Lãi 700 triệu đồng mỗi năm nhờ trồng thanh long ruột đỏ
Ngày 10/7, khoảng 20 tấn thanh long ruột đỏ của nông dân huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đã cập bến Nhật Bản.
20 tấn đầu tiên sẽ được Hợp tác xã nông nghiệp Ngọc Hoàng chuẩn bị và đóng hàng xuất theo quy định của Nhật. Toàn bộ số thanh long này được sản xuất theo hướng hữu cơ, cấp chứng nhận VietGAP và được cấp cả mã vùng trồng.
Trao đổi với PV Etime, ông Phạm Quang An - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La cho biết, mô hình trồng thanh long ruột đỏ trên địa bàn Mai Sơn cho thu hoạch 20 tấn/ha với giá bán 30.000 đồng/kg, doanh thu khoảng 200-300 triệu đồng/ha.
Với hơn 80ha hiện có, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đã tuyên truyền, hướng dẫn bà con sản xuất chủ yếu theo hướng hữu cơ, theo đó cây thanh long ruột đỏ đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Huyện Mai Sơn xác định tiếp tục hỗ trợ các hợp tác xã và hộ nông dân đẩy mạnh sản xuất nông sản sạch theo hướng hữu cơ, tạo uy tín trên thị trường trong và ngoài nước.
Ông Cầm Văn Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cho biết: "Diện tích cây thanh long tập trung nhiều nhất tại xã Chiềng Sung, nà Bó, Cò Nòi, Hát Lót và xã Chiềng Mung và một số vùng lân cận. Trong quá trình triển khai phát triển cây thanh long, huyện đã tập trung chỉ đạo các phòng, ban phối hợp với các hợp tác xã để thực hiện.
Gia đình chị Nguyễn Thị Dung (xã Nà Bó, huyện Mai Sơn) nhờ trồng cây thanh long ruột đỏ thu lãi mỗi năm gần 700 triệu đồng, ngoài ra còn tạo công ăn việc làm cho hơn 10 lao động địa phương.
Trước đây, gia đình chị Nguyễn Thị Dung chủ yếu làm nương rẫy, trồng cây ngô, cây mía, thu nhập thấp mà công lao động lại vất vả. Đến năm 2010, được xã và huyện vận động cây thanh long phù hợp và phát triển với địa phương nên anh chị quyết định chuyển sang cây ăn quả mới này.
Chị Dung cho biết, lúc đầu gia đình đầu tư hơn 50 triệu đồng làm trụ bê tông trên diện tích 5.000 m2 để làm giá đỡ trồng 8.000 cây thanh long. Những ngày đầu do chưa có kinh nghiệm, gia đình chọn giống không phù hợp nên quả nhỏ, chua và cho năng suất thấp.
Sau đó, chị Dung đi thăm quan các mô hình trồng thanh long ở những nơi đã trồng thanh long lâu năm. Rút kinh nghiệm qua những lứa trước, năm 2013 chị và gia đình quyết định đổi sang trồng thanh long ruột đỏ. Năm 2018 với 1.000 trụ thanh long ruột đỏ, gia đình chị Dung đã thu hoạch được trên 30 tấn quả và cho thu lãi gần 700 triệu đồng.
"Năm ngoái, được sự quan tâm và tuyên truyền của tỉnh, gia đình đã sản xuất cây thanh long theo hướng hữu cơ, để có sản phẩm quả đảm bảo an toàn, dễ tiêu thụ", chi Dung cho biết.
Thanh long ruột đỏ là giống chịu hạn tốt, ít sâu bệnh, cho thu hoạch quanh năm mà không tốn nhiều công chăm sóc, thời gian thu hoạch từ tháng 6 đến tháng 12 , cứ sau 15 ngày lại thu hoạch một đợt, tương đương với thu hoạch từ 9 - 11 lần/năm.
"Từ kết quả của dự án trên địa bàn Mai Sơn đã mở rộng diện tích trồng thanh long ruột đỏ, đã thành lập HTX sản xuất thanh long ruột đỏ theo tiêu chuân VietGap, đồng thơi đã lựa chọn và đăng ký chứng nhận 4 cây thanh long đầu dòng, là nguồn cung cấp giống để mở rộng diện tích ra các huyện trồng thanh long ruột đỏ trên địa bàn tỉnh là 133ha, sản lượng 404 tất", ông Phạm Quang An cho biết.
Hiện sản phẩm thanh long ruột đỏ được tiêu thụ tại các siêu thị Hà Nội, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, UEA, Nhật Bản và hiện đang được chào hàng ở nhiều nước khác.