"Kinh tế Việt Nam hồi sinh"

01/11/2021 10:46 GMT+7
Các nhà nghiên cứu của Maybank Kim Eng trong báo cáo mới nhất về Việt Nam cho rằng, giai đoạn khó khăn nhất đã qua nhưng kinh tế sau nới lỏng giãn cách hồi đầu tháng 10 sẽ hồi phục dần dần vì chờ ngành chế tạo và dịch vụ hồi sinh. Sự hồi phục mạnh mẽ hơn chỉ có thể đến vào năm 2022.
Chặn đà suy giảm, ngành sản xuất và khai khoáng giúp hồi phục công nghiệp khi mở cửa kinh tế - Ảnh 1.

Bảng 1: So sánh thay đổi chỉ số giá của các ngành công nghiệp, bao gồm sản xuất công nghiệp, chế tạo, khai thác mỏ, điện và xăng dầu. Bảng 2: Sản lượng ngành công nghiệp điện tử đóng góp vào sản lượng sản xuất chung. Nguồn: CEIC

Nhóm các nhà nghiên cứu của Maybank Kim Eng (MBKE) gồm: Tiến sĩ Chua Hak Bin, Kinh tế gia trưởng của MBKE, Linda Liu vừa phát hành báo cáo với tựa đề "Vietnam Economics, IP and Exports Recovering as Economy Reboots", tạm dịch "Kinh tế Việt Nam, công nghiệp và xuất khẩu hồi phục, kinh tế hồi sinh".

Kinh tế hồi sinh nhờ nhiều ngành chủ chốt hồi phục ngoạn mục

Theo đó, các nhà nghiên cứu của MBKE đã chỉ ra rằng, đà suy giảm kinh tế Việt Nam được chặn dần với sự hồi sinh của nhiều ngành chủ chốt, công nghiệp dần hồi phục trong tháng 10 khi sản lượng chỉ giảm nhẹ so với trước (giảm 1,6% so với mức giảm 7,6% hồi tháng 9). Hoạt động kinh tế hồi phục và nới lỏng giãn cách giúp nhiều ngành chỉ còn giảm nhẹ như sản xuất (-1,6% so với -6,5% tháng 9), khai khoáng (tăng 7,2% so với giảm 13% tháng 9). Một số ngành khác hồi phục tốt như điện và sản xuất khí (tăng 2,4% so với mức giảm 11,7% tháng 9).

Công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ giảm nhẹ (-1,6%) nhờ sự tăng trưởng ngành điện tử cũng như một số ngành khác. Sau 2 tháng liền suy giảm, mảng máy tính, điện tử và quang học hồi phục dần trong tháng 10, đạt mức tăng trưởng 1,5% (so với mức -1% tháng 9), chủ yếu nhờ sự tăng mạnh mẽ của linh kiện điện tử (13,3% so với 0,1% tháng 9) và mức suy giảm yếu dần trong điện tử tiêu dùng (-34,6% so với 47,1% tháng 9) nên sự sụt giảm của thiết bị viễn thông không ảnh hưởng mấy (tăng 2,5% so với 10,1% tháng 9).

Các ngành khác cũng hồi phục ngoạn mục, nhất là các ngành bị ảnh hưởng lớn bởi giãn cách xã hội như may mặc (tăng 10,3%), gỗ (8,3%), thuốc lá (1%) và da (0,4%). Một số ngành khác có mức suy giảm chậm dần như đồ uống (-22%), đồ gỗ (11,2%), sửa chữa, bảo dưỡng máy móc, thiết bị (-10%).

Thiếu hụt lao động và đứt gãy chuỗi cung ứng

Dù vậy, công nghiệp chế biến, chế tạo có thể hồi phục kém hơn so với đợt quí 2 năm trước do thiếu hụt lao động và đứt gãy chuỗi cung ứng. Nhà máy tại các khu công nghiệp trong các ngành chủ lực đã hồi phục sản xuất nhưng dự báo sản lượng chỉ ở mức khoảng 70% công suất. Chỉ số PMI chế biến, chế tạo tiếp tục trong vùng thu hẹp 4 tháng liền (40,2 hồi tháng 9) cho thấy nhiều thách thức trong tương lai gần đối với ngành.

