Kinh tế Việt Nam trên đà phục hồi, dự báo GDP cả năm 2021 tăng 1% và tăng 6,7% cho năm 2022
Nhóm các nhà nghiên cứu của Maybank Kim Eng (MBKE) gồm: Tiến sĩ Chua Hak Bin, Kinh tế gia trưởng của MBKE, Linda Liu vừa phát hành báo cáo tháng 12 với tựa đề "Vietnam Economics, Recovery Underway as Production & Exports Strengthen", tạm dịch "Kinh tế Việt Nam trên đà phục hồi nhờ tăng cường sản xuất và xuất khẩu".
Sản xuất công nghiệp hồi sinh
Trong tháng 11 vừa qua, lần đầu tiên, sản xuất công nghiệp đã bật tăng trở lại mức tăng trưởng dương kể từ tháng 6 năm 2021, sau khi hoạt động công nghiệp được bình thường hóa. Nhờ sự trở lại của tất cả các ngành chính, sản xuất công nghiệp đã tăng +5,6%, đảo ngược chiều giảm -1,8% của tháng 10. Nhờ hoạt động của nhà máy đã được bình thường trở lại, ngành sản xuất chế tạo đạt mức phục hồi mạnh nhất (+ 6,4% so với -0,8% trong tháng 10), tiếp theo là khai khoáng (+2,2% so với -8,2% trong tháng 10) và cuối cùng là điện & khí đốt (+2,2% so với -4,8 % trong tháng 10).
Sự hồi phục của ngành sản xuất chế tạo được kéo mạnh trong tháng 11, tăng +6,4% so với -0,8% trong tháng 10, dẫn đầu là thiết bị điện tử và cải tiến khoa học - vượt lên trên hầu hết các sản phẩm phi điện tử. Sản xuất máy tính, điện tử và sản phẩm quang học đã về vùng tăng trưởng dương + 8,5% (so với –1,5% trong tháng 10) sau ba tháng giảm liên tiếp. Kết quả này là nhờ sản lượng thiết bị truyền thông cao hơn (+ 9,9% so với + 2,5% trong tháng 10), điện tử tiêu dùng cũng cao hơn (tuy vẫn ở mức tăng trưởng âm: -12,2% so với -34,6% trong tháng 10), trong khi đó, linh kiện điện tử lại có xu hướng giảm nhẹ một chút so với tháng 10.
Biểu đồ tăng trưởng IP của Việt Nam. Nguồn: CEIC
Lĩnh vực phi điện tử tiếp tục bật tăng trở lại khi sản lượng chuyển biến tích cực và tăng mạnh một các toàn diện, dẫn đầu là các ngành sản xuất khác (+ 20,1%), tiếp đến là sản phẩm cao su - nhựa (+14,4%), thuốc lá (+14,3%), hàng may mặc (+13,5%), than cốc và các sản phẩm dầu mỏ tinh chế (+10,4%).
Các nhà phân tích của MBKE dự đoán sự hồi phục lần này sẽ yếu hơn so với mức trong quý 2 năm ngoái dù hồi phục hình chữ V. Thiếu hụt lao động và gián đoạn chuỗi cung ứng vẫn là một thách thức trong thời gian tới, nhưng những lo ngại này có thể giảm bớt vào đầu năm tới.
Theo Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam, khoảng 70-80% công nhân đã quay trở lại nhà máy ở miền Nam Việt Nam. Nike cho biết gần như toàn bộ 200 nhà máy hợp đồng tại Việt Nam bị gián đoạn hoạt động do Covid-19 đã trở lại sản xuất bình thường.
Xuất khẩu bật tăng mạnh nhờ một loạt mặt hàng xuất khẩu chính phục hồi
Trong tháng 11, nhịp phục hồi xuất khẩu của Việt Nam được đẩy lên khá dồn dập nhờ sự cải thiện trên diện rộng đối với các mặt hàng xuất khẩu chính. Xuất khẩu gây bất ngờ với mức tăng +18,5% trong tháng 11 (so với mức tăng + 6,1% trong tháng 10), đạt giá trị cao kỷ lục 29,9 tỷ USD. Tăng trưởng xuất khẩu cao hơn chủ yếu nhờ vào các lĩnh vực: máy móc & thiết bị (+29% so với +20,8% trong tháng 10), hàng dệt may (+24,9 %% so với +3,2% trong tháng 10) và máy tính - linh kiện điện tử (+22,7% so với +3,1% trong tháng 10). Kim ngạch xuất khẩu tiếp tục được củng cố nhờ xuất khẩu điện thoại tăng trở lại (+9% so với -0,7% trong tháng 10). Xuất khẩu giày dép cũng hỗ trợ hiệu quả cho sự chuyển biến tích cực này (-14,3% so với -33% trong tháng 10).
Xuất khẩu theo các sản phẩm chính, Nhập khẩu & Cán cân thương mại,% YoY. Nguồn: CEIC
Nhập khẩu cũng tăng với tốc độ nhanh hơn (+20,8% so với +7,8% trong tháng 10) trong bối cảnh nền kinh tế mở rộng cánh cửa trở lại. Cán cân thương mại vẫn thặng dư trong tháng thứ ba liên tiếp, nhưng thu hẹp xuống mức nhỏ hơn còn +100 triệu đô la so với +2,7 tỷ đô la trong tháng 10. Điều này đưa cán cân thương mại tổng thể từ đầu năm đến nay thặng dư lên +225 triệu đô la trong 11 tháng của 2021.
