Kinh tế Việt Nam sắp tới ra sao?
'Kịch bản nào cũng khó'
GDP quý I chỉ tăng 3,82%, thấp nhất 11 năm. Việc GDP tăng được, theo PGS. TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo – Trưởng khoa Tài chính thuộc Đại học Kinh tế TP HCM, do thừa hưởng phần nào động lực tăng trưởng của giai đoạn trước Tết.
Nhưng khi Việt Nam bước vào giai đoạn ba của cuộc chiến chống dịch với những biện pháp phong toả, nhiều lĩnh vực đóng băng, việc tăng trưởng sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Bên cạnh lý do các động lực kinh tế suy yếu, việc các gói hỗ trợ kinh tế có độ trễ cũng sẽ khiến tình hình quý II khó khăn hơn. "Nửa cuối quý II sẽ chứng kiến hệ luỵ của những tác động này đi vào cuộc sống", ông Bảo nói với VnExpress.
PGS. TS Tô Trung Thành - Trưởng phòng Quản lý Khoa học thuộc Trường Đại học Kinh tế Quốc dân – cho biết, nếu dịch chỉ kéo dài 2-3 tháng, nhiều doanh nghiệp nhỏ ngừng hoạt động, các doanh nghiệp lớn vẫn có thể trả người lao động có hợp đồng lương tối thiểu. Nhưng khi dịch kéo dài hơn, nền kinh tế sẽ lún sâu vào vòng xoáy suy giảm tổng cung và tổng cầu và khả năng cao rơi vào suy thoái.
Những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính yếu buộc phải ngừng hoạt động và sa thải nhân viên. Lực lượng lao động không có việc làm này sẽ khiến cầu trong nền kinh tế sụt giảm tiếp, kéo theo các doanh nghiệp trong các ngành khác bị ảnh hưởng theo.
"Nếu vậy lại kéo theo nợ xấu trong hệ thống ngân hàng tăng, ảnh hưởng đến khả năng cung ứng vốn cho những ngành khác", ông Thành phân tích.
Theo nghiên cứu của nhóm chuyên gia thuộc trường Đại học Kinh tế quốc dân, nếu dịch kéo dài đến hết tháng 6, tăng trưởng GDP quý II dự báo giảm khoảng 2% so với cùng kỳ, thậm chí suy thoái nếu xảy ra kịch bản xấu.
Giá trị xuất khẩu của Việt Nam ước giảm 25% trong quý II và thu hẹp đà giảm về15% trong các quý sau của năm 2020. Tương tự, giá trị thương mại nội địa cũng sụt giảm 30%. Lĩnh vực du lịch, khách sạn sẽ chịu ảnh hưởng lớn khi dự kiến giảm 30-40% về lượng khách, doanh thu cũng ước giảm 40%, số lượng việc làm giảm 30-40%. Lĩnh vực thương mại dịch vụ sẽ chứng kiến sự thay đổi khi dịch vụ y tế, dịch vụ thiết yếu tăng trưởng 25-40%, còn dịch vụ phụ trợ giảm 20-40%.
Trong 510 doanh nghiệp tham gia khảo sát của nhóm nghiên cứu này, chỉ 14,9% nói đủ sức duy trì hoạt động nếu tháng 6 hết dịch. Còn lại, 46,6% buộc phải tiếp tục cắt giảm qui mô, 32,4% sẽ dừng hoạt động và 6,1% doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản. Tỷ lệ doanh nghiệp có khả năng phá sản sẽ tăng gấp ba nếu dịch kéo dài đến hết tháng 9 và gấp sáu nếu dịch kéo dài đến hết năm nay.
Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thì dự báo quý II, dù ở kịch bản nào, cũng tăng trưởng âm. Nếu dịch trong nước được khống chế hoàn toàn giữa tháng 5 và các hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường thì tăng trưởng GDP quý II vẫn âm 3,3%. Ở hai kịch bản còn lại, tác động xấu nhất của Covid-19 với nền kinh tế sẽ xuất hiện trong quý II, III, thì tăng trưởng GDP quý II sẽ âm 4,9-5,1%.
Lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn nhất gồm: vận tải & kho bãi, dịch vụ lưu trú & ăn uống, nghệ thuật & giải trí với tốc độ tăng trưởng ước giảm 20-50%, thậm chí 25-70%. Còn lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản đảo chiều từ dương yếu trong quý I sang tăng trưởng âm bắt đầu từ quý II do tốc độ tăng trưởng giảm 1-5%. Tương tự, ngành khai khoáng được VEPR dự báo tăng trưởng âm tới cuối năm 2020. Còn ngành chế biến, chế tạo sẽ kéo dài mức tăng trưởng âm tới hết quý III.
