Hưng Yên: Xây dựng nông thôn mới thông minh

09/11/2023 14:55 GMT+7
Ứng dụng linh hoạt chuyển đổi số vào xây dựng nông thôn mới (NTM), ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ; Đẩy mạnh xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống của người dân khu vực nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại.

Hưng Yên đang xây dựng NTM theo mô hình thông minh.

83 xã đạt chuẩn NTM nâng cao

Đến nay, toàn tỉnh có 83 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 19 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 106 khu dân cư NTM kiểu mẫu. Nhằm đẩy mạnh xây dựng NTM theo chiều sâu, bền vững, từng bước hình thành NTM thông minh, ngày 2/12/2022, UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành Kế hoạch số 195/KH-UBND về thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025. Để hoàn thành mục tiêu kế hoạch, các địa phương đang tập trung xây dựng xã NTM kiểu mẫu, mô hình thôn thông minh, đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, từng bước thực hiện chuyển đổi số trong quản lý, điều hành và phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2022, xã Phạm Ngũ Lão (Kim Động) lựa chọn thôn Tiên Quán để triển khai xây dựng mô hình thôn thông minh. Để việc triển khai mô hình được thuận lợi, thôn đã thành lập Tổ công nghệ số gồm 20 người, chia thành 4 nhóm. Các nhóm bố trí thời gian linh hoạt, đến từng hộ gia đình hướng dẫn người dân cài đặt và kích hoạt nhóm Zalo của thôn và cài đặt một số ứng dụng công nghệ phổ biến hiện nay như thanh toán trực tuyến, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... Để góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, xã thực hiện lắp đặt 10 camera giám sát an ninh tại các tuyến đường trục thôn.

Ông Nguyễn Khánh Toàn, người dân trong thôn chia sẻ: Từ khi có nhóm Zalo của thôn, mỗi khi triển khai công việc trong thôn, lãnh đạo thôn không phải tới tận nhà người dân để tìm gặp, thông báo, mà chỉ cần trao đổi trực tuyến trên nhóm Zalo, vừa không mất thời gian đi lại, người dân cũng nắm bắt được thông tin nhanh nhạy và kịp thời hơn.

Tương tự, tại xã Tân Dân (Khoái Châu), sau khi đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, xã lấy chuyển đổi số làm khâu đột phá. Ông Đỗ Xuân Huấn - Chủ tịch UBND xã Tân Dân cho biết: Năm 2021, xã xây dựng mô hình thôn thông minh tại thôn An Dân, sau 1 thời gian, nhận thấy mô hình mang lại hiệu quả tích cực, phù hợp xu thế, góp phần nâng cao hiệu quả điều hành, bảo đảm an ninh, trật tự, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xã đã triển khai nhân rộng mô hình trong toàn xã. Theo đó, tại các nơi sinh hoạt cộng đồng, các điểm công cộng, xã quan tâm lắp đặt hoặc xã hội hoá mạng wifi miễn phí phục nhu cầu của người dân.

Vừa qua, xã trích kinh phí gần 1 tỷ đồng đầu tư hệ thống truyền thanh thông minh tới các thôn, giúp truyền tải thông tin, văn bản, chỉ đạo của các cấp đến người dân nhanh hơn và tiện lợi hơn. Chính quyền xã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào công tác quản lý nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền, tăng tính minh bạch trong các hoạt động của xã và để phục vụ người dân trong xã tốt hơn. Đến nay, 100% các văn bản, công việc của xã được xử lý trên môi trường mạng, ứng dụng internet; 7/7 khu dân cư lắp đặt 133 camera giám sát an ninh…

Để xây dựng NTM thông minh, các địa phương đang chú trọng chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng phát triển toàn diện, sinh thái, hiệu quả. Theo đó, trong quá trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, các địa phương chú trọng thực hiện tiêu chí về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn. Thực hiện tốt tiêu chí này, bước đầu giúp địa phương thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

Hưng Yên: Xây dựng nông thôn mới thông minh - Ảnh 1.

Đưa cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp ở xã Nhật Quang (Phù Cừ, Hưng Yên).

Về vấn đề này, ông Ngô Văn Quyên - Chủ tịch UBND xã Minh Tiến (Phù Cừ) cho biết: Đến nay, xã có 8 vùng trồng cây ăn quả tập trung, với diện tích trên 260ha; 1 mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng chuyển đổi số để thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm chủ lực của địa phương. Trung bình mỗi năm xã có 30% sản lượng nông sản tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử, trang mạng xã hội.