Cầu cơ bản còn yếu nhưng dần thoát khỏi đáy
Chỉ số lạm phát toàn phần tăng do chi phí vận chuyển tăng. MBKE đưa ra dự báo chỉ số lạm phát cơ bản giảm xuống +2% vào năm 2021
Lạm phát toàn phần ở mức +2,1% trong tháng 11, tăng từ +1,8% trong tháng 10 do chi phí vận tải tăng (+20,7% so với +16,5% trong tháng 10) trong bối cảnh giá năng lượng và chi phí nhà ở - vật liệu xây dựng cũng cao hơn (+1,5 % so với +1,1% trong tháng 10). Con số này đã bù đắp cho sự sụt giảm của giá lương thực - thực phẩm (-0,1% so với +0,1% trong tháng 10).
Biểu đồ theo dõi lạm phát của Việt Nam. Nguồn: CEIC
Lạm phát ngành vận tải tăng +20,8% trong tháng 11 từ +16,5% trong tháng 10, tốc độ nhanh nhất trong 6 tháng. Ba đợt tăng giá bán lẻ xăng dầu do giá thế giới tăng đã khiến chi phí vận tải tăng cao. Chi phí nhà ở - vật liệu xây dựng đã nhích lên trong tháng 11 (+1,5%), một phần do việc giảm giá hóa đơn điện các đợt giãn cách xã hội đã kết thúc vào tháng 11 ở nhiều nơi trên cả nước. Tổng cục Thống kê (GSO) cũng cho rằng nguyên nhân chi phí bảo trì nhà ở tăng là do nhu cầu và chi phí nguyên vật liệu đầu vào cao hơn.
Mặt khác, lạm phát trong lương thực – thực phẩm lại giảm (-0,1%) do chi phí thực phẩm giảm mạnh (-1,7%) chủ yếu do sự đi xuống của giá thịt lợn. Chi phí ăn uống bên ngoài tăng nhẹ (+ 2,3%) do các quán ăn và nhà hàng mở cửa trở lại khi các hạn chế về đi lại được nới lỏng.
Biểu đồ mức lạm phát theo ngành. Nguồn: CEIC
Nhu cầu cơ bản vẫn còn yếu nhưng các số liệu đang cho thấy dấu hiệu tích cực dần thoát khỏi đáy. Lạm phát cơ bản tăng nhẹ lên +0,6% (so với +0,5% trong tháng 10).
Với chỉ số CPI cơ bản 11 tháng của năm 2021 hiện đang ở mức +1,8%, nhóm nghiên cứu của MBKE quyết định giảm mức dự báo của lạm phát cơ bản trung bình năm 2021 xuống còn +2% (từ +2,3%). Đồng thời, các nhà phân tích duy trì dự báo lạm phát trung bình ở mức +3,8% cho năm 2022, thấp hơn một chút so với mục tiêu lạm phát của Ngân hàng Nhà nước là dưới + 4%. Áp lực lạm phát được kỳ vọng sẽ tăng lên vào năm 2022, nhờ sự thúc đẩy bởi việc phục hồi dần dần của các hoạt động kinh tế và các hiệu ứng cơ bản thấp. Giá năng lượng và hàng hóa toàn cầu tăng liên tục có thể sẽ khiến lạm phát toàn phần cao hơn trong năm tới.
Duy trì dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 ở mức +1%
Sản xuất công nghiệp & xuất khẩu trong tháng 11 nhìn chung khá khả quan, các ngành dần hồi lại sau làn sóng Covid nhờ nền kinh tế mở cửa trở lại. Xuất khẩu đang tăng về mức cao hơn cả trước khi đóng cửa vì dịch bệnh, trong khi triển vọng sản xuất đang được cải thiện đáng kể. Nhu cầu trong nước dần bắt kịp nguồn cung khi lệnh hạn chế di chuyển được nới lỏng. Doanh số bán lẻ vẫn duy trì ở mức "đỏ", nhưng tốc độ giảm đã chậm lại còn –12,2% trong tháng 11 (so với -16% trong tháng 10), chủ yếu là nhờ việc cải thiện doanh số bán hàng hóa (-5,9% so với -13,5% trong tháng 10).
Tình hình Covid căng thẳng vẫn là rủi ro lớn nhất cho giá cả thị trường, và, trong tình huống xấu nhất, dịch bệnh có thể làm thay đổi cả đà phục hồi được đặt ra cho năm 2022. Các ca nhiễm Covid mới trong ngày đang tăng trở lại trong những tuần gần đây, nhích gần với mức cao trước đó được thấy vào tháng 8 - tháng 9 năm 2021.
Nguồn: WHO, CEIC
Điều đó cho thấy rằng, chúng ta nên lạc quan nhưng vẫn cần thận trọng khi hi vọng rằng Việt Nam đã chuyển hướng sang chiến lược "sống chung với Covid" nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao hơn trước. Có nghĩa là, chúng ta sẽ tránh được rủi ro về việc lại có thêm một đợt thắt chặt giãn cách xã hội. Tính đến ngày 23/11, khoảng 69% dân số đã được tiêm chủng ít nhất một liều vắc xin, trong khi 46% được tiêm chủng đầy đủ. Tỷ lệ tiêm chủng bao phủ ở các thành phố trọng điểm và các trung tâm công nghiệp đã đạt 70%.
Các chuyên gia của MBKE duy trì dự báo tăng trưởng GDP trung bình năm ở mức +1% cho năm 2021 và +6,7% cho năm 2022. Kỳ vọng rằng, tăng trưởng GDP quý 4 (tính vào ngày 29 tháng 12) sẽ vào khoảng +0,8%, một mức phục hồi đáng kể so với mức giảm -6,2% trong quý 3. Các nhà kinh tế học cũng kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ lãi suất tái cấp vốn ở mức 4% vào năm 2021 và 2022 để hỗ trợ tăng trưởng. Dự kiến, tỷ giá USD/VND sẽ ở mức khoảng 22.600 vào kết thúc năm 2021.