Lý do SSI Research nâng giá mục tiêu cổ phiếu IMP lên 88.200 đồng/cp
Kết thúc quý II/2023, Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm (HoSE: IMP) nối dài đà phục hồi mạnh mẽ từ nửa cuối năm 2022 với doanh thu quý II/2023 ấn tượng đạt 440 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ. Kết quả này khá gần với ước tính lợi nhuận sau thuế của các chuyên gia SSI là 85 tỷ đồng trong báo cáo ước tính kết quả kinh doanh quý II.
Tỷ suất lợi nhuận gộp trong quý II/2023 là 44%. Tuy tỷ suất lợi nhuận gộp không cao bằng quý trước (48% trong quý I/2023) nhưng cao hơn so với cùng kỳ (quý II/2022 ghi nhận 40%).
Tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý trên doanh thu của công ty giảm từ 24% xuống còn 22% so với cùng kỳ. Nhờ đó, IMP ghi nhận lợi nhuận ròng cao kỷ lục là 80 tỷ đồng (tăng 71% so với cùng kỳ), với biên lợi nhuận ròng cũng đạt mức kỷ lục là 18%.
Kết quả kinh doanh cho thấy, kênh bệnh viện đạt kết quả tốt trong khi tăng trưởng bán lẻ suy giảm. Sau khi bị ảnh hưởng nặng nề trong đại dịch, kênh bệnh viện đã nhanh chóng phục hồi nhờ bệnh viện mở cửa trở lại và nhu cầu về thuốc điều trị bệnh hậu Covid tăng lên (doanh thu nửa đầu năm 2023 tăng 118% so với cùng kỳ).
Tuy nhiên, các chuyên gia SSI lưu ý rằng, các giao dịch với bệnh viện thường phức tạp hơn, với số ngày phải thu cao hơn và tỷ suất lợi nhuận thấp hơn so với việc bán lẻ.
Mặt khác, tốc độ tăng trưởng kênh bán lẻ đã giảm xuống chỉ còn tăng 14% so với cùng kỳ trong quý II/2023, nhưng vẫn cao hơn so với một số đối thủ cùng ngành. Cụ thể, CTCP Dược Hậu Giang (HoSE: DHG) chỉ đạt mức tăng trưởng doanh thu là 3% so với cùng kỳ trong khi CTCP Traphaco (HoSE: TRA) ghi nhận mức tăng trưởng âm 10% so với cùng kỳ. Nền kinh tế yếu đã ảnh hưởng đến mức chi tiêu của người tiêu dùng và xu hướng này có thể sẽ còn tiếp diễn cho đến cuối năm.
Thuốc chuẩn Thực hành sản xuất tốt theo tiêu chuẩn châu Âu (EU GMP) đang tạo lợi thế cạnh tranh. Hiện, công ty có 11 dây chuyền sản xuất thuốc đạt chứng nhận EU GMP, nhiều nhất trong các công ty có nhà máy tại Việt Nam. Sản phẩm EU GMP chiếm 40% doanh thu của IMP trong năm 2022, nhưng công suất hoạt động của các dây chuyền mới chỉ đạt khoảng 10% - 15% ở mỗi nhà máy.
Dây chuyền sản xuất được đầu tư liên tục từ 2016 tới nay nhưng IMP mới chỉ có 12 hồ sơ đăng ký thuốc chuẩn EU GMP (tính đến hết năm 2022) do thủ tục đăng ký thường khá lâu và Covid khiến xét duyệt hồ sơ chậm trễ hơn.
Do vậy, các chuyên gia SSI kỳ vọng số lượng hồ sơ đăng ký sẽ tăng nhanh hơn trong thời gian tới, nhờ vậy sẽ tạo lợi thế hơn trong các chương trình cung ứng thuốc cho các cơ sở y tế công lập. Các sản phẩm đạt EU GMP của công ty được phép đưa vào danh mục đấu thầu cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu chất lượng cao có giá bán đắt hơn 20 - 30% (Nhóm 1&2 – chi tiết tại Phụ lục phân loại).
