Lộ trình sửa đổi Luật để thực thi EVFTA sẽ như thế nào?
Luật sửa đổi sẽ được trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 2 năm 2021
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, dựa trên kết quả rà soát pháp luật, một số quy định hiện hành trong Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi năm 2009 cần phải được tiến hành sửa đổi, bổ sung ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Tuy nhiên, theo kế hoạch, Luật này cũng sẽ cần phải được sửa đổi, bổ sung một số quy định để phù hợp với Hiệp định CPTPP. Theo đó, dự thảo luật sửa đổi sẽ được trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 2 năm 2021 (do có thời gian chuyển đổi là 3 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực).
Do vậy, để bảo đảm việc sửa đổi luật được tổng thể, toàn diện và nhất quán, Chính phủ dự kiến sẽ kết hợp việc sửa đổi, bổ sung này với cả những nghĩa vụ theo Hiệp định EVFTA để trình Quốc hội xem xét vào năm 2021.
"Như vậy, trong thời gian từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực cho đến khi Luật sửa đổi của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi năm 2009 chính thức có hiệu lực, các nghĩa vụ theo Hiệp định EVFTA sẽ được áp dụng trực tiếp thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc phê chuẩn EVFTA", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay.
Ngoài ra, những cam kết dự kiến cũng sẽ được đưa vào Nghị quyết của Quốc hội để áp dụng trực tiếp trong thời gian sửa Luật. Cụ thể là các nội dung liên quan đến hiệu lực của nhãn hiệu, giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, quy định liên quan đến kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm là bộ phận của sản phẩm phức hợp,… sẽ được chi tiết hóa để bảo đảm việc thực thi được nhất quán, rõ ràng, thuận lợi.
Về lộ trình sửa đổi đối với Luật Kinh doanh bảo hiểm, ông Trần Tuấn Anh cho hay, Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi năm 2010 liên quan đến việc cho phép thành lập chi nhánh công ty tái bảo hiểm nước ngoài để bảo đảm phù hợp với cam kết trong Hiệp định EVFTA và cam kết này có thời gian chuyển đổi là 3 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
"Hiện Chính phủ đang đề xuất trình Quốc hội xem xét Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ hai năm 2021 của Quốc hội khóa XV. Việc sửa đổi này sẽ bao gồm cả nghĩa vụ theo Hiệp định EVFTA", lãnh đạo Bộ Công Thương chia sẻ.
Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi, Luật Công đoàn có cần sửa?
Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, nhiều cử tri, ĐBQH bày tỏ sự quan tâm với việc Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi với những sửa đổi, bổ sung để phù hợp với cả Hiệp định CPTPP và EVFTA. Vậy Luật Công đoàn có cần sửa đổi để bảo đảm phù hợp với cam kết trong các Hiệp định này không?
Nhận định về vấn đề này, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, nhiều nội dung của các Công ước của ILO (Tổ chức Lao động Quốc tế) đều đã được nội luật hóa trong Bộ luật Lao động sửa đổi và cũng sẽ được quy định hướng dẫn chi tiết hơn trong các văn bản hướng dẫn thực thi Bộ luật mà hiện Chính phủ đang xây dựng.
"Đối với Luật Công đoàn, hiện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đang xây dựng dự thảo sửa đổi. Theo quan điểm của Chính phủ, để bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ giữa các luật hiện hành trong nước, việc sửa đổi Luật Công đoàn đối với những nội dung đã được sửa đổi, bổ sung trong Bộ luật Lao động là điều cần thiết", Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh thông tin.
Bên cạnh đó, cũng theo ông Trần Tuấn Anh, hiện tại, vấn đề được dư luận hết sức quan tâm là những văn bản pháp luật phải sửa đổi hoặc ban hành ngay để phù hợp với cam kết. Theo đó, nhiều ĐBQH đã đặt câu hỏi về việc Chính phủ có kế hoạch như thế nào để kịp thời ban hành ngay tại thời điểm Hiệp định có hiệu lực?
"Theo kết quả rà soát pháp luật, một số các văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ và các Bộ, ngành cần phải có hiệu lực ngay vào thời điểm Hiệp định EVFTA có hiệu lực, ví dụ như biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi, mua sắm của Chính phủ, quy tắc xuất xứ…
Do vậy, để bảo đảm có đầy đủ cơ sở pháp lý cho việc thực thi Hiệp định, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành khẩn trương chủ động rà soát để có thể tiến hành ngay việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật ở cấp Chính phủ, bảo đảm các văn bản này được ban hành đúng thời điểm Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Trong trường hợp cần thiết, Chính phủ cũng sẽ xem xét việc ban hành theo thủ tục rút gọn đối với các văn bản này", ông Trần Tuấn Anh thông tin thêm.