Liệu Ấn Độ có đủ sức thay thế Trung Quốc trở thành 'công xưởng của thế giới'?

18/08/2021 15:07 GMT+7
Chuyên gia kinh tế Rupa Subramanya nhận định Trung Quốc cùng với các nền kinh tế láng giềng đang phát triển với tốc độ mạnh mẽ như Việt Nam vẫn sẽ giữ vai trò công xưởng của thế giới trong tương lai gần mà Ấn Độ khó có thể thay thế được.

Trong một bài phân tích tựa đề: “Ấn Độ là lựa chọn thay thế phù hợp khi Bắc Kinh trở nên hung hăng” của cựu Thủ tướng Úc Tony Abbott đăng trên từ The Australian gần đây, ông này lập luận rằng Úc cần thắt chặt quan hệ thương mại và kinh tế với Ấn Độ thông qua tư cách một đối tác cân chủ và đáng tin cậy hơn Trung Quốc.

Trước đó, ông Abbott nhiều lần chỉ trích mạnh mẽ việc các nước phương Tây phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc như một mắt xích trung tâm của chuỗi giá trị toàn cầu. Và vị cựu Thủ tướng Úc không đơn độc. Kể từ khi thương chiến Mỹ - Trung do cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng bùng nổ cho đến nay, ngày càng nhiều ý kiến cho rằng các công ty đa quốc gia phương Tây nên rời xa Trung Quốc, đa dạng hóa thị trường để đảm bảo an toàn chuỗi cung ứng. Đặc biệt là sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát đầu tiên ở Trung Quốc làm lộ nhược điểm của một chuỗi cung ứng lấy Trung Quốc làm mắt xích trung tâm. 

Trong bối cảnh đó, có ý kiến cho rằng về lý thuyết, nền kinh tế Ấn Độ với quy mô hơn 1 tỷ dân là một lựa chọn sáng giá thay thế Trung Quốc. Tuy nhiên, bà Rupa Subramanya, một nhà nghiên cứu và bình luận kinh tế nổi tiếng, đồng thời là thành viên xuất sắc của Quỹ Châu Á Thái Bình Dương tại Canada nhận định rằng thực tế không phù hợp với ý kiến này. 

Liệu Ấn Độ có đủ sức thay thế Trung Quốc trở thành 'công xưởng của thế giới'? - Ảnh 1.

Liệu Ấn Độ có đủ sức thay thế Trung Quốc trở thành 'công xưởng của thế giới'? (Ảnh: Reuters)

Bà Rupa Subramanya trích một báo cáo về chuỗi cung ứng mà ngân hàng Thụy Sĩ UBS công bố hồi tháng 1 năm nay, trong đó chỉ ra rằng hoàn toàn không có dấu hiệu rõ ràng cho thấy các công ty đa quốc gia phương Tây đang rút khỏi Trung Quốc. Theo UBS, mặc dù mức lương ở Trung Quốc hiện cao gấp 3 lần Ấn Độ, nhưng chi phí sản xuất tại Trung Quốc nhìn chung chỉ cao hơn Ấn Độ khoảng 5% do có lợi thế về quy mô kinh tế.

Ngoài nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Ấn Độ là quốc gia lớn duy nhất vắng mặt trong cả hai thỏa thuận thương mại lớn của khu vực châu Á là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) do các nước phương Tây khởi xướng và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do Trung Quốc dẫn đầu.

Không tham gia các hiệp định này đồng nghĩa Ấn Độ mất đi quyền tiếp cận thị trường với mức thuế thấp và khó đón được làn sóng các doanh nghiệp lớn phương Tây muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra bên ngoài Trung Quốc. 

Theo một báo cáo năm 2017 có tựa đề "Tận dụng FTA - Cơ hội đang chờ đợi ngành công nghiệp Ấn Độ" của Deloitte, ít hơn 3% các công ty Ấn Độ đang tận dụng tốt các hiệp định thương mại, một con số rất thấp so với tỷ lệ 80% ở các nước tiên tiến. Nguyên nhân chủ yếu là vì các doanh nghiệp thậm chí không có hiểu biết cụ thể về các chi tiết liên quan đến FTA cũng như lợi thế ưu đãi trong đó. 

Một thước đo  được sử dụng rộng rãi để đánh giá sự hội nhập của nền kinh tế là cơ sở dữ liệu "Thương mại trong chuỗi giá trị gia tăng và toàn cầu" của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Năm 2015, năm cuối cùng dữ liệu này được thống kê, thành phần giá trị gia tăng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Ấn Độ là 34,1%, thấp hơn nhiều tỷ lệ  55,7% của Việt Nam - quốc gia dẫn đầu châu Á. Ấn Độ cũng là quốc gia có thành phần giá trị gia tăng trong tổng kim ngạch xuất khẩu thấp nhất trong số các nền kinh tế lớn của khu vực. 

Chuyên gia kinh tế Rupa Subramanya nhận định Trung Quốc cùng với các nền kinh tế láng giềng đang phát triển với tốc độ mạnh mẽ như Việt Nam vẫn sẽ giữ vai trò công xưởng của thế giới trong tương lai gần mà Ấn Độ khó có thể thay thế được.


NTTD
Cùng chuyên mục