Xuất khẩu cao su sang Trung Quốc ngày càng bị "kẹt"

12/05/2022 14:11 GMT+7
Tháng 4/2022, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 58,3% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 45,66 nghìn tấn, trị giá 78,97 triệu USD, nhưng giảm 34,6% về lượng và giảm 35,4% về trị giá so với tháng 3/2022.

Xuất khẩu cao su tháng 4 giảm mạnh

Từ đầu tháng 5/2022 đến nay, giá cao su tại các sàn giao dịch châu Á biến động trái chiều, giá tại Nhật Bản và Thái Lan tăng, trong khi tại Thượng Hải giảm, cụ thể: Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka Exchange (OSE), đầu tháng 5/2022, giá cao su có xu hướng tăng nhẹ so với cuối tháng 4/2022. Ngày 09/5/2022, giá cao su RSS3 giao tháng 6/2022 ở mức 247,5 Yên/kg (tương đương 1,89 USD/kg), tăng 1% so với cuối tháng 4/2022, nhưng giảm 5,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), sau thời gian nghỉ lễ giá cao su giảm mạnh. Ngày 09/5/2022, giá cao su RSS3 giao tháng 6/2022 ở mức 12.270 NDT/tấn (tương đương 1,82 USD/kg), giảm 3,8% so với cuối tháng 4/2022 và giảm 13,8% so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân giảm do dịch Covid-19 bùng phát mạnh, nên Trung Quốc tiến hành phong toả nhiều tỉnh, thành phố để ngăn chặn bệnh, khiến việc tiêu thụ lốp xe bị chậm lại, ảnh hưởng đến nhu cầu đối với cao su.

Tại Thái Lan, giá cao su có xu hướng tăng trở lại do nguồn cung thắt chặt. Ngày 09/5/2022, giá cao su RSS3 chào bán ở mức 69,9 Baht/kg (tương đương 2,02 USD/kg), tăng 1,7% so với cuối tháng 4/2022, nhưng giảm 1% so với cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu cao su sang Trung Quốc ngày càng bị "kẹt"  - Ảnh 1.

Tháng 4/2022, Việt Nam xuất khẩu được 78,33 nghìn tấn cao su, trị giá 141,43 triệu USD, giảm tới 30,3% về lượng và giảm 30,2% về trị giá so với tháng 3/2022.

Trong nước, đầu tháng 5/2022, tại Bình Phước, giá mủ cao su nguyên liệu được Công ty cao su Phú Riềng thu mua ở mức từ 310-350 đồng/độ mủ, giảm 10 đồng/độ mủ so với cuối tháng 4/2022; Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu của Công ty cao su Phước Hòa được giữ ở mức 345 đồng/độ TSC; Giá mủ cao su tại Gia Lai được Công ty cao su Mang Yang thu mua với giá 310-320 đồng/độ TSC, ổn định so với cuối tháng 4/2022.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 4/2022, Việt Nam xuất khẩu được 78,33 nghìn tấn cao su, trị giá 141,43 triệu USD, giảm tới 30,3% về lượng và giảm 30,2% về trị giá so với tháng 3/2022; tuy nhiên so với tháng 4/2021 tăng 26,3% về lượng và tăng 28,3% về trị giá. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cao su đạt 485,22 nghìn tấn, trị giá 856,98 triệu USD, tăng 3,7% về lượng và tăng 9,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu cao su sang Trung Quốc ngày càng bị "kẹt"  - Ảnh 2.

Nguồn: Tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan

Về giá xuất khẩu: Tháng 4/2022, giá cao su xuất khẩu bình quân đạt 1.805 USD/tấn, tăng 0,2% so với tháng 3/2022 và tăng 1,5% so với tháng 4/2021.

Xuất khẩu cao su sang Trung Quốc ngày càng bị "kẹt"  - Ảnh 3.

Nguồn: Tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan

Tháng 4/2022, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 58,3% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 45,66 nghìn tấn, trị giá 78,97 triệu USD, nhưng giảm 34,6% về lượng và giảm 35,4% về trị giá so với tháng 3/2022; so với tháng 4/2021 tăng 37,4% về lượng và tăng 42,6% về trị giá. 

