Lệ phí làm Căn cước công dân gắn chip từ ngày 1/1/2022

19/12/2021 19:30 GMT+7
Theo Thông tư 59/2019/TT-BTC, bắt đầu từ ngày 1/1/20222 sẽ áp dụng lệ phí mới khi làm Căn cước công dân gắn chip.

Mức lệ phí mới khi làm thẻ Căn cước công dân gắn chip

Người dân hiện được giảm 50% lệ phí cấp Căn cước công dân đến hết ngày 31/12/2021, sau đó sẽ áp dụng lại mức thu lệ phí quy định tại Điều 4 Thông tư 59/2019/TT-BTC.

Cụ thể, từ ngày 01/01/2022, người dân áp dụng mức thu lệ phí như sau:

Công dân chuyển từ Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số sang cấp thẻ Căn cước công dân: 30.000 đồng/thẻ Căn cước công dân.

Đổi thẻ Căn cước công dân khi bị hư hỏng không sử dụng được; thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhận dạng; xác định lại giới tính, quê quán; có sai sót về thông tin trên thẻ; khi công dân có yêu cầu: 50.000 đồng/thẻ Căn cước công dân.

Cấp lại thẻ Căn cước công dân khi bị mất thẻ Căn cước công dân, được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam: 70.000 đồng/thẻ Căn cước công dân.

Lệ phí làm Căn cước công dân gắn chip từ ngày 1/1/2022 - Ảnh 1.

Theo Thông tư 59/2019/TT-BTC, bắt đầu từ ngày 1/1/20222 sẽ áp dụng lệ phí mới khi làm Căn cước công dân gắn chip.

Trường hợp miễn lệ phí khi làm thẻ Căn cước công dân gắn chip

Đổi thẻ Căn cước công dân khi Nhà nước quy định thay đổi địa giới hành chính;

Đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho công dân là:

Bố, mẹ, vợ, chồng, con dưới 18 tuổi của liệt sỹ; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh;

Con dưới 18 tuổi của thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; bệnh binh; công dân thường trú tại các xã biên giới;

Công dân thường trú tại các huyện đảo;

Đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

Công dân thuộc hộ nghèo theo quy định của pháp luật;

Đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho công dân dưới 18 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa.

Các trường hợp không phải nộp lệ phí:

- Công dân từ đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân lần đầu;

- Đổi thẻ Căn cước công dân khi đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi;

- Đổi thẻ Căn cước công dân khi có sai sót về thông tin trên thẻ Căn cước công dân do lỗi của cơ quan quản lý Căn cước công dân.

Được biết, theo Thông tư 47/2021/TT-BTC, nhằm tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, người dân được giảm 50% lệ phí cấp Căn cước công dân từ ngày 01/7/2021 đến hết ngày 31/12/2021:

Chuyển từ Chứng minh nhân dân 9 số, 12 số sang cấp thẻ Căn cước công dân: 15.000 đồng/thẻ CCCD.

Đổi thẻ Căn cước công dân khi bị hư hỏng không sử dụng được; thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng; xác định lại giới tính, quê quán; có sai sót về thông tin trên thẻ; khi công dân có yêu cầu: 25.000 đồng/thẻ.

Cấp lại thẻ Căn cước công dân khi bị mất thẻ, được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam: 35.000 đồng/thẻ.

 Chưa có căn cước công dân gắn chip, tra cứu số định danh cá nhân thế nào? 

Thực tế hiện nay, nhiều người dân đã làm căn cước công dân gắn chip nhiều tháng song chưa nhận được thẻ, gây khó khăn trong khi làm các thủ tục hành chính.

Bộ Công an cho hay chậm trả căn cước công dân có nhiều lý do, bao gồm việc người dân không đăng ký tạm trú khiến quá trình xác minh thông tin gặp khó khăn.

Đại diện Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) cho biết, công an các địa phương gần đây phải tập trung chống dịch COVID-19 nên chậm trả căn cước.

Hơn nữa, dân cư biến động liên tục, dẫn đến giấy tờ tùy thân mâu thuẫn với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nhiều trường hợp làm căn cước một nơi, thường trú một nơi khiến việc phối hợp điều chỉnh thông tin khó khăn.

Theo đại diện trung tâm, nhiều người dân không đăng ký tạm trú khiến việc kiểm tra, xác minh thông tin gặp khó. Một số trường hợp đi làm căn cước còn khai thông tin sai hoặc cán bộ nhập nhầm. Những nguyên nhân đó đều dẫn đến việc cấp căn cước bị chậm.

C06 hướng dẫn, công dân chưa nhận được căn cước nếu muốn tra cứu thông tin hãy truy cập website dancuquocgia.mps.gov.vn hoặc tài khoản mạng xã hội mang tên Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư.

Mặt khác, khi chưa nhận được căn cước công dân, công dân có thể dùng số định danh cá nhân để thay thế.

Cụ thể, người chưa có căn cước công dân có thể tra cứu xem số định danh cá nhân của mình trên Cổng dịch vụ công quản lý cư trú theo các bước:

Bước 1: Truy cập địa chỉ: https://dichvucong.dancuquocgia.gov.vn/portal/p/home/dvc-gioi-thieu.html sau đó chọn "Đăng nhập".

Bước 2: Đăng nhập bằng tài tài khoản Cổng dịch vụ công quốc gia của bạn.

Bước 3: Chọn biểu tượng "Lưu trú" tại trang chủ để tiến hành tra số định danh cá nhân của chính mình.

Bước 4: Số định danh cá nhân của bạn sẽ hiển thị mục "Thông tin người thông báo".

Ngoài ra, công dân còn có thể đến các trụ sở công an để đề nghị cấp số định danh cá nhân.

Hiện nay, Bộ Công an đã triển khai cấp số định danh cá nhân cho toàn bộ người dân, kể cả trẻ sơ sinh. Vì vậy, mỗi công dân đều có một số định danh cá nhân trên Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Tuy nhiên, do chưa được cấp Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân nên trẻ em không thể đăng nhập Cổng dịch vụ công để tra cứu số định danh. Thay vào đó, việc tra cứu số định danh cá nhân cho trẻ em có thể thực hiện trực tiếp trên Giấy khai sinh của trẻ.

Trong trường hợp không thể tìm thấy số định danh cá nhân của trẻ trên giấy khai sinh, phụ huynh có thể liên hệ công an khu vực nơi đã đăng ký giấy khai sinh cho trẻ để được cung cấp.

Khi đi lấy số định danh cá nhân cho con, phụ huynh cần mang theo sổ hộ khẩu và giấy khai sinh của con.

PV
Cùng chuyên mục