Kiếm hàng trăm triệu mỗi năm nhờ... trồng cây dại

16/06/2020 14:58 GMT+7
Từ loại cây mọc dại, bồn bồn trở thành cây đặc sản của vùng đất mũi Cà Mau, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Trồng một lần, thu chục vụ

Bồn bồn là loại cây hoang dã đặc trưng cùa vùng sông nước miền Tây. Bồn bồn thuộc loại cây cỏ, dân địa phương hay gọi là cỏ nến, thường mọc thành khóm xanh tốt như khóm lúa ven ao, hồ.

Nhờ khả năng chịu mặn và giá trị kinh tế đặc biệt, những năm gần đây, bồn bồn được nhân trồng rộng rãi ở các vùng Cà Mau, Hậu Giang, Sóc Trăng và Bạc Liêu…

Trong đó, huyện Cái Nước (Cà Mau) là một trong những vùng có diện tích trồng bồn bồn lớn nhất. Toàn huyện hiện có khoảng 150 hộ trồng bồn bồn với diện tích khoảng 90ha. Việc trồng loại cây này đã đem lại thu nhập ổn định và cuộc sống khấm khá cho nhiều hộ dân địa phương.

Kiếm hàng trăm triệu mỗi năm nhờ... trồng cây dại - Ảnh 1.

Bồn bồn là đặc sản của huyện Cái Nước (Cà Mau)

Bồn bồn nổi tiếng dễ trồng, dễ sống, phù hợp với nhiều vùng đất, thích nghi tốt với cả vùng nước ngọt và nước lợ. Chỉ cần có đất, có nước, cây ắt nảy mầm, phát triển tươi tốt, chẳng cần mất công chăm bẵm, bón phân hay phun thuốc hóa học như nhiều loại rau xanh khác.

Cây được sử dụng chế biến nhiều món ăn ngon như dưa bồn bồn xào tép, trộn gỏi tôm, thịt, chấm cá kho, chấm mắm ruốc, xào thịt, nấu canh chua, nhúng lẩu…

Theo người dân trong vùng, do trồng lúa kém hiệu quả, giá cả bấp bênh nên nhiều hộ chuyển sang trồng bồn bồn. Bồn Bồn vốn dễ trồng lại hợp thổ nhưỡng nên phát triển rất tốt, ít tốn công chăm sóc, đầu ra ổn định, cho hiệu quả kinh tế cao.

Đặc biệt, bồn bồn chỉ cần trồng một lần có thể cho thu hoạch nhiều vụ tiếp theo, có khi tới mười mấy năm. Khoảng tháng 5, tháng 6 hàng năm, khi mùa mưa trở lại, đất đai được làm ẩm, các gốc bồn bồn cũ sẽ tự mọc lại mà không cần trồng mới hay chăm bón.

Không những thế, người trồng có thể thu hoạch nhiều lần một vụ vì cây đã nhổ lại đâm chồi, mọc mới. Cứ thế, người trồng thu hoạch luân phiên đến hết vụ mà không cần sử dụng thêm các loại phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật khác.

Cây trên, tôm dưới, lợi cả đôi đường

Thời điểm này, các tỉnh Nam Bộ đang vào mùa mưa. Những cơn mưa dày đặc giúp bồn bồn phát triển mạnh mẽ hứa hẹn một vụ mùa bội thu.

Để kịp thu hoạch bán cho thương lái, nhiều hộ phải thuê thêm nhân công nhổ bồn bồn. Cây sau khi nhổ về được chặt bỏ lá, chừa lại đoạn gốc khoảng 30cm, tước bỏ phần bẹ bên ngoài, lấy lõi non bên trong. Đây là loại cây thân mềm, dễ gãy dập nên người làm phải nhẹ tay.

Kiếm hàng trăm triệu mỗi năm nhờ... trồng cây dại - Ảnh 2.

Đọt bồn bồn có thể bán tươi để làm rau chế biến các món năn như xào tôm, nấu lẩu hoặc có thể muối thành dưa để bán. Ảnh Danviet

Cây sau khi sơ chế, làm sạch được thương lái trực tiếp đến thu mua và thường tiêu thụ hết trong ngày để giữ độ tươi ngon. Mỗi kilogam bồn bồn tươi được bán cho thương lái với giá khoảng 20.000 – 25.000 đồng.

Nếu được mùa, được giá, ước tính mỗi hecta bồn bồn có thể mang lại cho người dân khoản thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm, hiệu quả gấp đôi, gấp ba lần trồng lúa.

Một hộ dân nhiều năm trồng bồn bồn ở địa phương cho biết mặc loại cây này rất dễ trồng, không cần chăm sóc nhiều nhưng có thể ủ phân bò bón cho cây để tăng thêm năng suất. Ngoài ra, người trồng cũng cần nắm kỹ thuật, khi nhổ chừa lại cây măng để dưỡng cho đợt sau.

Cây có thể nhổ giáp vòng, thu hoạch quanh năm. Bình quân mỗi công đất trồng bồn bồn cho thu hoạch 1 tấn/năm. Thu nhập từ bồn bồn giúp nhiều hộ gia đình từ nghèo khó vươn lên khá giả.

Do trồng bồn bồn không sử dụng hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật nên cây có khả năng lọc nước, giúp môi trường sống tự nhiên của nhiều loài tôm, cá được đảm bảo.

Nhiều hộ kết hợp thả tôm càng xanh với mô hình cây trên, tôm dưới. Đây được cho là phương án lợi cả đôi đường, giúp nông dân tăng gấp đôi thu nhập vừa bồn bồn, vừa tôm.

Cũng bởi không phải bón phân, xịt thuốc, bồn bồn được đánh giá là loại rau sạch, an toàn cho sức khỏe, được người tiêu dùng ưa chuộng. Với nhiều ưu điểm, loài cây này đang là nguồn thu nhập chính của người dân ở nhiều nơi.

Lam Giang
Cùng chuyên mục