Khai thác tiềm năng mặt nước lòng hồ, nuôi thủy sản bền vững
Nuôi cá lồng bè trên sông, hồ chứa được tỉnh Hòa Bình coi là ngành kinh tế mũi nhọn cần phát triển để khai thác hiệu quả tiềm năng mặt nước tại địa phương.
Ngày 13/10, tại Hòa Bình, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp “Phát triển nuôi thủy sản lòng hồ đạt hiệu quả cao và bền vững hướng tới sản phẩm OCOP tại các tỉnh miền núi phía Bắc”.
Tại diễn đàn, ông Đỗ Đức Trường, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hòa Bình cho biết, những năm gần đây được sự quan tâm của các cấp các ngành, cùng chính sách hỗ trợ phát triển cho nghề nuôi cá lồng bè, sự hưởng ứng của người dân cũng như hiệu quả kinh tế mà nó mang lại mà phong trào nuôi cá lồng bè trên sông, hồ chứa ở Hòa Bình không ngừng phát triển.
Theo số liệu thống kê đến năm 2020 toàn tỉnh đã có 2.700 ha mặt nước ao hồ nuôi trồng thủy sản. Hiện có 4.700 lồng nuôi cá trên hồ Hòa Bình. Hiện toàn tỉnh có 33 HTX nuôi trồng thủy sản, 4 doanh nghiệp nuôi cá lồng bè với quy mô trên 100 lồng, 20 cơ sở nuôi cá lồng bè có quy mô trên 20 lồng/cơ sở.
Theo ông Trường, sự phát triển nuôi cá lồng bè hiện nay có được là một phần nhờ vào chủ trương, chính sách của tỉnh, sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo các cấp và những chính sách phù hợp, kịp thời của tỉnh Hòa Bình. Trong giai đoạn 2015– 2020, Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình đã thực hiện hàng chục lớp tập huấn kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh cho cá. Xây dựng các mô hình khuyến ngư gồm mô hình nuôi cá tầm trong lồng, nuôi cá diêu hồng trong lồng, nuôi cá lăng trong lồng, nuôi cá ngạnh trong lồng, nuôi cá trắm đen trong lồng, nuôi cá trắm cỏ thâm canh năng suất cao trong ao, hồ chứa.
Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình đã thực hiện thành công các mô hình này, được người nuôi cá lồng bè trong vùng hưởng ứng và nhân rộng, tới nay đã có hàng trăm hộ dân nuôi theo và cho thu nhập ổn định.
“Thành công của các mô hình trình diễn bước đầu tạo cho người nuôi cá lồng bè trên sông, hồ chứa có được niềm tin, có thêm động lực, tự tin hơn trong việc đầu tư và chuyển nuôi những đối tượng nuôi mới có tiềm năng, có giá trị kinh tế cao hơn, qua đó góp phần xóa đói, giảm nghèo từng bước tiến tới làm giàu bằng nghề nuôi cá lồng”, ông Đỗ Đức Trường nhấn mạnh.
Tại diễn đàn, ông Kim Văn Tiêu, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, nhằm phát triển bền vững nghề nuôi cá nước ngọt Bộ NN-PTNT đã giao Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì phối hợp với các địa phương xây dựng các dự án khuyến ngư về nuôi cá lồng bè, nuôi thâm canh cá rô phi theo VietGAP, nuôi ghép các đối tượng cá truyền thống, nuôi cá - lúa... Các dự án đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, tạo sản phẩm sạch, an toàn phục vụ cho nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
“Kết quả các dự án được tuyên truyền, nhân rộng nhằm phát triển tốt nghề nuôi thủy sản tại các tỉnh miền Bắc góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, xóa đói giảm nghèo, thay đổi cơ cấu sản xuất, hạn chế phá rừng, giảm các tệ nạn xã hội, cải thiện đời sống cho người nông dân, tạo ra sản phẩm có giá trị tiêu thụ nội địa và xuất khẩu”, ông Kim Văn Tiêu chia sẻ.
Giai đoạn năm 2021-2023, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ tiếp tục đề xuất Bộ NN-PTNT đồng ý phê duyệt triển khai 5 dự án tại các tỉnh phía Bắc như sau:
- Xây dựng mô hình nuôi trai lấy ngọc phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu triển khai tại tỉnh Vĩnh Phúc.
- Xây dựng mô hình nuôi cá lăng chấm (Hemibagrus guttatus), cá chiên (Bagarius yarrelli) theo hướng VietGAP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm triển khai tại tỉnh Tuyên Quang.
- Xây dựng mô hình nuôi cá bỗng (Spinibarbichthys denticulatus) trong lồng bè trên sông và hồ chứa gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm triển khai tại tỉnh Cao Bằng.
- Xây dựng mô hình nuôi cá nheo Mỹ (Ictalurus punctatus) trong lồng bè trên sông và hồ chứa gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm triển khai tại tỉnh Lạng Sơn.
- Xây dựng mô hình nuôi cá trắm đen (Mylopharyngodon piceus) thương phẩm bằng thức ăn công nghiệp đảm bảo an toàn thực phẩm gắn với chuỗi liên kết triển khai tại tỉnh Thái Bình.