Kinh tế vườn, sản phẩm OCOP làm "đòn bẩy" giúp người dân Tiên Phước thu hàng trăm tỷ đồng
Ngày 9/4, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam cho biết, trong những năm qua, huyện Tiên Phước đã có nhiều nỗ lực trong phát triển kinh tế, xã hội, nên đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng; phát triển kinh tế luôn giữ ở mức tăng trưởng khá cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực.

Chú trọng phát triển thế mạnh kinh tế vườn...
Theo đó, đến nay tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 30,19%, ngành thương mại, dịch vụ chiếm 57,06%, ngành nông, lâm nghiệp chiếm 12,75%.
Tổng giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng theo giá so sánh tăng từ 1.273 tỷ đồng (năm 2020) đến nay lên 2.598 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân hằng năm 19,52%; giá trị thương mại - dịch vụ tăng từ 2.453 tỷ đồng (năm 2020) đến nay lên 4.315 tỷ đồng, tỷ lệ tăng bình quân hằng năm đạt 15,17%; giá trị sản xuất nông lâm nghiệp theo giá so sánh tăng từ 677 tỷ đồng (năm 2020) đến nay lên 867 tỷ đồng, tỷ lệ tăng bình quân hằng năm đạt 6,38%.

“Với thế mạnh của địa phương trong phát triển kinh tế vườn, trồng cây ăn quả như, cây măng cụt, lòn bon, sầu riêng, bưởi, thanh trà, tiêu, cau... đã đem lại nguồn thu nhập khá cao và ổn định cho người dân.
Phát triển dịch vụ, du lịch cộng đồng nông thôn gắn với các di tích lịch sử, văn hóa từng bước phát huy được hiệu quả.
Đồng thời, huyện từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp, thu hút, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất và hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn huyện tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội của địa phương”, ông Nguyễn Hùng Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết.

Hợp tác xã, sản phẩm OCOP làm nên thương hiệu lớn
Cũng theo lãnh đạo huyện Tiên Phước, phát triển sản xuất là mục tiêu quan trọng của Chương trình xây dựng NTM nhằm nâng cao đời sống vật chất, tăng thu nhập của nông dân.
Nên UBND huyện Tiên Phước đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất theo định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; có bước đột phá trong phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại.
Triển khai hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Kết quả, sản lượng và giá trị sản xuất nông nghiệp không ngừng tăng nhanh. Trồng trọt, cơ cấu cây trồng chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa; các giống cây trồng dài ngày, năng suất và chất lượng thấp được thay thế bằng các giống có chất lượng, giá trị kinh tế cao.
Diện tích gieo trồng hàng năm đạt trên 5.942ha. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 21.962 tấn, bình quân hằng năm 20.221 tấn, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn huyện. Chăn nuôi, tiếp tục có bước phát triển khá ổn định, hình thức chăn nuôi đa dạng và theo hướng an toàn sinh học, VietGAP.

Trên địa bàn huyện có 110 trang trại quy mô vừa và nhỏ, trong đó có 23 trang trại đạt chuẩn. Tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt 5.589 tấn, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt 481 tỷ đồng. Thủy sản, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 29,4 ha, chủ yếu nuôi trên các ao hồ nhỏ, ao gia đình. Chú trọng phát triển rừng, mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn gắn với cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC.
Đến nay, diện tích trồng rừng gỗ lớn đạt 5.800 ha, chiếm tỷ lệ 27,5% so với tổng diện tích rừng sản xuất theo quy hoạch 3 loại rừng (21.037 ha). Trồng rừng kinh tế đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân, bình quân hằng năm khai thác gỗ rừng trồng 311,750 tấn, giá trị đạt 300 tỷ đồng/năm.
Đặc biệt, giai đoạn 2011 - 2023, huyện Tiên Phước xây dựng nhiều mô hình phát triển sản xuất ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, đem lại hiệu quả nâng cao thu nhập cho người dân, các mô hình cây ăn quả, cây công nghiệp như chuối, măng cụt, lòn bon, cam, keo, tiêu, sầu riêng... theo tiêu chuẩn VietGap, hữu cơ, HACCP, FSC... xây dựng mã số vùng trồng đối với cây ăn quả chủ lực.