Điểm sáng trong bức tranh kinh tế quý II xuất hiện ở nhóm lĩnh vực y tế, truyền thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm do gia tăng các hoạt động liên quan đến phòng chống dịch, theo VEPR.
‘Trạng thái bình thường mới’
Việt Nam là một nền kinh tế mở, nhỏ, chủ yếu là gia công và chế biến nên dễ bị tổn thương do phụ thuộc rất lớn vào các đối tác thương mại và đầu tư quốc tế. Vì vậy, PGS. TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo cho rằng, khả năng phục hồi lại phụ thuộc vào các doanh nghiệp của quốc gia đối tác và môi trường toàn cầu. Nhưng sau mỗi cuộc khủng hoảng, các công ty đa quốc gia thường có xu hướng thu hẹp lại, co cụm, thậm chí là tái cấu trúc nên dễ xảy ra hiện tượng thoái vốn.
"Nếu điều này diễn ra, ngay cả khi chống dịch thành công, nền kinh tế sẽ quay lại với một trạng thái nhưng không còn giống như trước đây, tạm gọi là trạng thái bình thường mới", ông Bảo nói.
"Trạng thái bình thường mới" theo ông Bảo là việc mỗi cá nhân, tổ chức buộc phải hoạt động chậm lại, tự thay đổi trước hoàn cảnh mới khắc nghiệt hơn. Nếu họ có thể thích nghi, tìm ra các mô hình hoạt động hiệu quả hơn thì sẽ chuyển tổ chức của mình sang một hình thái mới. Khi điều này diễn ra trên bình diện rộng sẽ tạo ra tác động lan toả và cộng hưởng làm thay đổi cấu trúc của cả nền kinh tế.
TS Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright - cho biết, một nghịch lý xảy ra trong quý I là tăng trưởng GDP giảm nhưng CPI đạt mức cao nhất 5 năm. Nguyên nhân do giá lương thực, thực phẩm - nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong giỏ hàng tính CPI - tăng nhanh đã đẩy mặt bằng giá lên cao
Theo ông Tự Anh, khi năng lực sản xuất các mặt hàng nêu trên bị hạn chế do sự đứt gãy, chậm trễ của các chuỗi cung ứng toàn cầu, sẽ dẫn tới năng lực cung ứng hàng hoá sụt giảm, khiến giá trị hàng hoá tăng lên.
Ông dự báo, nếu Chính phủ không duy trì năng lực sản xuất của một số hàng hoá thiết yếu thì ngay khi dịch qua đi, người nghèo sẽ phải đối mặt với sức ép giá hàng hoá tăng gấp vài lần, tương tự tình huống từng xảy ra tại Vũ Hán.
Còn ông Tô Trung Thành tỏ ra băn khoăn khi chi phí phòng chống dịch và tổng giá trị các gói hỗ trợ ngắn hạn của Chính phủ đang gia tăng nhanh, trong khi ngân sách gặp khó khăn do nguồn thu giảm, khiến các nguồn lực cho đầu tư phát triển sụt theo. Bên cạnh đó, vốn con người cũng bị suy giảm mạnh cho bệnh tật, chất lượng giáo dục suy giảm. Từ đó, tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế sẽ chịu ảnh hưởng.
Cơ hội cho tất cả 'tái cấu trúc'
Khi thị trường xuất khẩu gặp khó, nông dân miền Tây học cách sử dụng công cụ marketing và bán hàng trực tuyến để tìm đầu ra cho nông. Theo chuyên gia Bảo, câu chuyện này cho thấy, dù muốn hay không, người nông dân cũng buộc phải đổi mới, khắc phục những hạn chế trước đây.
Tương tự, PGS. TS Nguyễn Đức Thành cho rằng, Covid-19 sẽ khiến những doanh nghiệp hoạt động theo phương thức truyền thống - tiếp xúc trực tiếp với đối tác, người tiêu dùng chịu tác động lớn. Ngược lại, những doanh nghiệp đã sở hữu nền tảng bán hàng, giao dịch trực tuyến sẽ vươn lên.
Từ bước chuyển mình của Alibaba khi SARS bùng phát năm 2003, có thể khẳng định kinh tế số sẽ giảm thiểu tối đa chi phí mặt bằng, hàng tồn kho – những vấn đề lớn của doanh nghiệp hiện nay và trở thành xu thế của kinh tế thế giới.
"Đây là cơ hội để Việt Nam ươm mầm các startup trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ, thương mại điện tử", ông Thành chia sẻ.
Ông Tô Trung Thành cũng đề xuất một số ngành có thể sớm tận dụng lợi thế của công nghệ số để tạo nên thay đổi lớn về sản lượng, năng suất như công nghệ thông tin và truyền thông, công nghiệp chế biến chế tạo, vận tải - logistic, tài chính - ngân hàng.