Làm căng với TikTok, Trump đang nhắc các DN Trung Quốc "sự thật nghiệt ngã" này!
Thái độ cứng rắn từ các chính trị gia Mỹ trong thời gian qua đang gửi đi một thông điệp rõ ràng nhưng "nghiệt ngã": Mỹ không chào đón các công ty Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nhiều lần cáo buộc các ứng dụng Trung Quốc đang cung cấp dữ liệu người dùng cho Bắc Kinh và gây ra rủi ro an ninh quốc gia lớn với nước Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là sẽ có những động thái mới ngay trong thời gian tới để chống lại các rủi ro an ninh quốc gia từ những ứng dụng có liên hệ mật thiết với chính phủ Bắc Kinh.
James Lewis, chuyên gia chính sách công nghệ tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (Washington D.C.) nhận định: “Các công ty công nghệ Trung Quốc nên từ bỏ thị trường Mỹ”, bởi chính phủ Mỹ đang “ngày càng mất niềm tin vào Bắc Kinh. Và ngay cả khi một số nhà cung cấp công nghệ Trung Quốc cố gắng khắc phục vấn đề về độ tin cậy, tấm gương về ByteDance sẽ cho thấy không phải nỗ lực nào cũng nhất định mang lại kết quả khả quan”.
Thực tế đã cho thấy bất chấp những nỗ lực từ ByteDance, chính quyền Trump vẫn ra tối hậu thư buộc hãng này bán hoạt động của TikTok tại Mỹ cho một công ty Mỹ như Microsoft trước ngày 15/9 hoặc sẽ bị cấm cửa tại Mỹ, thị trường lớn thứ hai của TikTok chỉ sau Ấn Độ. Chỉ ít tuần trước đó, Ấn Độ cũng cấm cửa TikTok cùng hàng chục ứng dụng Trung Quốc sau vụ đụng độ biên giới tại Himalaya khiến 20 binh sĩ nước này thiệt mạng.
TikTok (bao gồm cả phiên bản Douyin cho thị trường Trung Quốc nội địa) hiện có tới hơn 2 tỷ lượt download trên toàn cầu, số liệu tính đến tháng 4/2020 do công ty phân tích thị trường Sensor Tower thực hiện. Riêng thị trường Mỹ, TikTok có tới hơn 170 triệu lượt download.
“Tối hậu thư” của Trump khiến ByteDance gần như không còn sự lựa chọn nào khác về việc bán đứt hoạt động tại Mỹ cho Microsoft. Trong một tuyên bố vào cuối tuần trước, Microsoft cũng tiết lộ đang tìm cách mua lại các hoạt động của TikTok tại Canada, Úc và New Zealand.
Bắc Kinh tất nhiên không vui vẻ gì khi ByteDance bị “đàn áp” như vậy. Tờ Nhân dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của chính phủ Trung Quốc đã gọi thỏa thuận mua lại mà Washington đang thúc đẩy là một “kế hoạch cướp bóc công khai”, và đe dọa trả đũa. Trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 4/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin cũng cáo buộc Mỹ đang “lạm dụng quyền lực” và không ngừng viện cớ đảm bảo an ninh quốc gia để hạ bệ các công ty không phải của Mỹ.
Cuộc “đàn áp” của chính quyền Trump với TikTok chính là một đòn giáng phũ phàng với các nhà phát triển công nghệ Trung Quốc, những kẻ đang tham vọng toàn cầu hóa và tấn công thị trường tiềm năng là Mỹ. Dù nguyên nhân thực sự nằm ở đâu, những gì đã diễn ra với ByteDance vẫn là bài học đắt giá cho những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đang cung cấp dịch vụ tại Mỹ, bao gồm Alibaba của tỷ phú Jack Ma hay ông vua truyền thông xã hội Trung Quốc Tencent Holdings.
Mặc dù chính phủ Trung Quốc trước đây đã xây dựng Great Firewall chặn đứng các ứng dụng internet từ thung lũng Silicon bao gồm Google và Facebook, nhưng “những động thái của Mỹ có tính chất cứng rắn hơn nhiều so với cách tiếp cận của Trung Quốc”, theo ông Kai-Fu Lee, cựu giám đốc Google khu vực Trung Quốc, hiện là chủ tịch của Sinovation Ventures (Bắc Kinh).
Paul Triolo, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu công nghệ tại tập đoàn tư vấn rủi ro Eurasia Group thì nhận định chính quyền Trump đang giáng đòn đau vào các mục tiêu “mang tính biểu tượng” để thể hiện thái độ cứng rắn với Bắc Kinh trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới. Và lệnh cấm các ứng dụng đang hot như TikTok hay WeChat thực sự sẽ gây nên những hiệu ứng mạnh mẽ.
Dù thị trường nội địa vẫn mang đến doanh thu chủ yếu cho hầu hết các ứng dụng công nghệ Trung Quốc, nhưng việc mất đi các thị trường lớn như Mỹ sẽ là hạn chế lớp, khép lại cơ hội vươn ra toàn cầu của các doanh nghiệp tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.