Khủng hoảng thiếu chip toàn cầu có thể kéo dài 2-3 năm nữa

17/10/2021 12:35 GMT+7
Tình trạng thiếu chip toàn cầu có thể tiếp tục kéo dài 2-3 năm tiếp theo, trích nhận định của Chủ tịch Hisense, một trong những nhà sản xuất hàng gia dụng và TV lớn nhất Trung Quốc trên tờ CNBC.

“Hisense sản xuất đồ gia dụng và hàng tiêu dùng, chúng tôi có nhu cầu lớn với những con chip đơn giản. Mặc dù nguồn cung bị thắt chặt và chi phí ngày càng cao, hoạt động kinh doanh của chúng tôi vẫn duy trì bình thường” - ông Jia Shaoqian, chủ tịch của Hisense, một trong những nhà sản xuất hàng gia dụng và TV lớn nhất Trung Quốc cho hay. Ông nhấn mạnh Hisense cũng chịu một số tác động từ cuộc khủng hoảng chip, nhưng tác động không lớn nếu so sánh với các công ty điện tử hay ngành công nghiệp ô tô.

Ông Jia Shaoqian nhận định nếu không có thêm biến cố nào lớn thì tình trạng thiếu chip toàn cầu có thể được khắc phục trong 2-3 năm tiếp theo. Trong trường hợp tiếp tục diễn ra các tranh chấp thương mại toàn cầu, tình trạng thiếu chip có thể kéo dài lâu hơn dự kiến và rất khó ước tính.

Một số tổ chức dự báo phương Tây cũng nhận định tình trạng thiếu hụt được dự báo có thể kéo dài đến năm 2023.

Khủng hoảng thiếu chip toàn cầu có thể kéo dài 2-3 năm nữa - Ảnh 1.

Khủng hoảng thiếu chip toàn cầu có thể kéo dài 2-3 năm nữa, cảnh báo của ông Jia Shaoqian, chủ tịch Hisense (Ảnh: Getty Images)

Chip bán dẫn là thành phần cực kỳ quan trọng trong các thiết bị điện từ từ đơn giản đến phức tạp. Chúng tạo thành một mạch máu nuôi dưỡng ngành công nghệ trong nền kinh tế toàn cầu, là yếu tố quan trọng thiết yếu với nhiều ngành công nghiệp lớn của thế giới. Tùy từng loạt thiết bị và thiết kế, mỗi sản phẩm điện tử có thể sử dụng từ một vài đến hàng trăm chip bán dẫn hoặc nhiều hơn. Số chip cần dùng thậm chí còn lớn hơn trong ngành công nghiệp ô tô hướng khi ngành này tới phát triển các dòng xe điện, xe chạy bằng năng lượng sạch, thậm chí xa hơn là xe tự lái. Do đó, cuộc khủng hoảng chip thực sự đang tác động rất lớn đến ngành công nghiệp ô tô.

Năm ngoái, khi đại dịch bùng phát trên toàn cầu, nhiều ngành hàng đã dự đoán người dân có thể cắt giảm chi tiêu cho mặt hàng điện tử khi thu nhập giảm sút, kinh tế eo hẹp. Nhưng dự đoán này nhanh chóng trở nên sai lầm khi các đợt phong tỏa trên toàn cầu buộc người dân chôn chân tại nhà, qua đó kích thích nhu cầu mua sắm đồ công nghệ, từ smartphone, laptop cho đến máy chơi game. Nhu cầu tăng vọt gây căng thẳng lên chuỗi cung ứng vốn chưa thể phục hồi từ đại dịch, dẫn đến cuộc khủng hoảng thiếu chip kéo dài đến nay. 

Chiến tranh thương mại Mỹ Trung được cho là một yếu tố góp phần làm căng thẳng thêm cuộc khủng hoảng thiếu chip hiện tại. Mỹ trước đó đã tìm cách “hất cẳng” nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc SMIC khỏi chuỗi cung ứng công nghệ từ Mỹ bằng việc đưa SMIC vào danh sách đen và áp lệnh cấm vận thương mại. 

Nhiều thống kê cho thấy các công ty chip của Trung Quốc đang tiếp tục hút vốn đầu tư hàng tỷ USD khi Bắc Kinh tìm cách xây dựng ngành công nghiệp chip riêng để đáp ứng nhu cầu trong nước và giảm bớt phụ thuộc vào nước ngoài, đặc biệt là Mỹ.

Theo một báo cáo được công bố hồi tháng 6 năm nay bởi công ty luật Katten có trụ sở tại Mỹ và Ijiwei.com, công ty giám sát ngành công nghiệp chip Trung Quốc, 164 công ty chip của Trung Quốc đã nhận được số vốn đầu tư lên tới 40 tỷ Nhân dân tệ (6,19 tỷ USD) trong 5 tháng đầu năm 2021. Mặc dù con số này chậm hơn so với năm 2020, năm mà toàn ngành chip Trung Quốc huy động được 140 tỷ Nhân dân tệ đầu tư trong cả năm; nhưng con số 40 tỷ Nhân dân tệ của 5 tháng đầu năm 2021 đã gần bằng với tổng số tiền mà các công ty chip nước này huy động được trong cả năm 2019. Năm ngoái, nhà sản xuất chip hợp đồng lớn nhất Trung Quốc SMIC đã huy động được 45,6 tỷ Nhân dân tệ thông qua niêm yết thứ cấp trên sàn STAR. SMIC đã niêm yết tại Hong Kong từ trước đó.

Trung Quốc hiện đặt mục tiêu xây dựng ngành công nghiệp chip tự lực tự cường là một trong những ưu tiên hàng đầu của kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 nhằm cắt giảm sự phụ thuộc vào Mỹ. Cuộc khủng hoảng thiếu chip toàn cầu trong thời gian qua cũng khiến mục tiêu này trở nên cấp thiết hơn.

Riêng trong năm 2020, chính phủ Trung Quốc đã chi số tiền kỷ lục 231,6 tỷ Nhân dân tệ (33 tỷ USD) trợ cấp cho ngành công nghiệp chip nhằm thúc đẩy khả năng tự lực trong nước khi cuộc chiến công nghệ với Mỹ không có dấu hiệu hạ nhiệt.


NTTD
Cùng chuyên mục