Đến nay, 100% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trong tỉnh đạt tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, toàn tỉnh có 55 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; 228 sản phẩm chủ lực của các địa phương được chứng nhận sản phẩm OCOP. Nhiều mô hình nông nghiệp thông minh trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt đã ứng dụng công nghệ tự động hóa để theo dõi, giám sát, truy xuất, xử lý dữ liệu giúp giảm chi phí sản xuất, bảo đảm chất lượng sản phẩm. Các hợp tác xã, cơ sở sản xuất tích cực đưa trên 245 sản phẩm tham gia các sàn thương mại điện tử, trang thông tin điện tử và các trang mạng xã hội như: Shopee.vn; ketnoiocop.vn; ocophungyen.vn, facebook, Zalo…

Nhằm bảo đảm hạ tầng thực hiện chuyển đổi số hướng đến xây dựng NTM thông minh, các đơn vị viễn thông trên địa bàn tỉnh tích cực đầu tư hạ tầng. Đến nay, toàn tỉnh có trên 1,1 nghìn trạm thu, phát sóng di động; mạng lưới cáp quang lắp đặt đến 100% thôn, tổ dân phố, mạng 3G, 4G phủ sóng toàn tỉnh…

Đẩy mạnh phát triển nông nghiêp công nghệ cao, sạch, hữu cơ

Ông Đỗ Hữu Tuân - Giám đốc Sở NNPTNT Hưng Yên Đỗ Minh Tuân cho biết: "Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên khóa XIX, nông nghiệp, nông thôn ở Hưng Yên tiếp tục có nhiều khởi sắc mới trên tất cả các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, cơ giới hoá, kinh tế hợp tác, phát triển nông thôn, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh và xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra cơ bản được chỉ đạo thực hiện hoàn thành và nhiều chỉ tiêu vượt mức so mục tiêu của nghị quyết".

Theo đó, Hưng Yên đã tổ chức triển khai việc chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng; đẩy mạnh việc áp dụng các quy chuẩn trong sản xuất như VietGAP, GlobalGAP, truy xuất nguồn gốc... Gắn kết thực hiện việc chuyển đổi số với nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp 4.0, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Tập trung đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng chăn nuôi doanh nghiệp, HTX, trang trại, gia trại, chăn nuôi tập trung theo mô hình VietGAP, theo hướng an toàn sinh học.

Hưng Yên: Xây dựng nông thôn mới thông minh - Ảnh 2.

Xây dựng và thực hiện các đề án phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi VietGAHP bảo đảm an toàn dịch, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường giai đoạn 2020-2025 và định hướng 2030. Hiện toàn tỉnh có 487.000 con lợn, 36.000 con trâu bò, 9,4 triệu con gia cầm. Trong đó, tổng quy mô chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP lên 2.801.682 con gia súc, gia cầm, sản xuất an toàn theo chuỗi…

Đối với Ngành trồng trọt tiếp tục chuyển mạnh sang sản xuất theo hướng chất lượng cao; đến nay tỉnh Hưng Yên đã có: hơn 3.700ha cây rau, củ, quả sản xuất theo quy trình VietGap và sản xuất hữu cơ; hơn 19.000ha cây hiệu quả thấp được chuyển đổi sang trồng cây lâu năm, cây hàng năm kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản có hiệu quả cao. Trong đó, cây nhãn đạt khoảng 5000ha, vải hơn 1.100ha, cây có múi hơn 4.600ha, diện tích lúa hàng hóa chất lượng cao đạt hơn 70% diện tích cấy lúa; giá trị sản xuất năm 2022 đạt 230 triệu đồng/ha.

Tính đến nay, Hưng Yên có 374 hợp tác xã và 416 tổ hợp tác. Chương trình "mỗi xã một sản phẩm" OCOP tiếp tục được thực hiện có hiệu quả, với 199 sản phẩm OCOP được xếp loại, đánh giá từ 3 sao trở lên. Kinh tế hộ gia đình ở nông thôn đang tiếp tục phát triển theo cơ chế thị trường và có sự chuyển dịch hiệu quả. Sản xuất quy mô lớn, theo chuỗi giá trị có sự hợp tác, liên kết giữa nông dân, các tổ chức nông dân (tổ hợp tác, hợp tác xã) với doanh nghiệp đã hình thành ở tất cả các lĩnh vực sản xuất và đang được nhân rộng ra nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.

"Tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM từ năm 2021 đến nay đạt khoảng 13.721 tỷ đồng, trong đó: Nguồn vốn ngân sách T.Ư hơn 85 tỷ đồng; ngân sách tỉnh 1.806 tỷ đồng; vốn ngân sách huyện 2.825 tỷ đồng, ngân sách xã 3.875 tỷ, vốn lồng ghép các chương trình, dự án là 1.140 tỷ đồng; vốn huy động từ doanh nghiệp khoảng 579 tỷ đồng; huy động nguồn lực từ nhân dân khoảng 597 tỷ, các nguồn lực khác khoảng 2.814 tỷ đồng. Toàn tỉnh Hưng Yên đã có 98 xã được công nhận xã đạt NTM nâng cao, đạt tỷ lệ 70,5% tổng số xã và 24 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu đạt tỷ lệ 17,3% tổng số xã. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2022 đạt 64,42 triệu đồng/người, tăng 14,42 triệu đồng so năm 2020. Phấn đấu đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 25-30 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 10-15 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 100% các xã NTM kiểu mẫu xây dựng 3 mô hình thôn thông minh".



Nam Tùng Sơn
Cùng chuyên mục