Lợi nhuận tăng nhanh như thổi, "đại gia" chăn nuôi Dabaco vẫn “còng lưng” gánh nợ
Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) vừa công bố báo cáo tài chính quý III với tăng trưởng đột biến.
Dabaco lãi sau thuế gấp tới 24 lần cùng kỳ
Cụ thể, doanh thu thuần tăng 41% lên 2.550 tỷ đồng trong quý III. Khấu trừ chi phí, lợi nhuận trước thuế là 428 tỷ đồng, gấp gần 12 lần. Lãi sau thuế Dabaco thu về gấp 20 lần cùng kỳ, lên gần 387 tỷ đồng.
Kết quả đột biến của Dabaco chủ yếu do biên lợi nhuận gộp tăng vọt. Trong quý III, tỷ lệ này đạt gần 27%, hơn gấp đôi so với cùng giai đoạn năm 2019. Các khoản chi phí hoạt động của Dabaco cũng tăng, nhưng tỷ trọng không quá lớn.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu của Dabaco đạt gần 7.155 tỷ đồng, tăng khoảng 40% so với năm trước. Tuy nhiên, tương tự quý III, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp này gấp hơn 16 lần cùng kỳ, đạt 1.231 tỷ đồng và lãi sau thuế gấp 24 lần cùng kỳ với 1.137 tỷ đồng.
So với mục tiêu doanh thu 13.203 tỷ và lãi 457 tỷ đồng đề ra từ đầu năm, kết quả 9 tháng của Dabaco mới hoàn thành một nửa chặng đường về doanh thu nhưng đã vượt gần 150% chỉ tiêu cả năm về lợi nhuận.
Trong buổi gặp chuyên gia phân tích mới đây, Dabaco cho biết mảng chăn nuôi lợn đóng góp 42% doanh thu của toàn tập đoàn. Kết quả này một phần nhờ các trại nuôi mới được đưa vào hoạt động đúng thời điểm giá lợn hồi phục và duy trì mức cao. Sản lượng lợn thịt bán ra chỉ tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, nhưng thu về 2.640 tỷ đồng, cao hơn 111%. Sản lượng lợn giống giảm 5% còn 131.000 con nhưng doanh thu vẫn tăng 72%.
Công ty cho biết nhờ sự phục hồi của ngành chăn nuôi giúp các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi và công ty chăn nuôi trong tập đoàn hoạt động có hiệu quả. Nếu so sánh cùng kỳ năm ngoái cũng thấp do chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi.
Bên cạnh đó, một số dự án đi vào hoạt động có hiệu quả khác như Nhà máy dầu thực vật Dabaco, Nhà máy chế biến trứng ăn liền DeVi, Khu chăn nuôi lợn công nghệ cao Dabaco Tuyên Quang…
Vẫn "còng lưng" gánh nợ
Đến cuối quý III, Dabaco có tổng nguồn vốn hơn 10.200 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này đạt gần 4.000 tỷ đồng, với gần 1.000 tỷ lợi nhuận chưa phân phối.
Điều đáng nói, cùng với tiềm lực tài chính lớn, quy mô nợ của Dabaco cũng đang chiếm "áp đảo" trong bức tranh tài chính của doanh nghiệp này.
Theo đó, nợ phải trả của Dabaco là 6.270 tỷ đồng, lớn gấp 1,6 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ ngắn hạn lên tới 4.396 tỷ đồng, chiếm 70% tổng giá trị nợ, riêng giá trị vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 2.563 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính dài hạn là 1.523 tỷ đồng.
Việc giải quyết các khoản nợ ngắn hạn của Công ty phải phụ thuộc phần lớn vào tài sản chính là hàng tồn kho bởi tính đến cuối tháng 9/2020, hàng tồn kho là khoản mục có giá trị nhất 3.477 tỷ đồng nhưng có đến 2.488 tỷ đồng là "chi phí sản xuất kinh doanh dở dang".
Trong khi đó, những tài sản ngắn hạn có thanh khoản cao hơn như tiền chỉ còn 310 tỷ đồng; các khoản đầu tư tài chính 599 tỷ đồng và phải thu của khách hàng 226 tỷ đồng.
Điều này cho thấy, gánh nặng nợ nần trên vai Dabaco còn rất lớn.