Giá cao su xuất khẩu bình quân sang Trung Quốc ở mức 1.729 USD/tấn, giảm 1,2% so với tháng 3/2022, nhưng tăng 3,8% so với tháng 4/2021. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 325,89 nghìn tấn cao su, trị giá 562,17 triệu USD, chỉ tăng 0,9% về lượng và tăng 8,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Trong tháng 4/2022, xuất khẩu cao su sang một số thị trường chủ chốt tiếp tục tăng trưởng tốt cả về lượng và trị giá so với tháng 4/2021, trong đó đáng chú ý như: Ấn Độ, Nga, Hoa Kỳ, Pakistan, Tây Ban Nha, Anh…

Xuất khẩu cao su sang Trung Quốc ngày càng bị "kẹt"  - Ảnh 4.

Nguồn: Tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan

Thị phần cao su của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc ngày càng giảm

Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong quý I/2022, kim ngạch nhập khẩu cao su (mã HS 4001, 4002, 4003, 4005) của Trung Quốc đạt 3,58 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2021. Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Nhật Bản và Hàn Quốc là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Trung Quốc. Trong quý I/2022, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc với 621,77 triệu USD, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần cao su Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc trong quý I/2022 chiếm 17,3%, giảm so với mức 19,2% của cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu cao su sang Trung Quốc ngày càng bị "kẹt"  - Ảnh 5.

Thị phần cao su Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc trong quý I/2022 chiếm 17,3%, giảm so với mức 19,2% của cùng kỳ năm 2021.

Về chủng loại nhập khẩu: Trong quý I/2022, kim ngạch nhập khẩu cao su tự nhiên (mã HS: 4001) của Trung Quốc đạt 1,14 tỷ USD, tăng 33,3% so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu nhập khẩu từ các thị trường như: Thái Lan, Bờ Biển Ngà, Malaysia, Lào, Indonesia và Việt Nam. Trong quý I/2022, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 6 cho Trung Quốc với 59,87 triệu USD, giảm 12,4% so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam chiếm 5,3% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc, giảm so với mức 8% của cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu cao su tự nhiên từ các thị trường như Thái Lan, Bờ Biển Ngà, Indonesia, Lào… Trong đó, kim ngạch nhập khẩu cao su tự nhiên từ Lào tăng mạnh nhất, tăng tới 12.838% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong quý I/2022, kim ngạch nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (mã HS: 400280) của Trung Quốc đạt 1,49 tỷ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2021. Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Myanmar và Lào là 5 thị trường lớn nhất cung cấp hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp cho Trung Quốc. 

Trong quý I/2022, Việt Nam là thị trường cung cấp hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp lớn thứ hai cho Trung Quốc với 557,47 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Việt Nam chiếm 37,4% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Trung Quốc, giảm so với mức 40,4% của cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đẩy mạnh nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp từ các thị trường như: Thái Lan, Myanmar, Lào, Campuchia, Philippines; trong khi giảm nhập khẩu từ Indonesia và Malaysia…

Xuất khẩu cao su sang Trung Quốc ngày càng bị "kẹt"  - Ảnh 6.

Nguồn: Cơ quan Hải quan Trung Quốc

Dự báo xuất khẩu cao su sang Trung Quốc tới đây vẫn gặp khó khăn trong khâu vận chuyển do thời gian vận chuyển tăng gấp đôi và chi phí tăng gấp bốn lần khi nước láng giềng khổng lồ tiếp tục chính sách "Zero Covid". Chưa kể, phía Trung Quốc siết chặt việc nhập khẩu hàng hóa, nên khi doanh nghiệp xuất hàng sang chỉ cần ghi sai một từ trong thủ tục sẽ không được giải quyết thông quan. Trục trặc về thủ tục cũng gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp vì những container hàng sẽ bị ách tắc tại cảng cả tháng trời...


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục