Không lo cung tiền, đây mới là yếu tố "kích hoạt" lạm phát
Tại buổi Đối thoại chuyên đề "Vòng xoáy lạm phát - Kiểm soát chi phí đẩy" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức, TS Lê Xuân Nghĩa – Chuyên gia kinh tế cho biết, ông tin vào cách điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước như mấy năm nay khá vững vàng, chuyên nghiệp và rút kinh nghiệm được từ những năm trước.
Do đó, ông Nghĩa cho rằng không quá lo ngại về lạm phát tiền tệ. Bằng chứng là chỉ số lạm phát cơ bản trong mấy tháng gần đây vẫn ở mức thấp, không phải mức đáng lo ngại.
Cung tiền có "kích hoạt" lạm phát?
"Cách Ngân hàng Nhà nước kiểm soát cung tiền mấy năm gần đây rất tốt, nên chúng ta không lo ngại rằng chúng ta sẽ "tứ bề gặp giặc" mà chỉ "một bề" thôi: đó là chi phí đẩy. Chúng ta không phải lo rằng tỷ giá hối đoái sẽ kích hoạt thêm giá nhiên liệu từ bên ngoài vào. Chúng ta cũng không lo rằng lạm phát cung tiền trong nước sẽ kích hoạt thêm lạm phát chi phí đẩy – vấn đề mà Việt Nam đang phải đối mặt", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Chung quan điểm, ông Nguyễn Đức Trung, Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng Tp.HCM, cho rằng tiền tệ, hay cung tiền không cần phải quá lo lắng.
Bởi theo vị chuyên gia này, thông qua sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước tỷ giá đầy đủ khả năng chống chịu được những cú sốc từ bên ngoài, cung tiền rất ổn định không có sự kích hoạt lạm phát.
Góc độ từ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Đức Long, Vụ trưởng Vụ Dự báo Thống kê (Ngân hàng Nhà nước) thông tin, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm tới việc điều hành các chỉ tiêu tiền tệ để kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý.
Trong đó, mức hợp lý ở đây tức là lạm phát không chỉ đạt mục tiêu trong năm nay, mà còn không tạo áp lực cho năm sau.
Chẳng hạn, với yếu tố tăng trưởng tín dụng, cách đây hơn chục năm thì rất cao, nhưng thời gian qua luôn được đặt ra ở mức phù hợp với thị trường.
Đồng thời, tín dụng cũng được hướng đến các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, hạn chế dòng tiền đi vào lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán...
Tương tự, thanh khoản luôn được duy trì dồi dào vừa phải, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng hợp lý.
Hay như tỷ giá luôn được giữ ổn định, bởi lẽ, Ngân hàng Nhà nước hiểu rằng, trong bối cảnh lạm phát thì tỷ giá có vai trò rất quan trọng để hạn chế sức ảnh hưởng từ việc giá cả hàng hóa thế giới đang tăng nhanh.
Với việc điều hành đồng bộ như vậy, có thể thấy diễn biến lạm phát trong thời gian qua luôn được kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu. Trong đó lạm phát toàn phần CPI đều là dưới 4%. Đối với lạm phát cơ bản, dao động trong 0,8-2%, mức hợp lý đối với Việt Nam.
"Đây là yếu tố hết sức quan trọng và hỗ trợ trong việc ổn định được nền kinh tế vĩ mô, và kỳ vọng kiểm soát lạm phát đề ra", ông Long nhìn nhận.
Vậy đâu mới là nguyên nhân đưa Việt Nam đến gần hơn với rủi ro lạm phát?
Theo ông Nguyễn Đức Trung, Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng Tp.HCM, yếu tố chi phí đẩy mặc dù chưa làm "bùng cháy" lạm phát nhưng cũng đang phả "hơi nóng".
Chẳng hạn như vấn đề năng lượng, theo ông Trung đây là vấn đề rất khó đoán, khó để kiểm soát do vẫn phải phụ thuộc vào thị trường quốc tế.
"Còn nhớ năm 2017, kịch bản không tốt đã diễn ra với giá dầu, thì nay kịch bản còn không tốt hơn nữa. Giá dầu đang vượt so với kịch bản bình quân đưa ra là trên 50%. Và khi giá dầu ở mức 100-125 USD/thùng thì giá xăng trong nước sẽ tăng khoảng 40% và lạm phát tăng 1,44%-2,7%", ông Trung nói.
Hơn nữa, theo vị chuyên gia này, kịch bản hiện tại chưa chắc đã phải là xấu nhất, bởi vấn đề năng lượng không thể dự báo chính xác.
Chưa kể, chi phí y tế và giáo dục dù năm nay có thể kiểm soát được nhưng những năm tiếp theo vẫn phải tăng để phù hợp với thị trường.
Mặt khác, yếu tố cầu kéo cũng cần phải quan tâm. Hiện tại, do chiến lược Zero Covid-19 của Trung Quốc, nguồn cung nguyên vật liệu bị gián đoạn khiến giá cả hàng hóa tăng theo ngày. Hay như diễn biến người dân không tái đàn lợn, trong khi nhu cầu thực phẩm vẫn không đổi.
Do đó, ông Trung kiến nghị, nhà điều hành nên thể hiện tính linh hoạt với thị trường trong thời điểm hiện tại.
"Cần điều chỉnh phù hợp về mục tiêu lạm phát 4% để tránh kích hoạt tâm lý kỳ vọng lạm phát. Thà điều chỉnh sớm thì sẽ giảm áp lực cho nhà quản lý, tránh kỳ vọng từ người dân, thể hiện tính linh hoạt và thị trường", ông Trung nhấn mạnh.