ASEAN không thể "miễn dịch" khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc

31/10/2021 07:00 GMT+7
Các nhà nghiên cứu của MBKE chỉ ra rằng, nếu tăng trưởng GDP của Trung Quốc giảm 1% sẽ có tác động lớn hơn đến kinh tế Singapore (-0,6%), Thái Lan (-0,5%) và Malaysia (-0,5%) so với Indonesia (-0,3%) và Philippines (-0,1 %).

Trong tháng 10/2021, các nhà nghiên cứu của Maybank Kim Eng đã phát hành báo cáo phân tích với tựa đề "ASEAN Economics – Catching Up with China" tạm dịch "Kinh tế ASEAN đang bắt kịp Trung Quốc". Báo cáo chỉ ra khả năng tăng trưởng GDP của ASEAN-5 (không gồm Singapore) sẽ nhanh hơn Trung Quốc vào năm 2022.

ETime đã trích đăng một phần của báo cáo nói trên với tiêu đề 'Phục hồi nhanh, kinh tế ASEAN đang bắt kịp Trung Quốc'. Trong phần tiếp theo, ETime trích đăng phần cuối của báo cáo "ASEAN không thể "miễn dịch" khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc".

Nhóm các nhà nghiên cứu của Maybank Kim Eng (MBKE) gồm: Tiến sĩ Chua Hak Bin, Kinh tế gia trưởng của MBKE, Linda Liu và Lee Ju Ye cho rằng, GDP thực tế của ASEAN-5* (không bao gồm Singapore) sẽ ở mức + 5,6% vào năm 2022, cao hơn đáng kể so với mức + 5% của Trung Quốc.

Các nhà nghiên cứu của MBKE chỉ ra rằng, kinh tế Trung Quốc giảm tốc sẽ tác động đến Châu Á, đặc biệt các nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại sẽ chịu nhiều tác động hơn các khu vực khác. Nếu tăng trưởng GDP của Trung Quốc giảm 1% sẽ có tác động lớn hơn đến kinh tế Singapore (-0,6%), Thái Lan (-0,5%) và Malaysia (-0,5%) so với Indonesia (-0,3%) và Philippines (-0,1 %).

ASEAN không thể "miễn dịch" khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc  - Ảnh 1.

Các nền kinh tế có độ mở lớn trong ASEAN như Singapore, Thái Lan và Malaysia bị ảnh hưởng nhiều hơn khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc. Nguồn MBKE Reserch.

Trung Quốc chiếm khoảng 1/5 tổng kim ngạch thương mại của ASEAN, một thị trường lớn hơn nhiều so với Mỹ (11,5%) và Nhật Bản (7,7%).

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Malaysia, chiếm 16,2% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 của nước này, tương tự thị trường Trung Quốc chiếm 19,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Indonesia. Xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng đáng kể trong GDP của Việt Nam (18,1%) và Malaysia (11,2%). 

ASEAN không thể "miễn dịch" khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc  - Ảnh 2.

Xuất khẩu của ASEAN sang Trung Quốc năm 2020. Nguồn: MBKE

Trung Quốc là một trong những nguồn FDI lớn nhất của ASEAN. Từ năm 2016-2020, Trung Quốc (7,7%) và Hồng Kông (7,2%) chiếm gần 15% tổng dòng vốn FDI vào ASEAN, so với Nhật Bản (12,1%), Mỹ (11,9%) và EU (11,1%).

ASEAN không thể "miễn dịch" khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc  - Ảnh 3.

Trung Quốc và Hồng Kông chiếm khoảng 15% tổng dòng vốn FDI vào ASEAN từ năm 2016 đến năm 2020. Nguồn: MBKE

Tuy nhiên, đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng bởi suy thoái trong nước. Đầu tư nước ngoài vào ASEAN đã chững lại trước đại dịch, giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm là 13 tỷ USD vào năm 2019.

Các hợp đồng đầu tư và xây dựng của Trung Quốc với ASEAN đã giảm xuống còn 4,4 tỷ USD trong nửa đầu năm 2021, dựa trên dữ liệu tổng hợp từ Cơ quan theo dõi đầu tư toàn cầu của Trung Quốc.

ASEAN không thể "miễn dịch" khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc  - Ảnh 4.

Các hợp đồng đầu tư & xây dựng của Trung Quốc tại ASEAN giảm mạnh xuống chỉ còn 4,4 tỷ USD trong nửa đầu năm 2021. Nguồn: China Global Investment Tracker, MBKE

Việc Trung Quốc cam kết ngừng xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới ở nước ngoài cũng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển điện than của Indonesia. Các nhà máy điện chiếm 54% công suất than mới 18GW của Indonesia được tài trợ bởi Trung Quốc, theo Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính. Một số dự án trong giai đoạn lập kế hoạch, bao gồm nhà máy điện Jambi 2 tại Jambi và tổ máy số 3 và 4 của nhà máy điện Nagan Raya ở Aceh, được liên kết với Trung Quốc về mặt vốn và tài trợ.

Vì lý do tài chính, Indonesia đã tìm cách để Trung Quốc tham gia vào dự án đường sắt bán cao tốc nối Jakarta với Surabaya (ở Đông Java), mặc dù dự án đã được cấp cho Nhật Bản vào năm 2019. Vào tháng 1/2021, chính quyền của ông Joko Widodo thông báo hy vọng sẽ mở rộng tuyến đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung do Trung Quốc hậu thuẫn thành tuyến đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung-Surabaya. Điều này làm dấy lên lo ngại về việc Indonesia sẽ rơi vào bẫy nợ, với chi phí của dự án Jakarta-Bandung đội lên gần 2 tỷ USD (từ ngân sách ban đầu là 6 tỷ USD) do giá kim loại và máy móc tăng, kết hợp với sự chậm trễ do thu hồi đất gây ra.

ASEAN không thể "miễn dịch" khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc  - Ảnh 5.

Hợp đồng Đầu tư & Xây dựng của Trung Quốc tại ASEAN chậm lại vào năm 2021. Nguồn: China Global Investment Tracker, MBKE

Cuối cùng, nhóm các nhà nghiên cứu của MBKE dẫn đầu là Tiến sĩ Chua Hak Bin cho rằng, chính sách "không còn Covid" của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng trong nước và trì hoãn việc nới lỏng biên giới để du lịch nước ngoài tiếp tục hoạt động. Khách du lịch Trung Quốc đã thúc đẩy sự bùng nổ du lịch tại ASEAN trước đại dịch, chiếm 21,8% tổng lượng khách đến vào năm 2019. Trong khi lưu lượng hàng không nội địa ở Trung Quốc gần như trở lại mức trước đại dịch, giao thông quốc tế hầu như không phục hồi.

Để thu hẹp chỗ trống mà khách du lịch Trung Quốc để lại, ASEAN có thể sẽ nhắm mục tiêu đến du khách từ các nước khác khi khối mở cửa lại biên giới. Đặc biệt, Thái Lan, quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ sự bùng nổ du lịch Trung Quốc - với lượng du khách Trung Quốc chiếm 28% tổng số du khách trước đại dịch - đang tìm cách nhắm đến nhiều khách du lịch Ấn Độ hơn khi nước này mở cửa trở lại cho khách du lịch bắt đầu từ đầu tháng 11.

Tiệp Nguyễn - Thanh Giang
Cùng chuyên mục