Khắc phục hậu quả lũ lụt, nông dân Bình Định hối hả vào vụ đông xuân

28/12/2021 09:46 GMT+7
Sau khi đợt lũ xảy ra vào cuối tháng 11, nông dân ở tỉnh Bình Định nhanh chóng khắc phục thiệt hại để xuống giống vụ đông xuân (ĐX) 2021 - 2022.

Tất bật vào vụ

Để kịp thời vụ, thời gian qua, nông dân Bình Định đã khẩn trương khắc phục những diện tích bị sa bồi, thủy phá do lũ gây ra để bắt đầu bước vào sản xuất.

Theo Trưởng Phòng NNPTNT huyện Tuy Phước Phan Văn Khiêm, vụ ĐX 2021 - 2022, toàn huyện gieo sạ 7.450 ha lúa, trong đó có 18 cánh đồng mẫu lớn với diện tích 650 ha; 7 cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết với diện tích 746 ha, lịch gieo sạ từ ngày 10 - 20/12. 

Sau lũ, trên chân ruộng trũng nước rút đến đâu nông dân gieo sạ đến đó. Ngoài ra, trong vụ này Tuy Phước còn sản xuất khoảng 190 ha bắp (ngô); 210 ha đậu phụng (lạc) và 700 ha rau màu các loại.

Khắc phục hậu quả lũ lụt, nông dân Bình Định hối hả vào vụ đông xuân - Ảnh 1.

Khẩn trương khắc phục hệ thống kênh mương để vào vụ đông xuân. Ảnh: TB.

"Đây là vụ sản xuất chính trong năm, cho năng suất cao, nên UBND huyện chỉ đạo các địa phương huy động mọi nguồn lực tập trung khắc phục hệ thống kênh mương bị hư hỏng, nạo vét kênh mương nội đồng thông thoáng. Đồng thời vận động lực lượng công an, quân sự, dân quân tự vệ và thanh niên địa phương giúp dân khắc phục những diện tích bị lũ gây sa bồi, thủy phá để sản xuất kịp thời vụ", ông Khiêm cho biết.

Tại huyện Phù Cát, hiện nông dân đã xuống giống hết diện tích chân cao sạ cưỡng và chân 3 vụ lúa/năm, tập trung ở các xã Cát Tài, Cát Minh, Cát Khánh, Cát Thành, Cát Hanh, Cát Hải, Cát Trinh, Cát Tường.

Trong vụ ĐX này, huyện Phù Cát sản xuất 7.050 ha lúa, 7.700 ha cây trồng cạn, chủ yếu là đậu phụng, mì, bắp lai, ớt, rau dưa các loại. Vụ sản xuất này huyện Phù Cát thực hiện 35 cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích 1.526 ha; chuyển đổi cây trồng trên diện tích 1.481 ha, trong đó, chuyển đổi trên đất trồng lúa 450 ha, trên đất mì 281 ha và trồng đậu phụng xen mì 750 ha.

Khắc phục hậu quả lũ lụt, nông dân Bình Định hối hả vào vụ đông xuân - Ảnh 2.

Sa bồi thuỷ phá ảnh hưởng đến đồng ruộng của nông dân sau trận lũ lớn. Ảnh: TB.

Đợt mưa lũ cuối tháng 11 vừa qua làm nhiều diện tích ruộng bị sa bồi thủy phá, ngành nông nghiệp huyện và các địa phương đã vận động nông dân chăm sóc diện tích lúa mới sạ, khẩn trương thu dọn cát đất bồi lấp, gia cố bờ ruộng bị hư hỏng. Chính quyền các địa phương huy động máy móc, phương tiện cơ giới hỗ trợ nông dân khắc phục những diện tích sa bồi nặng và sửa chữa các công trình thủy lợi bị hư hại để đưa vào sản xuất kịp thời vụ.

Chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả

Nông dân Ngô Thị Kim Hồng ở thôn Phú Thọ, xã Tây Phú (huyện Tây Sơn, Bình Định) cho biết, chưa năm nào ruộng của bà bị bồi lấp nhiều như năm nay. Để gieo sạ kịp thời vụ, sau khi lũ rút, bà lập tức cùng với cây cuốc bám ruộng làm không ngơi nghỉ, bà tranh thủ làm mỗi ngày một ít để kịp xuống giống cho kịp thời vụ.

Trong khi đó, ông Trần Đình Thọ, Giám đốc HTXNN Thượng Giang (huyện Tây Sơn) cho rằng, hầu hết các diện tích đã được nông dân cày ngâm, cày ải để diệt cỏ dại, lật phơi đất,chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư để tiến hành gieo sạ đảm bảo lịch thời vụ. HTX đã bán cho nông dân 16 tấn lúa giống với giá hỗ trợ 8.300 đồng/kg để gieo sạ 140ha lúa trên địa bàn.

Khắc phục hậu quả lũ lụt, nông dân Bình Định hối hả vào vụ đông xuân - Ảnh 3.

Dùng máy múc khắc phục đồng ruộng. Ảnh: TB.

Thời gian qua, HTX đã điều phương tiện cơ giới sửa chữa hệ thống kênh mương nội đồng và hỗ trợ bà con xã viên khắc phục những diện tích bồi lấp nặng. Ngoài ra, HTX còn chi trên 10 triệu đồng để giúp bà con khôi phục đồng ruộng, khơi lại hệ thống kênh mương, đường nội đồng bị vùi lấp, xói lở do mưa lũ nhằm sớm khắc phục thiệt hại để sản xuất đúng lịch thời vụ.

Khắc phục hậu quả lũ lụt, nông dân Bình Định hối hả vào vụ đông xuân - Ảnh 4.

Nông dân Bình Định ra đồng vào vụ đông xuân. Ảnh: TB.

Trong vụ ĐX này, huyện Tây Sơn tiếp tục chuyển đổi hơn 232 ha đất lúa, đất mì, đất mía kém hiệu quả sang các loại cây trồng cạn phù hợp hơn, như đậu phụng, mè ở các xã Bình Thuận, Bình Tân; rau, đậu, bắp sinh khối, cỏ chăn nuôi ở các xã Tây An, Tây Bình, Tây Vinh, Tây Thuận, Tây Phú; hoặc chuyển đổi từ 3 vụ lúa/năm sang sản xuất 2 vụ lúa xen canh 1 vụ màu.

Theo ông Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn (Bình Định), trước khi bước vào sản xuất vụ ĐX 2021-2022, huyện Tây Sơn đã phát động phong trào diệt chuột trong các ngành, hội, đoàn thể, HTX nông nghiệp và các khu dân cư trên địa bàn nhằm giảm thiểu thiệt hại do chuột gây ra với mức giá mua đuôi chuột từ 2.000 - 3.000 đồng/đuôi.

"Đặc biệt, huyện Tây Sơn sẽ tích cực hỗ trợ để chuyển giao tiến bộ KH-KT, xây dựng và nhân rộng các mô hình canh tác ứng dụng công nghệ cao để hướng bà con nông dân chuyển dần sang nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường", ông Khánh nói.


Thăng Bình
Cùng chuyên mục