Luật Chăn nuôi 2025: Thách thức và triển vọng tươi sáng cho BaF và Dabaco

24/06/2024 10:30 GMT+7
Luật Chăn nuôi 2025 tạo ra bước ngoặt lớn cho ngành chăn nuôi Việt Nam. Luật mới yêu cầu các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ phải đáp ứng các quy định nghiêm ngặt về điều kiện chăn nuôi và quản lý dịch bệnh. Điều này sẽ dẫn đến sự chuyển dịch lớn, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp lớn phát triển.

Luật Chăn nuôi năm 2025 là cơ hội cho các doanh nghiệp lớn

Tại Báo cáo ngành chăn nuôi Việt Nam vừa công bố, Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết, ngành chăn nuôi Việt Nam đã phải đối mặt với sự mất cân đối cung cầu nghiêm trọng trong các năm qua. Dịch tả lợn châu Phi bùng phát từ năm 2019 đến nay vẫn để lại hậu quả nặng nề, khiến nguồn cung lợn hơi giảm mạnh. Số lượng lợn bị tiêu hủy lớn, ảnh hưởng đến sản lượng thịt trong nước.

Mặt khác, nhu cầu thịt lợn trong nước vẫn duy trì ở mức cao. Người tiêu dùng Việt Nam có thói quen tiêu thụ thịt lợn cao nhất so với các loại thịt khác. Sự phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 cũng thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng tăng lên, đặc biệt trong các dịp lễ Tết.

Luật Chăn nuôi 2025: Thách thức và triển vọng tươi sáng cho BaF và Dabaco
- Ảnh 1.

Diễn biến giá lợn hơi giai đoạn 2014-2024 và dự báo của BSC.

Báo cáo cũng cho biết, giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, bao gồm đậu nành, ngô và lúa mì, đều có xu hướng tăng mạnh do các yếu tố toàn cầu như biến đổi khí hậu, chi phí vận chuyển tăng cao và chính sách thương mại quốc tế. Đây là yếu tố chính ảnh hưởng đến chi phí sản xuất trong ngành chăn nuôi, chiếm khoảng 50-60% tổng chi phí.

Biến động giá heo hơi từ năm 2014 đến nay cho thấy những thay đổi mạnh mẽ do cung cầu không ổn định. Trong những thời điểm thiếu hụt nguồn cung, giá heo hơi đã tăng lên đến 58% (năm 2018). Tuy nhiên, cũng có giai đoạn giá giảm mạnh, đặc biệt khi dịch bệnh được kiểm soát và nguồn cung phục hồi.

Cơ cấu sản xuất trong ngành này đã có sự dịch chuyển sang chăn nuôi chuyên nghiệp (thị phần tăng từ 30% lên 50%-60%). Nguyên nhân do thị phần nông hộ giảm bởi dịch bệnh, thua lỗ từ 2018-2024 và các doanh nghiệp chăn nuôi hiện đại đón đầu xu hướng theo các quy định mới của Luật Chăn nuôi có hiệu lực vào 1/1/2025.

Luật Chăn nuôi năm 2018 có hiệu lực từ năm 2020 nghiêm cấm hành vi chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư. Theo quy định của luật, các địa phương có 5 năm kể từ khi luật có hiệu lực để thực hiện di dời các cơ sở chăn nuôi không phù hợp (tức từ ngày 1/1/2025).

Luật Chăn nuôi 2025: Thách thức và triển vọng tươi sáng cho BaF và Dabaco
- Ảnh 2.

Tác động của Luật Chăn nuôi năm 2025.

Luật Chăn nuôi mới sẽ đưa ra các quy định nghiêm ngặt hơn về điều kiện chăn nuôi, quản lý dịch bệnh, và bảo vệ môi trường. Các cơ sở chăn nuôi phải tuân thủ quy định về khoảng cách tối thiểu với khu dân cư, đăng ký và chứng nhận giống vật nuôi, và kiểm soát chất lượng thức ăn chăn nuôi.

