Lại nóng đề xuất đánh thuế bất động sản khi giá nhà, đất liên tục leo thang

08/03/2022 09:11 GMT+7
Hệ lụy của việc tăng giá bất động sản là không hề nhỏ đối với nền kinh tế. Đặc biệt là thời gian gần đây, thị trường bất động sản liên tục xuất hiện những cơn sốt đất khắp nơi. Do đó, đề xuất đánh thuế tài sản, chống đầu cơ một lần nữa lại được dư luận chú ý.
 - Ảnh 1.

Theo giới chuyên gia, việc đánh thuế bất động sản thứ 2 trở lên là cần thiết, sẽ giúp giảm đầu cơ. (Ảnh: Hạ Vũ).

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về các chính sách thu thuế bất động sản, bao gồm việc đánh thuế với nhà và tài sản.

Động thái này diễn ra sau chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, Bộ Tài chính được giao nghiên cứu đề xuất bổ sung một số loại thuế liên quan đến thị trường bất động sản như thuế tài sản nhà ở nhằm ổn định thị trường, hạn chế đầu cơ, khai thác có hiệu quả bất động sản nhà ở và đảm bảo quyền lợi của Nhà nước.

Quay trở lại với đề xuất trên, đa số các chuyên gia đều cho là cần thiết, song việc này cần nghiên cứu kỹ, có lộ trình cụ thể và chỉ nên nhắm vào người giàu, đầu cơ.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, thuế nhà ở đã xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới nhưng Việt Nam chưa có. Do đó, việc hoàn thiện chính sách thuế đối với các tài sản có giá trị là cần thiết, phù hợp thông lệ quốc tế và tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Vấn đề còn lại là sẽ thu thuế với tài sản nào, mức thu ra sao, trên căn cứ nào, ai định giá tài sản để tính thuế, lộ trình áp dụng,…

Riêng với đề xuất đánh thuế nhà, phải có ưu đãi thuế với người có nhà giá trị thấp, người chỉ có một nhà để gia đình ở.

Còn theo ông ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), Việt Nam có thể học hỏi cách đánh thuế bất động sản theo tham chiếu giá trị tài sản như ở Mỹ.

Tuy nhiên, để làm được điều đó, theo vị này, tiền sử dụng đất cần được điều chỉnh giảm xuống mức hợp lý hơn. Cơ quan quản lý Nhà nước cần xây dựng dữ liệu số là mã số định danh để thực hiện việc đánh thuế tài sản. Ngoài ra, các giao dịch nhà đất cần thực hiện thông qua ngân hàng để xác định giá trị và dòng tiền.

Ông Châu cũng đưa ra một số phương án như đánh thuế chống đầu cơ (tăng thuế suất nếu mua bán nhanh và giảm thuế suất nếu đưa vào sử dụng lâu dài); chặn lướt sóng bằng cách dùng nghiệp vụ ngân hàng giảm tỷ lệ cho vay,...

Không phải chưa từng nhắc đến

Thực tế, việc đánh thuế  nhà ở đã được giới chuyên gia, hiệp hội và cơ quan quản lý nhắc đến nhiều lần.

Năm 2017, Chính phủ từng đề xuất thí điểm thuế tài sản (trước mắt là đối với nhà ở, đất) tại TP HCM khi họp bàn xin cơ chế đặc thù cho địa phương này, song vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Do đó, qua tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định không thí điểm thu thuế tài sản tại TP HCM.

Đáng chú ý, UBND TP HCM trước đó cũng đã có văn bản kiến nghị Bộ Xây dựng áp dụng mức thuế suất cao đối với bất động sản thứ hai trở lên và các giao dịch trong lĩnh vực này trong vòng một năm.

Cũng chỉ vài ngày sau cuộc họp trên Chính phủ, Hiệp hội bất động sản TP HCM đã có văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính,… đề nghị chưa thí điểm thu thuế tài sản trên địa bàn TP HCM hay bất cứ địa phương nào cho đến sau năm 2020.

Nguyên nhân được HoREA đưa ra là nền kinh tế đất nước và thị trường bất động sản vẫn còn đang trong quá trình phục hồi và tăng trưởng, nhưng chưa thật sự vững chắc.

Ngoài ra giá nhà tại TP.HCM vẫn còn rất cao, gấp khoảng trên dưới 25 lần thu nhập trung bình của xã hội. Trong khi ở các nước phát triển thì biên độ này chỉ khoảng từ 5-7 lần,...

Tháng 4/2018, Bộ Tài chính từng đưa ra đề nghị xây dựng Luật Thuế tài sản. Theo đó, Bộ này dự kiến đánh thuế đối với nhà, đất ở, tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị 1,5 tỷ đồng trở lên.

Với nhà ở, Bộ này xây dựng hai phương án đánh thuế: Một là đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên; hai là nhà ở có giá trị 1 tỷ đồng trở lên. Ngưỡng không chịu thuế là nhà có giá trị 700 triệu đồng trở xuống hoặc 1 tỷ đồng trở xuống. Điều này có nghĩa, phần bị đánh thuế là phần có giá trị trên 700 triệu đồng hoặc trên 1 tỷ đồng. Mức thuế được áp dụng cho phần vượt lên ngưỡng quy định là 0,4%.

Tuy nhiên, khi đề xuất vừa đưa ra ngay lập tức đã gây nhiều tranh cãi của người dân và giới chuyên môn.

Đơn cử, HoREA cho rằng, việc áp dụng miễn thuế cho nhà từ 700 triệu đồng trở xuống là chưa thỏa đáng và đề nghị áp dụng thuế suất 0% đối với nhà ở có giá trị từ 1 tỷ đồng trở xuống để hỗ trợ thiết thực cho những người có thu nhập trung bình thấp và người có thu nhập thấp trong xã hội,...

Hiệp hội này sau đó (tháng 4/2021) đã gửi công văn tới Thủ tướng Chính phủ đề xuất đánh thuế rất cao đối với hành vi bán, chuyển nhượng lại nhà, đất ngay sau khi tạo lập để triệt tiêu ý chí "đầu cơ" của nhà đầu tư "lướt sóng", trong trường hợp thị trường bất động sản có dấu hiệu sốt nóng, nguy cơ "bong bóng".

Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh những năm gần đây, thị trường bất động sản lặp đi lặp lại nhiều đợt sốt đất, nhất là cơn sốt đất xảy ra liên tiếp trên diện rộng hiện nay, gây ra nhiều hệ quả tiêu cực, làm mất cơ hội tạo lập nhà ở của đông đảo người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp ở đô thị...

Khi cơn sốt đất xẹp xuống, nhiều nhà đầu tư cá nhân sập bẫy, bị thua lỗ nặng nề, thậm chí lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, trắng tay. Nhiều khu đất trở thành hoang hóa,... Do đó, việc sử dụng hiệu quả công cụ thuế và ban hành thuế bất động sản cần được xem xét.

Công Tâm
Cùng chuyên mục