Xuất khẩu điện tử và máy móc phục hồi giúp nới rộng thặng dư thương mại

Chặn đà suy giảm, ngành sản xuất và khai khoáng giúp hồi phục công nghiệp khi mở cửa kinh tế - Ảnh 2.

So sánh sự thay đổi trong tỷ trọng xuất khẩu các ngành từ tháng 5/2021 đến tháng 10/2021. Nguồn: CEIC, MBKE

Trong tháng 10, xuất khẩu tăng trưởng nhờ nới lỏng giãn cách và mở cửa kinh tế. Tốc độ tăng trưởng tháng này đạt mức tăng 0,3% (so với mức tăng trưởng -0,5% hồi tháng 9) nhờ các ngành máy móc (tăng 13,1% so với mức 5,7% tháng 9), linh kiện máy tính & điện tử (tăng 8,3% so với mức 6,8% tháng 9) cũng như chặn đà suy giảm ngành may mặc (chỉ ở mức -4,4% so với mức suy giảm 21,1% hồi tháng 9).

Tuy nhiên, ngành điện thoại lại quay đầu suy giảm sau 3 tháng liền tăng trưởng mạnh (giảm 3,6% so với mức tăng 9,3% tháng trước). Bên cạnh đó, xuất khẩu giày da tiếp tục chuỗi ngày u ám khi tiếp tục tăng trưởng âm tháng thứ 3 liên tiếp (giảm 46,4% so với mức giảm 45,8% hồi tháng 9).

Chặn đà suy giảm, ngành sản xuất và khai khoáng giúp hồi phục công nghiệp khi mở cửa kinh tế - Ảnh 3.

Bảng 1: Thay đổi thặng dư thương mại mở rộng. Bảng 2: Xuất khẩu tăng trưởng trở lại, phần lớn là nhờ vào lĩnh vực xuất khẩu máy tính, các mặt hàng điện tử và linh kiện. Nguồn: CEIC

Cán cân thương mại duy trì đà thặng dư hai tháng liền, tăng từ mức 360 triệu USD của tháng 9 lên 1,1 tỉ USD vào tháng 10 nhờ NK giảm nhẹ (tăng 8,1% so với mức tăng 10,2% của tháng 9). Kết quả giúp giảm thâm hụt thương mại đầu năm đến nay chỉ còn 1,5 tỉ USD.

Chi phí giao thông tăng nhưng lạm phát lại giảm nhẹ nhờ ngành hàng ăn, dịch vụ ăn uống và nhà ở

Chặn đà suy giảm, ngành sản xuất và khai khoáng giúp hồi phục công nghiệp khi mở cửa kinh tế - Ảnh 4.

So sánh chỉ số giá các lĩnh vực tiêu dùng từ tháng 5/2021 đến tháng 10/2021. Ảnh: CEIC

Trong tháng, dù giá giao thông tăng mạnh từ 13,6% lên 16,5% nhưng mức lạm phát (toàn phần) chung cả tháng 10 giảm nhẹ từ 2,1% xuống 1,8%, chủ yếu nhờ vào mức giảm giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống (chỉ tăng nhẹ 0,1% so với mức 1,3% hồi tháng 9). Chỉ số này tăng chậm nhất trong 4 tháng qua nhờ mức giảm lớn của thực phẩm (giảm 1,4% so với mức tăng 0,4% tháng 9) do giá thịt heo giảm dần cũng như mức tăng chậm hơn trước của lương thực (4,3% so với 4,7% tháng trước). Ngoài ra, giá nhà ở và vật liệu xây dựng giảm do mức chiết khấu trên tổng hoá đơn tiền điện cũng góp phần không nhỏ kéo giảm CPI.

Chi phí giao thông tháng 10 tăng mạnh lên mức +16,5% do 3 lần điều chỉnh tăng giá xăng vì giá năng lượng thế giới nhảy vọt. Giá văn hoá, giải trí và du lịch giảm không đáng kể (-0,5%) còn giá một số mặt hàng khác tăng nhẹ như bia rượu, thuốc lá (tăng 2,2%), may mặc, giày da (tăng 0,9%) sau khi mở cửa kinh tế.

Chặn đà suy giảm, ngành sản xuất và khai khoáng giúp hồi phục công nghiệp khi mở cửa kinh tế - Ảnh 5.

