Mở cửa sản xuất trở lại, nhà máy Trung Quốc vẫn lo phá sản vì nỗi ám ảnh Covid-19
Chính phủ Bắc Kinh đã dỡ bỏ hầu hết lệnh hạn chế giao thông và phong tỏa tỉnh thành sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát tại Trung Quốc. Đa số các nhà máy trên toàn quốc ngoại trừ tỉnh Hồ Bắc đã mở cửa trở lại, truyền thông nhà nước đưa tin. Nhưng đúng vào lúc kinh tế Trung Quốc tưởng chừng sắp hồi phục, tình hình đại dịch lan rộng ra toàn cầu đã gây nên làn sóng giảm mạnh các đơn đặt hàng từ Mỹ và châu Âu.
Claudia Luo, giám đốc điều hành của một nhà sản xuất phụ tùng ô tô và khuôn mẫu công nghiệp có trụ sở tại Quảng Đông cho biết tình hình dịch bệnh và sự sụt giảm nhu cầu ở châu Âu là rất đáng lo ngại với doanh nghiệp này. “Tháng trước, chúng tôi chủ yếu lo lắng về các vấn đề ở khâu sản xuất. Chúng tôi tưởng rằng những khó khăn sẽ được giải quyết khi nhà máy mở cửa trở lại. Nhưng giờ đây, khi dịch bệnh lan rộng ra toàn thế giới. Chúng tôi bắt đầu lo sợ rằng sự sụt giảm nhu cầu trên thị trường quốc tế sẽ gây ra thiệt hại to lớn”.
“Ban đầu, chúng tôi đặt mục tiêu doanh số 200 triệu NDT (khoảng 28,6 triệu USD) trong quý I.2020. Nhưng giờ đây, chúng tôi buộc phải hạ doanh số mục tiêu xuống chưa đầy một nửa con số này. Chúng tôi chưa nhận được đơn hàng nào từ Mỹ và Châu Âu. Hầu hết các đơn hàng đến từ khu vực Đông Nam Á” - bà Luo chia sẻ.
Chưa đến 50% trong số 9.000 lao động chính thức của nhà máy trở lại làm việc, bà Luo nói thêm, dù bà kỳ vọng năng suất sản xuất sẽ phục hồi hoàn toàn vào cuối tháng 3.
Xin Guobin, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Trung Quốc hôm 13/3 cho hay có khoảng 60% doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng 95% doanh nghiệp lớn đã hoạt động trở lại, chưa bao gồm các doanh nghiệp ở Hồ Bắc. Tuy nhiên, ngay cả tại các doanh nghiệp lớn, ước tính mới chỉ có khoảng 80% lực lượng lao động trở lại làm việc, theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Công nghệ Thông tin Đại học Thanh Hoa.
Ông Jason Ding, chủ một công ty thương mại ở Quảng Châu chuyên xuất khẩu phụ tùng xe hơi sang Châu Phi cho hay: “Các nhà cung cấp ở Quảng Đông đã hoạt động trở lại. Nhưng một số nhà cung cấp ở tỉnh An Huy, Hà Nam và Hà Bắc vẫn chưa được phép trở lại sản xuất. Tôi chỉ mới hoàn tất 2 container hàng xuất khẩu với trị giá 1,2 triệu NDT (khoảng 171.000 USD) trong tháng này, ít hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Tính trong vòng 11 tháng đầu năm 2019, doanh nghiệp tôi đã xuất khẩu các lô hàng với trị giá 50 triệu NDT (khoảng 7’1 triệu USD).”
“Sự bùng phát dịch Covid-19 trên toàn cầu có thể tác động tiêu cực đến doanh số và lượng đơn hàng của chúng tôi trong quý II - quý II. Nếu dịch bệnh kéo dài qua tháng 6 hoặc lâu hơn, các nhà nhập khẩu nước ngoài sẽ giảm lượng mua hàng khi nhu cầu toàn cầu giảm” - ông Jason Ding nói thêm.
Ông Peng Peng, Chủ tịch Hiệp hội Cải cách Quảng Đông cho biết việc khôi phục và tăng tốc sản xuất đang gặp phải một số trở ngại ở nhiều khu vực, khi chính quyền các cấp địa phương vẫn giữ những quy định nghiêm ngặt như cách ly bắt buộc 14 ngày với lao động nhập cư. Ngoài ra, chi phí điều trị cho mỗi công nhân bị nhiễm Covid-19 có thể lên tới 200.000 NDT (khoảng 2.800 USD) và do doanh nghiệp chi trả. Chi phí này có thể khiến các doanh nghiệp nhỏ lo sợ và không mở cửa sản xuất trở lại chừng nào dịch bệnh thực sự qua đi.
Tom Zhong, giám đốc điều hành một doanh nghiệp sản xuất hợp đồng ở Đông Quan, chuyên sản xuất túi và vali cho các thương hiệu Mỹ và châu Âu cho biết ban đầu ông ước tính nhà máy sẽ hoạt động trở lại ngay trong tháng này, nhưng đã phải đẩy lùi kế hoạch khi các đơn hàng giảm mạnh.
“Đầu tháng 1/2020, chúng tôi đã khảo sát 275 doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Quảng Đông, gồm 176 doanh nghiệp sản xuất và 89 công ty dịch vụ. 60% trong đó cho biết đang trên bờ vực phá sản do các khoản nợ khổng lồ. Đại dịch Covid-19 chỉ làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn” - ông Peng Peng nhận định.