May Sông Hồng chốt danh sách thưởng cổ phiếu tỷ lệ 50%
Cụ thể, May Sông Hồng dự kiến phát hành hơn 37,5 triệu cổ phiếu thưởng, tương ứng tỷ lệ 2:1 (50%), tức cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu được nhận 1 cổ phiếu mới. Nguồn thực hiện lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối được xác định tại ngày 31/12/2024 theo báo cáo tài chính kiểm toán.
Theo thông báo, cổ phiếu phát hành thêm không bị hạn chế chuyển nhượng, thời gian triển khai dự kiến trong năm 2025, sau khi UBCKNN xác nhận hồ sơ đầy đủ.
Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ May Sông Hồng sẽ tăng từ hơn 750 tỷ đồng lên 1.125 tỷ đồng.

Theo báo cáo thường niên, tính đến cuối năm 2024, Chủ tịch HĐQT Bùi Đức Thịnh đang là cổ đông lớn nhất tại May Sông Hồng khi sở hữu 179,34 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 23,91%. Ngoài ra, Tổng Giám đốc Bùi Việt Quang sở hữu 85,12 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 11,35%. Bên cạnh đó, CTCP Chứng khoán FPT sở hữu 95,92 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 39,3%.

Tự tin về thị trường, May Sông hồng giữ nguyên chính sách cổ tức
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025 với doanh thu 5.500 tỷ đồng, tăng 4% so với 2024. Lợi nhuận trước thuế dự kiến 600 tỷ đồng, tăng 11% so với năm trước.
Đáng chú ý, tại đại hội, chia sẻ về tình hình năm 2025, đại diện May Sông Hồng cho biết, trước chính sách thuế quan của Mỹ, đơn hàng có thể bị cắt giảm, tuy nhiên công ty sẽ đón nguồn hàng từ Trung Quốc chuyển sang nên vẫn hy vọng khả quan. Hiện, May Sông hồng đã xác nhận đơn hàng đến cuối năm.
Trong quý I/2025, Công ty ghi nhận doanh thu 1.036 tỷ đồng và lãi trước thuế 109 tỷ đồng, lần lượt tăng 34% và 75% so với cùng kỳ, đều thực hiện 19% kế hoạch năm.
Năm 2025, May Sông Hồng dự kiến duy trì tỷ lệ cổ tức tiền trong khoảng 30-45%, tùy thuộc kết quả kinh doanh. Dữ liệu cho thấy, giai đoạn năm 2018 đến nay, May Sông Hồng giữ mức chi cổ tức bằng tiền với tỷ lệ từ 25-45%. Đặc biệt, riêng năm 2021 còn chia thêm cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 2:1.
Trả lời chất vấn của cổ đông về chính sách cổ tức, May Sông Hồng cho biết, thị trường hiện nay không quá bi quan, trong khi có nhiều cơ hội đón đơn hàng từ Trung Quốc chuyển sang.
Ban lãnh đạo May Sông Hồng quyết định giữ nguyên chỉ tiêu tài chính năm 2025 và vẫn tin sẽ đạt được kế hoạch mục tiêu. May Sông Hồng chưa có thay đổi gì về chính sách cổ tức. Việc mua lại cổ phiếu quỹ, HĐQT sẽ phải cân nhắc rất kỹ.
Liên quan đến biến động của chuỗi giá trị ngành may toàn cầu sau "cơn địa chấn" thuế quan, May Sông Hồng đánh giá, Việt Nam vẫn là nước được hưởng lợi vì người lao động Việt Nam thông minh, khéo léo.
Các đối thủ nhu Bangladesh, Indonesia...tuy nhiên phải có thời gian mới khẳng định được việc đầu tư tại các nước đó có hiệu quả hay không. Thuế quan là sức ép cho tất cả, vì vậy không dễ dàng dịch chuyển thị trường sản xuất. Châu Á vẫn là thị trường cạnh tranh hơn cả vì lợi thế về năng lực sản xuất và khả năng đáp ứng các dịch vụ.
Việt Nam là trung tâm sản xuất lớn của thế giới, cùng với Indonesia, Bangladesh; do đó khách hàng, đối tác sẽ không bỏ Việt Nam. So với các nước bạn, Việt Nam có lợi thể về chất lượng lao động (khéo léo, ham làm).
Trong thời gian tới, Việt Nam tập trung các biện pháp tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm...chắc chắn VN sẽ vẫn giữ vững lợi thế cạnh tranh.