Việc liên doanh, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản được quan tâm, chủ động mời gọi các doanh nghiệp đến đầu tư vào sản xuất nông nghiệp thông qua việc liên kết với hộ sản xuất, hỗ trợ quảng bá sản phẩm nông sản của huyện trong các hệ thống siêu thị, hội chợ... Vì vậy, có trên 10 mặt hàng nông sản của địa phương được các cửa hàng thương mại, siêu thị Copmart Tam Kỳ và các siêu thị tại thành phố Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh đặt hàng tiêu thụ.
Về phát triển Hợp tác xã, hiện nay, toàn huyện có 71 HTX và 16 THT. Trên địa bàn 14 xã xây dựng NTM có 63 HTX được thành lập, tổ chức quản lý hoạt động đúng theo qui định của Luật HTX năm 2023; tổng số thành viên HTX là 730 thành viên. Tổng vốn điều lệ của các HTX 160.000 triệu đồng. Tổng vốn hoạt động khoảng 132.597 triệu đồng, trong đó tài sản cố định 80.817 triệu đồng, tài sản lưu động 33.779 triệu đồng.
Tổng doanh thu dịch vụ của HTX 45.108 triệu đồng, bình quân 820 triệu đồng/HTX. Tổng lợi nhuận HTX thu được 4.500 triệu đồng, bình quân 81,8 triệu đồng/HTX. Thu nhập bình quân của thành viên, lao động của HTX 54 triệu đồng/năm. Có 35 HTX tham gia liên kết theo chuỗi giá trị, 21 HTX tham gia chương trình OCOP.

“Nhìn chung, HTX đã có chuyển biến tích cực cả số lượng và chất lượng, xây dựng Phương án sản xuất, kinh doanh; góp vốn và phân công nhiệm vụ cho từng bộ phận, thành viên của HTX.
Nhiều HTX đã làm tốt chức năng hướng dẫn sản xuất, khuyến nông, cung cấp dịch vụ đầu ra, đầu vào cho các thành viên, tạo việc làm giúp thành viên tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Các HTX đã góp phần quan trọng trong xây dựng NTM cùng với nhà nước xây dựng công trình, quản lý chợ nông thôn, công trình nước sạch nông thôn. Hầu hết các HTX, THT đã mạnh dạn đầu tư máy móc, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ, tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm.
Xây dựng được các nhóm sản phẩm OCOP cũng như các sản phẩm đặc trưng thế mạnh của địa phương có năng suất, chất lượng tốt như, nhóm sản phẩm thảo dược; nhóm sản phẩm trầm hương; nhóm sản phẩm dầu gấc, dầu mè, dầu phộng; nhóm sản phẩm mì bún; nhóm sản phẩm trái cây… tạo sự đa dạng, phong phú về chuẩn loại, mẫu mã, tính đặc trưng, đặc sản của sản phẩm địa phương trên thị trường...

Hiện Tiên Phước có 41 sản phẩm OCOP, trong đó có 15 sản phẩm đạt 4 sao, 26 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh và các sản phẩm này được các HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc (bằng mã vạch, mã số hoặc mã QR code) đảm bảo các yêu cầu lưu trữ, truy xuất thông tin ở mỗi công đoạn từ sản xuất đến lưu trữ, chế biến và thương mại sản phẩm; trong đó, có 14 sản phẩm nông sản chủ lực của xã được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc tiêu chuẩn chất lượng khác được các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chứng nhận, còn hiệu lực.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, đến nay thu nhập bình quân đầu người/năm trên địa bàn 14 xã đạt 58,64 triệu đồng/người/năm, tăng 51,94 triệu đồng/người/năm so với năm 2010 và tăng 44,34 triệu đồng/người/năm so với năm 2015…”, ông Nguyễn Hùng Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước chia sẻ.