Luật mới sẽ khiến hàng chục nghìn cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ không đủ điều kiện sẽ phải đóng cửa hoặc di dời, gây xáo trộn trong ngắn hạn. Ngược lại, đây cũng cơ hội cho các doanh nghiệp lớn và hiện đại hóa sản xuất. Các công ty lớn với chuỗi giá trị khép kín sẽ hưởng lợi từ việc giảm cạnh tranh không lành mạnh và tăng cường kiểm soát chất lượng, đồng thời mở rộng thị phần.

Trong giai đoạn 2025-2030, BSC nhận định tốc độ xây dựng trại của các doanh nghiệp sẽ nhanh, nhưng rủi ro là tiến độ thực thi luật chậm làm tăng nguồn cung và gây sức ép lên giá. Do đó, đơn vị phân tích đưa ra quan điểm trung lập cho ngành chăn nuôi và kỳ vọng các doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh sẽ còn dư địa phát triển trong trung hạn.

Theo BSC, các doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh là lợi thế về quy mô, tối ưu hoá hoạt động và chuỗi giá trị hoàn chỉnh (thức ăn - trang trại - thực phẩm). "Chúng tôi tin rằng chìa khóa cho tăng trưởng trung hạn nằm ở tối ưu chi phí sản xuất để tăng cường khả năng chống chịu trước những biến động của giá lợn hơi," BSC nêu nhận định.

Hai doanh nghiệp tiềm năng: BAF và DBC

CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam (BAF) xây dựng và liên tục hoàn thiện chuỗi giá trị khép kín nhằm kiểm soát toàn diện nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, con giống, trang trại công nghệ cao, sản xuất và chế biến thịt cũng như mạng lưới phân phối đến tay người tiêu dùng.

Trong năm 2024/2025, BSC kỳ vọng BAF đạt mức tăng trưởng của lợi nhuận sau thuế là 1.763% và 27% khi sản lượng lợn hơi tăng mạnh nhờ bảo vệ đàn trước sự lây lan của tả lợn châu Phi và sự đóng góp đáng kể từ việc nâng cấp trang trại mới lên tổng đàn. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 6,6% (năm 2023) lên 16,75%/18,21% (2024/2025) nhờ giá lợn hơi trung bình duy trì quanh mức 60.000 đồng/kg; sự sụt giảm của nguyên liệu đầu vào từ 10% -20%.

BAF còn có lợi thế cạnh tranh cho vị thế lâu dài với giá vốn hàng bán thấp hơn so với các công ty cùng ngành (10%- 15%) và đẩy nhanh tiến độ xây dựng trang trại chăn nuôi phù hợp với quy định của pháp luật.

Phần rủi ro đối với luận điểm đầu tư vào BAF là giá nguyên liệu đầu vào cho mảng thức ăn chăn nuôi sẽ tăng, rủi ro về quản trị doanh nghiệp và rủi ro từ pha loãng cổ phiếu.

DBC (Tập đoàn Dabaco) hoạt động đa ngành nghề, trong đó lĩnh vực chính là sản xuất thức ăn chăn nuôi, giống gia súc, gia cầm và chế biến thực phẩm. Bên cạnh đó, Dabaco còn tham gia vào lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, khu đô thị và kinh doanh bất động sản.

Theo BSC, tỷ suất lợi nhuận gộp của DBC sẽ cải thiện từ mức -4% (năm 2023) lên 12,4%/12,7% (2024/2025) do giá lợn hơi kỳ vọng duy trì ở mức nền cao quanh 60.000 đồng/kg (tăng 13% so với cùng kỳ 2023), nguyên liệu thức ăn giảm. Tổng đàn phục hồi sau dịch tả lợn châu Phi và sự đóng góp từ các trang trại lợn mới đi vào hoạt động vào năm 2023 dự kiến giúp sản lượng của DBC tăng 17%.

DBC còn được kỳ vọng bởi nghiên cứu và thương mại hoá thành công vắc xin tả lợn châu Phi, đợt phát hành riêng lẻ. Tuy nhiên rủi ro là giá nguyên liệu đầu vào cho mảng thức ăn chăn nuôi tăng; dịch bệnh động vật, gia cầm; tổng đàn phục hồi chậm hơn kỳ vọng.

Mi Lan
Cùng chuyên mục