Theo ước tính của SSI Research, nhóm 1&2 hiện chiếm ít nhất một nửa tổng giá trị thuốc đấu thầu tại bệnh viện, nhưng chỉ khoảng 5% trong số đó được sản xuất trong nước. IMP là một trong 15 công ty có cơ sở sản xuất trong nước đạt tất cả các yêu cầu để tham gia đấu thầu thuốc trong nhóm này. Ngoài ra, nhà máy EU GMP cũng sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu cho IMP.
Định hướng của IMP được hỗ trợ bởi chính sách của Nhà nước. Các chính sách đưa ra với định hướng thị phần thuốc sản xuất trong nước phải đạt 75% về số lượng và 60% về giá trị vào năm 2025, từ mức 60% và 45% như hiện tại (theo Quyết định số 376/QĐ-TTg năm 2021).
Theo một điều khoản được đưa vào Luật Đấu thầu (số 22/2023/QH15), nếu một sản phẩm trong danh mục được Bộ Y Tế công bố có ít nhất ba hãng sản xuất trong nước đạt tiêu chuẩn EU-GMP hoặc tương đương thì nhà thầu chỉ chào thầu thuốc xuất xứ trong nước.
Ngoài ra, Thông tư 03/2019/TT-BYT của Bộ Y tế cũng đã ban hành một danh mục thuốc mà nhà thầu không được chào thuốc nhập khẩu mà chỉ được chào thuốc sản xuất trong nước. Chúng tôi cho rằng nhờ những chính sách như trên, IMP-với 42% doanh thu từ kênh bệnh viện, sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh so với thuốc nhập khẩu.
Cho giai đoạn 2023 - 2027, IMP đặt kế hoạch tăng trưởng kép (CAGR) đối với doanh thu và lợi nhuận trước thuế là 16%, với mục tiêu doanh thu năm 2027 đạt 3,2 nghìn tỷ đồng. Nhìn lại giai đoạn 2018 - 2022, công ty đã ghi nhận CAGR doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 14% và 13%, bất chấp đại dịch diễn ra trong năm 2020 - 2021 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với toàn ngành dược phẩm.
Các dây chuyền sản xuất EU GMP khi tăng công suất sẽ mang lại nhiều doanh thu và biên lợi nhuận của IMP có thể cải thiện hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia SSI cho rằng, trước mắt nửa cuối năm nay, IMP có thể không đạt được kết quả cao như nửa đầu năm do tiêu dùng yếu và mức nền kết quả cao trong năm trước (tháng 6/2023 ghi nhận doanh thu giảm 5% so với năm ngoái).
Do đó, SSI Research ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 1,8 nghìn tỷ đồng (tăng12% so với cùng kỳ) và 283 tỷ đồng (tăng 27% so với cùng kỳ, từ 1,7 nghìn tỷ đồng và 260 tỷ đồng) trong năm 2023, cao hơn một chút so với kế hoạch của công ty.
Trong năm 2024, các chuyên gia SSI ước tính doanh thu và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 2,1 nghìn tỷ đồng (tăng15% so với cùng kỳ) và 324 tỷ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ). IMP hiện đang giao dịch ở mức P/E 2023 và 2024 lần lượt là 17x và 14x, thấp hơn mức trung bình 5 năm là 20x.
Do đó, SSI đưa ra mức giá mục tiêu 1 năm cho IMP là 82.000 đồng/cổ phiếu khi kết hợp giữa phương pháp DCF và P/E mục tiêu 20x (từ P/E mục tiêu trước đó là 15x), tốc độ tăng trưởng kép CAGR là 20% trong giai đoạn 2023 - 2024.
Với tổng mức sinh lời tiềm năng là 19% (bao gồm tỷ suất cổ tức là 2%), các chuyên gia SSI khuyến nghị KHẢ QUAN đối với cổ phiếu IMP. Kết thúc phiên giao dịch ngày 17/8, cổ phiếu IMP giảm 0,3% còn 69.600 đồng/cổ phiếu.