Tuyên bố điều tra Meituan về cáo buộc độc quyền được đưa ra hôm 26/4, ít ngày sau khi tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc Alibaba phải chịu mức phạt kỷ lục 18,2 tỷ NDT (2,8 tỷ USD) vì hành vi tương tự.
Các công ty thương mại điện tử lọt vào tầm ngắm của cơ quan quản lý Trung Quốc vì đã lợi dụng sức mạnh thị trường để đưa ra chiến thuật bán hàng tạm gọi là “chọn một trong hai”. Chiến thuật buộc người bán hàng trên nền tảng này phải ký một thỏa thuận độc quyền không cung cấp sản phẩm trên nền tảng khác của đối thủ. Giới chức Bắc Kinh quan ngại hành động như vậy sẽ bóp méo môi trường kinh doanh, gây thiệt hại cho quyền lợi người tiêu dùng.
Khi Meituan bị nghi ngờ tham gia chiến thuật “chọn một trong hai”, “nghiễm nhiên công ty trở thành mục tiêu điều tra tiếp theo” - trích lời bà Angela Zhang, giám đốc Trung tâm Luật Trung Quốc tại Đại học Hồng Kông.
Trong 2 tuần qua, trên thị trường Hong Kong, vốn hóa thị trường của Meituan đã bốc hơi 38,96 tỷ USD sau khi bị Bắc Kinh siết chặt giám sát pháp lý. Giá cổ phiếu của Meituan có thời điểm giảm mạnh 16% kể từ hôm 26/4 trước khi khởi sắc nhẹ, tăng 2,5% trong phiên giao dịch 12/5, chấm dứt chuỗi giảm 10 ngày liên tiếp.
Theo Wall Street Journal, Meituan hiện là công ty công nghệ có vốn hóa thị trường lớn thứ ba Trung Quốc (khoảng 200 tỷ USD), chỉ sau nhà phát triển trò chơi điện tử giải trí Tencent và tập đoàn thương mại điện tử Alibaba.
Mức phạt theo luật chống độc quyền của Trung Quốc hiện tại nằm trong khoảng 1-10% doanh thu năm. Như vậy, số tiền phạt mà Meituan phải đối mặt có thể lên tới ngót nghét 12 tỷ NDT trên tổng doanh thu 114,8 tỷ NDT năm 2020.
“Nếu khoản phạt tiền phạt tương đương mức 4% doanh thu năm trước như trường hợp của Alibaba, mức phạt dành cho Meituan ước tính 4,6 tỷ NDT”, trích báo cáo của các nhà phân tích Jialong Shi và Thomas Shen từ Nomura.
Bên cạnh cuộc điều tra độc quyền có nguy cơ dẫn tới một khoản phạt hàng tỷ Nhân dân tệ, Meituan cũng phải đối mặt với hàng loạt lùm xùm xung quanh.
Một quan chức Cục An sinh xã hội Bắc Kinh là Wang Lin tháng trước đã thử nghiệm một buổi làm tài xế cho Meituan và kiếm được chỉ 41 NDT (6,37 USD) cho một ca làm việc trong 12 tiếng. Ngay sau đó, Cục này đã để mắt đến điều kiện làm việc của các tài xế Meituan.
Động thái này buộc Meituan tổ chức hàng loạt cuộc họp trực tiếp với các nhân viên giao hàng trong nỗ lực cải tiến quy trình làm việc, đảm bảo quyền và lợi ích cho người lao động.
Một vụ việc khác đến từ một nhóm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng - Hội đồng Người tiêu dùng Thượng Hải. Nhóm này đã lên tiếng chỉ trích Meituan vì thu các khoản phí không hợp lệ tính lên người bán - điều có khả năng làm tăng giá hàng hóa mà người tiêu dùng phải trả.
“Vụ việc (khởi động điều tra) Meituan cho thấy các cơ quan chống độc quyền sẽ không dừng lại” - nhận định của bà Angela Zhang về nỗ lực “đàn áp” công nghệ của chính phủ Bắc Kinh.
Theo giáo sư Richard Wolff từ Đại học Massachusetts, Trung Quốc đồng quan điểm với các nước châu Âu trên phương diện này. Trong khi châu Âu đang thảo luận quy định chống độc quyền, các động thái cứng rắn của Trung Quốc gửi đi một thông điệp nóng rằng họ sẽ không dung túng cho hiện tượng phản cạnh tranh như những gì diễn ra ở Mỹ.
“Trung Quốc phát cảnh báo rằng họ đã và đang thực thi luật chống độc quyền nhằm kiềm chế chính các tập đoàn công nghệ lớn trong nước. Nếu một công ty buộc khách hàng ký thỏa thuận ‘chọn một trong hai” và không bán hàng trên nền tảng của đối thủ, đó sẽ là hành vi vi phạm luật chống độc quyền điển hình. Nó kìm hãm khả năng cạnh tranh lành mạnh và làm tổn thương người tiêu dùng” - tờ Barrons trích lời giáo sư Eleanor M. Fox, cựu chuyên gia chống độc quyền tại Bộ Tư pháp Mỹ.
Với những doanh nghiệp sức mạnh thị trường yếu, một số hành vi tương tự được coi là hợp pháp. Chỉ khi nào công ty nắm giữ khoảng 50% thị phần thị trường trong một lĩnh vực nhất định, các chiến thuật như “chọn một trong hai” mới bị coi là bất hợp pháp vì gây bất lợi cho nền kinh tế.
“Tuy nhiên, ngành công nghệ internet Trung Quốc đã nở rộ nhanh chóng đến mức một số công ty tiếp tục áp dụng các biện pháp độc quyền bất chấp sức mạnh thị trường ngày càng tăng. Một phần nguyên nhân là do trong vài năm trước đó, cơ quan quản lý đã lơ là thực thi quy định” - ông François Renard, người đứng đầu công ty luật quốc tế Allen & Overy's Greater China Antitrust Practice cho hay.
Các nhà chức trách Trung Quốc đang ban hành văn bản hướng dẫn luật với kỳ vọng doanh nghiệp tự nắm bắt và thực thi hiệu quả quy định chống độc quyền. Sau khoản tiền phạt kỷ lục mà Alibaba phải trả, thực trạng tuân thủ luật có tín hiệu được cải thiện rõ rệt. Nhiều công ty đã thuê chuyên gia tư vấn luật cấp cao để thảo luận về vấn đề này.
Khi thực tiễn pháp lý trong nước ngày càng tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế, các công ty công nghệ đại lục cũng có cơ sở thích ứng tốt hơn với cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu. “Nếu họ có năng lực duy trì lợi nhuận, cạnh tranh lành mạnh và cải thiện dịch vụ để bù đắp áp lực chống độc quyền từ Bắc Kinh, họ sẽ chiến thắng. Khả năng thành công trên thị trường toàn cầu sẽ lớn hơn nhiều”, theo ông Frank Fine, giám đốc Viện Đầu tư và Chống độc quyền Quốc tế trực thuộc Đại học Khoa học Luật - Chính trị Trung Quốc.