Liên Hợp Quốc cảnh báo dòng vốn FDI toàn cầu giảm 40% trong năm nay

17/06/2020 11:46 GMT+7
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu có khả năng giảm mạnh 40% trong năm nay do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19, theo dự báo mới đây của Liên Hợp Quốc.
Liên Hợp Quốc cảnh báo dòng vốn FDI toàn cầu giảm 40% trong năm nay - Ảnh 1.

Liên Hợp Quốc cảnh báo dòng vốn FDI toàn cầu giảm 40% trong năm 2020, tiếp tục giảm mạnh năm 2021 trước khi phục hồi vào năm 2022

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI có khả năng giảm mạnh 40% trong năm 2020, theo dự báo của Liên Hợp Quốc công bố hôm 16/6. Tổ chức này thậm chí dự kiến mức giảm FDI tồi tệ hơn trong năm 2021, khi nền kinh tế toàn cầu ngấm đòn từ cuộc khủng hoảng dịch Covid-19.

Cụ thể, Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển UNCTAD thuộc Liên Hợp Quốc dự báo dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI trên toàn cầu sẽ giảm từ mức 1,54 nghìn tỷ USD vào năm 2019 xuống dưới 1 nghìn tỷ USD trong năm 2020. Đây là lần đầu tiên trong vòng 15 năm, vốn FDI toàn cầu được dự báo giảm sâu như vậy.

Dòng vốn FDI thậm chí được dự báo tiếp tục giảm thêm 5-10% trong năm 2021, khi nền kinh tế toàn cầu thực sự ngấm đòn sau dịch Covid-19 và chỉ bắt đầu phục hồi trở lại trong năm 2022, trích Báo cáo Đầu tư toàn cầu năm 2020 của UNCTAD.

“Các nền kinh tế toàn cầu đang trải qua cuộc khủng hoảng còn tồi tệ hơn khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008” - trích lời Tổng thư ký UNCTAD Mukhisa Kituyi. “Đại dịch phản ánh một cú sốc cung, cầu và cả những thay đổi chính sách với dòng vốn FDI”.

Ông Muthisa Kituyi cho hay dịch Covid-19 sẽ tác động mạnh đến các nền kinh tế đang phát triển do hàng loạt sự gián đoạn trong các ngành sản xuất chính, giảm thu trong các ngành dịch vụ đặc biệt là du lịch, các nguồn kiều hối và cả hợp đồng thương mại. “Kiểm soát sự lây lan dịch bệnh chỉ là một phần trong số những thách thức lớn mà các nền kinh tế đang phát triển phải đối mặt”.

Ở Châu Á, nơi đại dịch xuất hiện đầu tiên, cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 đã làm nổi bật tầm quan trọng của Trung Quốc như trung tâm sản xuất của toàn cầu. Việc các chính phủ kêu gọi doanh nghiệp đa dạng hóa chuỗi cung ứng, giảm sự phụ thuộc vào một thị trường (Trung Quốc) nhiều khả năng sẽ làm giảm dòng vốn tái đầu tư vào khu vực.

UNCTAD cũng chỉ ra 32 quốc gia kém phát triển không giáp biển trên thế giới đang phải vật lộn với các tác động nặng nề của đại dịch với dòng vốn FDI. Nhất là trong bối cảnh nhiều quốc gia thực hiện đóng cửa biên giới, hạn chế chuyến bay để kiểm soát sự lây lan dịch bệnh, nhưng không thể chuyển sang vận tải đường biển do vị trí không giáp biển. Theo thống kê của UNCTAD, loại hình vận tải đường biển chiếm tới 80% dòng chảy thương mại toàn cầu.

“Lịch sử cho thấy rằng dòng vốn đầu tư quốc tế đóng vai trò chính thúc đẩy sự phục hồi sau mỗi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu” - ông James Zhan, giám đốc đầu tư và doanh nghiệp của UNCTAD cho hay. Nhưng trong bối cảnh hiện tại, với dự báo dòng vốn đầu tư giảm mạnh như vậy, khó có khả năng kinh tế toàn cầu phục hồi nhanh chóng từ cú sốc cung và cầu sau đại dịch.

Báo cáo của UNCTAD cũng chỉ ra dòng vốn FDI toàn cầu tăng nhẹ 3% trong năm 2019, sau 2 mức sụt giảm đáng kể hồi năm 2017-2018. Sự gia tăng chủ yếu là do dòng chảy vốn đến các nền kinh tế phát triển như Mỹ sau khi tác động từ cuộc cải cách thuế năm 2017 do Tổng thống Donald Trump thúc đẩy dần trở nên mờ nhạt.


Thùy Dung
Cùng chuyên mục