Lý do giúp xuất khẩu cá ngừ sang Peru tăng vọt
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, Xuất khẩu (XK) cá ngừ của Việt Nam năm 2022 đạt 6,4 triệu USD, tăng 139% so với năm 2021, và đạt mức cao nhất trong vòng 10 năm qua.
Đáng chú ý, xu hướng tăng trưởng này vẫn tiếp tục trong những tháng đầu năm 2023, giá trị XK trong 2 tháng đầu năm đạt hơn 2,2 triệu USD, tăng 123% so với cùng kỳ năm 2022. Việt Nam hiện đang XK chủ yếu các sản phẩm cá ngừ chế biến và đóng hộp sang thị trường này.
Theo Hiệp Hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2022, hiện tượng La Nina - một mô hình khí hậu mô tả sự nguội đi của bề mặt nước biển dọc theo bờ biển nhiệt đới phía tây của Nam Mỹ, đã ảnh hưởng sâu sắc tới ngành cá ngừ Peru kể từ cuối năm 2021. Điều này khiến sản lượng đánh bắt cá ngừ của nước này giảm và chi phí tăng đáng kể.
Bên cạnh đó, những bất ổn về chính trị tại Peru đã cản trở sự tăng trưởng của ngành đánh bắt nước này. Chính vì thế nước này cũng đang tăng cường NK cá ngừ từ các nước, trong đó có Việt Nam.
Tại thị trường Peru, Việt Nam từ vị trí là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 5 trong năm 2021 đã vươn lên vượt qua Trung Quốc trở thành nguồn cung lớn thứ 4.
Các chuyên gia dự báo, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2023 sẽ chưa thể khởi sắc khi mà nền kinh tế thế giới có thể rơi vào suy thoái trong năm nay.
Nhận định về thị trường cá ngừ những tháng đầu năm 2023, VASEP cho rằng xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do lạm phát tăng cao, thói quen của người tiêu dùng thay đổi, chú trọng hơn vào những sản phẩm có giá bán rẻ hơn. Ngoài ra chi phí đầu vào đánh bắt vẫn cao, chưa gỡ được "Thẻ vàng IUU"; chi phí nhiên liệu cho khai thác thủy sản... vẫn là những trở ngại cho ngành cá ngừ.
Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang các thị trường có ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang rất khả quan. VASEP kỳ vọng các FTA sẽ là động lực thúc đẩy xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam và dự báo nhu cầu của thị trường có thể sẽ dần phục hồi trong nửa cuối năm 2023.
Theo đó, xuất khẩu cá ngừ của nước ta lạc quan tin tưởng sẽ có sự tăng trưởng khả quan trong nửa cuối năm nay.
Việt Nam hiện có trữ lượng và tiềm năng khai thác lớn đối với cá ngừ - mặt hàng vốn được tiêu thụ rộng rãi tại nhiều quốc gia. Hiện có 9 loài cá ngừ phân bố ở các vùng biển Việt Nam, bao gồm nhóm cá ngừ đại dương và cá ngừ nhỏ ven bờ; trữ lượng ước tính khoảng 600.000 tấn, trong đó cá ngừ sọc dưa chiếm hơn 50%; Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa là 3 tỉnh khai thác lớn nhất.
Với nguồn nguyên liệu ổn định, năng lực chế biến đang dần tăng lên, các doanh nghiệp cá ngừ Việt Nam cần tiếp tục tăng cường xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng và tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do để đưa ngành bứt tốc và về đích thành công.