Kịch bản xấu nhất, ngân hàng “khó khăn hơn gấp bội”

08/08/2020 10:50 GMT+7
Kịch bản xấu nhất khi dịch Covid-19 quay trở lại đó chính là phải giãn cách xã hội. Nếu tình huống này xảy ra nó sẽ tác động rất lớn đến nền kinh tế và hoạt động hệ thống ngân hàng không thể ngoại lệ. Kinh tế thậm chí có thể tăng trưởng âm. Thách thức đối với hoạt động ngân hàng còn rất lớn ở phía trước.

Kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh quý III/2020 của các tổ chức tín dụng (TCTD) do Vụ Dự báo - Thống kê (NHNN), kỳ vọng bình quân của toàn hệ thống về mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2020 tiếp tục được điều chỉnh giảm mạnh so với các mức kỳ vọng ghi nhận tại cuộc điều tra trước. Đáng chú ý, cuộc điều tra này được thực hiện trước khi làn sóng Covid-19 lần thứ 2 quay trở lại trong những ngày gần đây.

Đến thời điểm hiện tại khi dịch Covid-19 quay trở lại và có diễn biến phức tạp, các ngân hàng và giới phân tích đã đưa ra không ít dự báo tăng thêm sự quan ngại về nhu cầu vốn của doanh nghiệp (DN) từ nay đến cuối năm thấp hơn so với thông lệ mọi năm. Thậm chí nhiều DN đang đối mặt với khả năng phải dừng hoạt động hoàn toàn. Như vậy, các ngân hàng – đối tượng bị ảnh hưởng gián tiếp cũng đối mặt với muôn trùng khó khăn trong hoạt động kinh doanh.

"Vốn dĩ tình hình kinh tế đã khó giờ lại khó khăn hơn gấp bội", TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định và cho rằng: Thách thức lớn nhất là khả năng kiểm soát khống chế dịch đến đâu và chúng ta phải lên mọi kịch bản để đưa ra giải pháp ứng phó.

Theo ông Thành, kịch bản xấu nhất khi dịch Covid-19 quay trở lại đó chính là phải giãn cách xã hội. "Nếu tình huống này xảy ra nó sẽ tác động rất lớn đến nền kinh tế và hoạt động hệ thống ngân hàng không thể ngoại lệ. Kinh tế thậm chí có thể tăng trưởng âm. Thách thức đối với hoạt động ngân hàng còn rất lớn ở phía trước", TS. Thành bày tỏ.

Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng quan ngại, nếu lần này lại tiếp tục phải giãn cách xã hội, rất nhiều DN không thể chống chọi được. Hiện tại kinh doanh đã rất khó khăn, hàng hóa không xuất khẩu được, hàng trong nước bán cũng chậm. Du lịch sau một thời gian ngắn hồi phục thì dịch bệnh quay lại. Ngành du lịch suy giảm kéo theo rất nhiều ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng như khách sạn, dịch vụ lưu trú, vận tải... "Khi DN khó khăn, ngân hàng khó mà tránh liên lụy được. Chắc chắn hoạt động kinh doanh bị trì trệ, lợi nhuận suy giảm, chất lượng tài sản xấu đi", ông Tùng bày tỏ lo lắng.

Kịch bản xấu nhất, ngân hàng “khó khăn hơn gấp bội” - Ảnh 2.

Kịch bản xấu nhất, ngân hàng “khó khăn hơn gấp bội” (Ảnh minh họa)

Nhìn nhận về những thách thức của các ngân hàng, theo TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế, nợ xấu là thách thức lớn nhất trong năm nay cũng như vài năm tới của các ngân hàng trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Nợ xấu tăng nhưng ngân hàng vẫn phải đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, tạo áp lực không hề nhỏ cho ngân hàng. Chưa kể, ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro làm hao mòn lợi nhuận ngân hàng. Điều này đã phần nào thể hiện trong kết quả kinh doanh trong nửa đầu năm của các ngân hàng.

Thống kê tại 23 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý II/2020 cho thấy, chỉ có 5/23 nhà băng có nợ xấu giảm so với đầu năm là VPBank (giảm 2,09%), PGBank (giảm 4.,2%), SeABank (giảm 3,94%), NamABank (giảm 6,67%) và Techcombank (giảm tới 31,76%). Ngược lại có tới 18 ngân hàng còn lại có nợ xấu tăng trong nửa đầu năm nay. Trong đó, tỷ lệ nợ xấu cao nhất đã lên tới 6,59% tại KienLongBank.

Trước thực tế này, Tổng giám đốc OCB cho biết, ngân hàng không còn cách nào khác phải bám sát hoạt động khách hàng, tận dụng cơ chế Thông tư 01 hỗ trợ cho khách hàng. Song song với đó, ngân hàng tiếp tục khai thác khách hàng kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực có cơ hội phát triển như phụ kiện, năng lượng... Vấn đề nữa đảm bảo an toàn trong hoạt động, ngân hàng sẽ phải tăng trích lập dự phòng nên chắc chắn sẽ phải điều chỉnh lợi nhuận…

Theo tính toán của TS. Lực, lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2020 sẽ giảm từ 20 - 25% so với kế hoạch ban đầu.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục