Lại phát hiện sách giáo khoa của NXB Giáo dục Việt Nam bị làm giả
Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang vừa lập biên bản vi phạm hành chính đối với một công ty kinh doanh sách về hành vi: Trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; Phát hành xuất bản phẩm hóa không có hóa đơn, chứng từ, tài liệu thể hiện nguồn gốc hợp pháp. Hồ sơ vụ việc đồng thời được trình đến Chủ tịch UBND thành phố Rạch Giá để xử lý.
Trước đó, ngày 1/8/2023, Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang có công văn số 718/QLTTKG-NVTH về việc xử lý thông tin vi phạm pháp luật. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Cục, Đội Quản lý thị trường số 2 đã tiến hành thẩm tra, xác minh và tiến hành kiểm tra đột xuất tại một công ty kinh doanh sách giáo khoa, có địa điểm kinh doanh trên địa bàn thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.
Kết quả kiểm tra ban đầu, Đoàn kiểm tra phát hiện tại công ty đang trưng bày 297 quyển sách học sinh các loại chưa có hóa đơn, chứng từ, tài liệu thể hiện nguồn gốc hợp pháp và có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam.
Qua quá trình làm việc với đại diện công ty và các văn bản phúc đáp của chủ sở hữu đang được bảo hộ tại Việt Nam - Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam, Đội Quản lý thị trường số 2 xác định 267 quyển sách học sinh (sách tiếng anh lớp 3 tập một, lớp 3 tập hai, lớp 4 tập một và sách bài tập tiếng anh lớp 10) là sách giả mạo nhãn hiệu của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam.
30 quyển sách học sinh (tiếng anh lớp 3 tập một và lớp 3 tập hai) không có hóa đơn, chứng từ, tài liệu thể hiện nguồn gốc hợp pháp.
Lực lượng chức năng đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với công ty về hành vi: "Trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu" và "Phát hành xuất bản phẩm hóa không có hóa đơn, chứng từ, tài liệu thể hiện nguồn gốc hợp pháp".
Do vụ việc vượt thẩm quyền xử lý, ngày 20/9/2023, Đội Quản lý thị trường số 2 chuyển toàn bộ hồ sơ, trình Chủ tịch UBND thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang đề nghị xử phạt, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ số sách giả mạo nhãn hiệu, không có hóa đơn, chứng từ, tài liệu thể hiện nguồn gốc hợp pháp theo quy định.
Trước đó, Etime đã đưa tin Đội Quản lý thị trường số 5, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương cũng phát hiện vụ việc 3.455 quyển sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam bị làm giả. Tổng số lượng sách giáo khoa giả bị thu giữ có giá trị sách theo giá in trên bìa là suýt soát 200 triệu đồng.