Lão nông chân đất mày mò nuôi giống thỏ Úc, thu nửa tỷ đồng/năm

25/02/2021 14:25 GMT+7
Sau 7 năm theo đuổi mô hình nuôi thỏ thương phẩm, hiện tại trang trại thỏ úc của lão nông Trần Ngọc Thưởng (tổ 4, phường Chi Lăng, TP. Pleiku, Gia Lai) đã lên đến gần 1.000 con. Với hướng đi táo bạo này, ông Thưởng đã thu về 500 triệu đồng/năm.

Xuất thân từ một người nông dân chân đất, thế nhưng lão nông Trần Ngọc Thưởng luôn mày mò thử nghiệm các mô hình kinh tế. Từ hệ thống chuồng trại đến các khu xử lý thức ăn, xử lý chất thải luôn được ông Thưởng đầu tư bài bản. Dù vậy, để có được thành công như hiện tại, ông đã trải qua rất nhiều khó khăn, đặc biệt là kỹ thuật nuôi thỏ.

Lão nông chân đất mày mò nuôi giống thỏ Úc, thu nửa tỷ đồng/năm - Ảnh 1.

Trang trại gần 1000 con thỏ Úc của lão nông Trần Văn Thưởng

Dẫn chúng tôi tham quan mô hình nuôi thỏ của mình, ông Thưởng kể lại: "Năm đầu tiên, tôi chỉ tiến hành nuôi thử nghiệm 20 con thỏ giống. Cũng vì chưa có nhiều kinh nghiệm và kỷ thuật nên 20 con này chết gần hết, chỉ còn lác đác vài con. Tuy nhiên, mấy con còn sống sót phát triển chậm sau một thời gian cũng chết hết. Thời gian này, tôi ngưng hẳn việc nuôi thỏ, tập trung học hỏi kinh nghiệm chăm sóc cũng như các loại bệnh thường gặp ở thỏ. Sau thời gian mày mò tìm hiểu và tiếp tục mua thỏ về thử nghiệm, lần này đàn thỏ mới sinh trưởng và phát triển ổn định".

Lão nông chân đất mày mò nuôi giống thỏ Úc, thu nửa tỷ đồng/năm - Ảnh 2.

Để có được trang trại thỏ quy mô như hiện tại, ông Thưởng đã tốn khá nhiều chi phí mua giống thử nghiệm

Khi đàn thỏ đã phát triển ổn định, ông Thưởng bắt đầu mở rộng quy mô trang trại. Sau 7 năm theo đuổi mô hình chăn nuôi thỏ Úc, đến nay trang trại của ông có gần 1.000 con lớn.

Theo ông thưởng, theo chu kỳ khoảng 6 tháng thỏ sẽ sinh sản một lần. Về thỏ thương phẩm, khoảng hơn 3 tháng mỗi con thỏ sẽ đạt cân nặng từ 2,5 đến 3,2 kg, lúc này sẽ xuất bán ra thị trường. Trung bình 1kg thỏ thương phẩm sẽ bán với giá từ 80.000 đến 100.000 nghìn đồng.

Lão nông chân đất mày mò nuôi giống thỏ Úc, thu nửa tỷ đồng/năm - Ảnh 3.

Những con thỏ Úc của ông Thưởng phát triển khá khỏe mạnh, sinh sản tốt, lớn nhanh

"Sau khi mở rộng trang trại thỏ của mình lên gần 1000 con, mỗi ngày tôi xuất ra thị trường từ 50 đến 60 kg thỏ thương phẩm. Với sức tiêu thụ này, sau khi trừ đi mọi chi phí, bình quân gia đình tôi thu nhập cũng gần 500 triệu đồng mỗi năm. Với mô hình này, không chỉ có nguồn thu từ thị thỏ, phân thỏ tôi cũng tận dụng được để nuôi trùng quế rồi lấy từ phân trùng quế chế biến thành phân hữu cơ bón cho cây cảnh và hoa lan. Nói chung, so với chăn nuôi gà, vịt heo thì nuôi thỏ mang lại hiệu quả cao hơn rất nhiều, đầu ra cũng không quá khó khăn", ông Thưởng đánh giá.

Cũng theo ông Thưởng, tận dụng từ các sản phẩm nông nghiệp được trồng xung quanh vườn nhà như lá sả, bắp, bèo trứng, điều này đã giúp gia đình ông Thưởng tiết kiệm được từ 20 đến 30% chi phí. So với việc sử dụng thức ăn công nghiệp, nuôi theo hướng này thỏ vẫn lớn nhanh mà ít bị bệnh, thịt chắc, con giống khỏe, tỷ lệ sống cao.

Lão nông chân đất mày mò nuôi giống thỏ Úc, thu nửa tỷ đồng/năm - Ảnh 4.

Mô hình của ông Thưởng đã và đang là mô hình để các nông dân khác học hỏi kinh nghiệm và nhân rộng

Vì bỏ ra nhiều thời gian tìm tòi, nghiên cứu nên dù đàn thỏ đã tăng lên 1000 con thì trang trại của ông Thưởng vẫn luôn đảm bảo vệ sinh từ nguồn thức ăn đến việc vệ sinh chuồng trại cũng như hệ thống xử lý chất thải.

Đánh giá hiệu quả về mô hình nuôi thỏ của ông Thưởng, ông Lâm Văn Nhơn - Chủ tịch Hội Nông dân phường Chi Lăng cho biết: "Thời gian gần đây, trên địa bàn có khá nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao. Một trong những mô hình trên, phải kể đến mô hình chăn nuôi tổng hợp khép kín của hội viên nông dân Trần Văn Thưởng. Ông Thưởng đã biết kết hợp chăn nuôi tổng hợp, vừa nuôi thỏ và heo sọc dưa để phát triển kinh tế. Thời gian tới, hội nông dân sẽ lấy mô hình của hội viên Thưởng giới thiệu đến các hội viên trên địa bàn phường có điều kiện học tập và nhân rộng".

Trần Hiền
Cùng chuyên mục