng đàn lợn có hơn 500.000 con; đàn gia cầm gần 900 triệu con; đàn trâu, bò hơn 35.000 con, cho tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt hơn 150.000 tấn/năm.

Thực hiện Đề án Phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi VietGAHP bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, Sở đã phối hợp với các địa phương tổ chức 88 lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, VietGAHP cho khoảng 4.500 lượt người; hỗ trợ, xây dựng được 113 mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi VietGAHP trong đó, có 52 mô hình chăn nuôi lợn, 56 mô hình chăn nuôi gà, vịt, hai mô hình chăn nuôi bò thịt, ba mô hình nuôi ong. Các mô hình cho sản lượng 14.823,3 tấn thịt lợn hơi, 4.843,4 tấn thịt gia cầm, 78.292.600 quả trứng gia cầm đạt tiêu chuẩn VietGAHP. Mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi theo quy trình VietGAHP đang phát huy hiệu quả và được nhân rộng. Đến nay, tỷ lệ hộ chăn nuôi theo quy trình trên chiếm hơn 65% tổng số hộ chăn nuôi; có 113 trang trại chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAHP.

Ông Lê Quang Thắng - Giám đốc HTX chăn nuôi và kinh doanh gà Đông Tảo, huyện Khoái Châu cho biết: Từ khi HTX áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, quy trình VietGAHP, các thành viên đã thực hiện ghi chép đầy đủ trong quá trình chăn nuôi: Từ việc nhập giống, mua thức ăn, sử dụng vaccin... đến khi xuất bán. Điều này giúp hạn chế dịch bệnh, giảm chi phí trong quá trình chăn nuôi. Chất lượng thịt gia cầm thương phẩm, con giống của các thành viên trong hợp tác xã có thể kiểm tra, kiểm soát được, bảo đảm an toàn thực phẩm, làm tăng giá trị sản phẩm.

Đưa chăn nuôi thành ngành chủ lực trong nông nghiệp

Bà Nguyễn Thị Bích Vân - Trưởng phòng Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên cho biết: Chăn nuôi an toàn sinh học, theo quy trình VietGAHP là hướng đi cần thiết, mang lại hiệu quả bền vững, đem lại lợi ích cho cộng đồng. Những năm gần đây, Phòng Chăn nuôi thường xuyên phối hợp với đơn vị chuyên môn và các địa phương tổ chức tập huấn về quy trình chăn nuôi an toàn cho hàng nghìn lượt người; đồng thời khuyến khích, nhân rộng chăn nuôi theo quy trình VietGAHP đối với các loại vật nuôi chủ đạo như lợn, bò, gà.

Hưng Yên: Chăn nuôi an toàn sinh học hướng phát triển bền vững- Ảnh 2.

Việc kiểm soát đầu vào con giống theo mô hình VietGAHP giúp người chăn nuôi lợn ở Hưng Yên hạn chế rủi ro.

Ông Cao Văn Sơn, xã Long Hưng, huyện Văn Giang - một trong những hộ dân đang áp dụng VietGAHP đạt được hiệu quả cao trong sản xuất. Ông Sơn cho biết, trong thời điểm bùng phát bệnh dịch tả lợn châu Phi, trang trại của gia đình ông chăn nuôi theo quy trình an toàn sinh học nên không bị thiệt hại, do đó vẫn duy trì được sản xuất. "Việc thực hiện nghiêm ngặt các bước bảo đảm an toàn cho trang trại, hệ thống thu gom chất thải hoạt động hiệu quả, hệ thống khử trùng tự động liên tục, người lạ tuyệt đối không được vào trong trang trại, người chăn nuôi làm việc liên tục trong trang trại suốt cả tuần, mỗi khi có việc ra ngoài đều phải thực hiện khử trùng ba lần... đã đem lại hiệu quả trong phòng chống dịch" - ông Sơn chia sẻ.

Theo ông Sơn, điều lo ngại nhất đối với người chăn nuôi, đặc biệt chăn nuôi lợn, đó là dịch. Dịch tả trong chăn nuôi lợn có khả năng bùng phát rất nhanh, nếu không kịp thời chữa trị, ngăn ngừa dịch, thiệt hại sẽ rất lớn. "Chăn nuôi lợn, có thể lãi vài năm, nhưng chỉ cần một năm bị dịch là mất hết, thậm chí thua lỗ, cụt vốn khiến nhiều chủ trang trại phải "treo" chuồng. Khống chế được dịch bệnh, người chăn nuôi mới có thể sống khỏe với nghề được" - ông Sơn tâm sự.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên, việc xây dựng các mô hình chăn nuôi VietGAHP nằm trong chủ trương hướng tới việc xây dựng vùng chăn nuôi an toàn theo hướng tập trung, quy mô lớn. Theo đó, Hưng Yên tiếp tục có cơ chế, chính sách ưu đãi về đất, vốn tín dụng, tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi xây dựng trang trại theo hướng khép kín; đẩy mạnh việc xây dựng chuỗi liên kết, gắn các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm với các hộ chăn nuôi quy mô lớn, tạo quy trình đồng bộ từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng hỗ trợ thúc đẩy xây dựng thương hiệu sản phẩm chăn nuôi an toàn; tạo điều kiện cho nông dân áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật trong chăn nuôi. Tỉnh tiếp tục quy hoạch, từng bước xây dựng các vùng chăn nuôi theo hướng tập trung, có khả năng bảo đảm các quy trình kỹ thuật, vệ sinh thú y, phù hợp với xu thế phát triển của chăn nuôi hiện đại; tiến tới loại bỏ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư tạo nên sự phát triển bền vững, hiệu quả, đưa ngành chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chủ lực, chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh Hưng Yên.

PV
Cùng chuyên mục