Bảng 1: So sánh chỉ số lạm phát toàn phần và lạm phát cơ bản từ năm 2013-2021. Bảng 2: Lạm phát toàn phần giảm trong bối cảnh lạm phát lương thực và nhà ở có xu hướng giảm, bù đắp cho chi phí vận tải tăng. Nguồn: CEIC

Do phía cầu còn đang suy yếu khi lạm phát cơ bản ở mức thấp +0,5% (so với mức 0,7% tháng 9), dự báo lạm phát (toàn phần) năm 2021 là 2,3% và năm 2022 là 3,8%, chênh lệch dưới không đáng kể so với mức lạm phát mục tiêu của NHNN Việt Nam (dưới 4%).

Các nhà nghiên cứu MBKE cho rằng, áp lực lạm phát sẽ tăng mạnh vào năm 2022 khi kinh tế hồi phục tốt hơn và hiệu ứng cơ sở thấp. Giá năng lượng toàn cầu tăng liên tục cũng gây áp lực tăng không nhỏ cho lạm phát năm tới. Mức giá dự báo của dầu Brent năm 2021 được điều chỉnh từ 65 lên 70USD/thùng, năm 2022 lên 75-80 USD/thùng do cầu tăng mạnh trong khi cung hạn chế.

Kinh tế phục hồi mạnh mẽ hơn trong năm 2022

Chặn đà suy giảm, ngành sản xuất và khai khoáng giúp hồi phục công nghiệp khi mở cửa kinh tế - Ảnh 6.

Bảng 1: So sánh số lượng người nhiễm Covid-19 hàng ngày và dao động trung bình 7 ngày ở Việt Nam. Bảng 2: Khả năng sinh hoạt, vận động của con người đang phục hồi xuống khoảng 40% dưới mức thời điểm trước đại dịch Covid-19. Nguồn: WHO; CEIC

MBKE dự báo tăng trưởng GDP năm nay đạt khoảng 1% và sang năm (2022) là 6,7%. Theo các nhà nghiên cứu, giai đoạn khó khăn nhất đã qua nhưng kinh tế sau nới lỏng giãn cách hồi đầu tháng 10 sẽ hồi phục dần dần vì chờ ngành chế tạo và dịch vụ hồi sinh. Sự hồi phục mạnh mẽ hơn chỉ có thể đến vào năm 2022.

Nhờ nới lỏng giãn cách và tăng độ phủ vaccine (khoảng 56,6% dân số đã tiêm ít nhất 1 mũi, 24% dân số đã tiêm đủ 2 mũi), lưu thông đã dần hồi phục và đạt mức khoảng 40% so với trước khi có dịch bệnh. Với sự tăng tốc tiêm chủng gần đây, dự kiến Việt Nam sẽ phủ vaccine 70% dân số vào khoảng tháng 3/2022, nhanh hơn 3 tháng so với dự báo trước đây của Vietnam Economics (tháng 6/2022).

Ngành bán lẻ tiếp tục trong vùng "đỏ" tháng thứ 6 liên tiếp. Dù vậy, đà suy giảm đang chậm dần (-19,5% so với -29,8% tháng 9) nhờ các ngành hàng hoá (-13,5% so với -21% tháng 9), nghỉ dưỡng và ăn uống (-37% so với -53,6% tháng 9).

Chính phủ đã xây dựng kế hoạch mở cửa đón khách quốc tế từ tháng 6/2022 với thí điểm trước ở Phú Quốc cho đón khách đã tiêm đủ 2 mũi từ tháng 11/2021. Sau đó sẽ mở cửa ở các khu vực du lịch khác như Nha Trang, vịnh Hạ Long, Hội An và Đà Lạt từ tháng 12/2021.

Theo báo cáo, NHNN được kỳ vọng tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ phù hợp và duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức 4% trong năm 2021 để hỗ trợ tăng trưởng. Lạm phát còn khá xa mức mục tiêu nên nhiều khả năng NHNN vẫn còn dư địa để giảm lãi suất những tháng tới nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế. Tỉ giá cuối năm 2021 dự báo ở mức 22.600.

Lê Phương - Thanh Giang
Cùng chuyên mục