Một mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất sang Trung Quốc giảm thê thảm hàng chục triệu USD

30/03/2022 11:37 GMT+7
Từ đầu năm đến ngày 15/3, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng rau quả chỉ đạt 667,4 triệu USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương giảm gần 80 triệu USD, giảm này do trước kia phần lớn rau quả Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc...

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả trong nửa đầu tháng 3 chỉ đạt gần 161 triệu USD, giảm hơn 11% so với cùng kỳ 2021.

Tính chung từ đầu năm đến ngày 15/3, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng rau quả chỉ đạt 667,4 triệu USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương giảm gần 80 triệu USD.

Phần lớn rau quả Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc do đó, việc sụt giảm kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này không quá bất ngờ. Suốt thời gian qua, cụ thể từ cuối năm 2021 đến nay, Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát dịch gây khó khăn cho việc xuất nhập khẩu rau quả và các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam trên các địa bàn các tỉnh biên giới phía Bắc.

Mặt hàng rau quả đã giảm mạnh kim ngạch xuất khẩu từ tháng 2 vừa qua. Trong tháng 2/2022, xuất khẩu hàng rau quả chỉ đạt 217 triệu USD, giảm 14,3% so với tháng 2/2021. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam đạt 508,7 triệu USD, giảm 9,6% so với năm 2021.

Một mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất sang Trung Quốc giảm thê thảm hàng chục triệu USD - Ảnh 1.

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Một mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất sang Trung Quốc giảm thê thảm hàng chục triệu USD - Ảnh 2.

Nguồn: Tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan

Xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường lớn nhất là Trung Quốc đã giảm mạnh trong 2 tháng đầu năm 2022, đạt 261,2 triệu USD, giảm 25,8% so với cùng kỳ năm 2021. Tháng 3, đà giảm vẫn tiếp tục diễn ra. Xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc gặp khó khăn do bị ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới đường bộ phía Bắc. 

Bên cạnh đó, từ ngày 01/01/2022 việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc phải thực hiện theo Lệnh 248 và Lệnh 249 về quản lý giám sát an toàn thực phẩm của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. 

Việc thực hiện các quy định này vẫn còn gặp nhiều trở ngại do hệ thống đăng ký doanh nghiệp nước ngoài trực tuyến của Hải quan Trung Quốc mới vận hành, nên tốc độ truy cập chậm, ngôn ngữ tiếng Trung, giao diện khó theo dõi… 

Việc phê duyệt mã sản phẩm của Tổng cục Hải quan Trung Quốc còn chậm và chưa có quy định về thời gian phê duyệt cấp mã số đăng ký doanh nghiệp. 

Một mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất sang Trung Quốc giảm thê thảm hàng chục triệu USD - Ảnh 3.

Cửa khẩu chưa được khai thông cũng khiến cho giá nông sản trong nước giảm mạnh. Giá thanh long ngày 29/3 vẫn đứng ở mức 7.000-8.000 đồng/kg, mặc dù có tăng so với thời gian trước nhưng với mức giá này người trồng vẫn lỗ. Ảnh: CT

Trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó khăn, xu hướng chuyển dịch xuất khẩu hàng rau quả sang các thị trường khác vẫn được duy trì, đặc biệt là xuất khẩu sang các thị trường yêu cầu chất lượng cao như: Hoa Kỳ đạt 39,4 triệu USD, tăng 68,5%, tỷ trọng tăng 3,5 điểm phần trăm so với 2 tháng đầu năm 2021; xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc đạt 24 triệu USD, tăng 42,1%; Nhật Bản đạt 18,5 triệu USD, tăng 10,2%; Úc đạt 15 triệu USD, tăng 25,2%... 

Tỷ trọng xuất khẩu hàng rau quả xuất khẩu sang các thị trường này đều tăng trong 2 tháng đầu năm 2022 và cả tháng 3 này song vẫn không bù đắp nổi lượng kim ngạch xuất khẩu sụt giảm từ thị trường Trung Quốc.

Xuất khẩu rau quả sang thị trường Nga tháng 3 cũng gặp khó khăn hơn. Nga nằm trong số 10 thị trường xuất khẩu hàng rau quả lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu hàng rau quả sang Nga đạt 9,5 triệu USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2021. 

Tuy nhiên, căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine đã gây ra những ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường này. Các đơn hàng với thị trường này trong tháng 3 đã phải ngừng do không có chuyến bay để vận chuyển. 

Ngoài ra, việc dừng đơn hàng, không có chuyến bay cũng khiến doanh nghiệp không xây dựng được cước cho đơn hàng của các đối tác. 

Việc một số ngân hàng Nga bị cấm tham gia giao dịch quốc tế sẽ gây ảnh hưởng đến dòng tiền thanh toán cho doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, tác động tổng thể đến ngành không cao do hiện nay tỷ trọng xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Nga vẫn ở mức thấp, chỉ chiếm 1,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong 2 tháng đầu năm 2022.

Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương nhận định, mặc dù tỷ trọng nhập khẩu hàng rau quả của Trung Quốc từ Việt Nam giảm, nhưng đây vẫn là thị trường rất tiềm năng đối với hàng rau quả của Việt Nam.

Nhiều thị trường cung cấp hàng rau quả như Thái Lan, Myanmar, Ấn Độ, Mỹ… đang đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này, vì vậy hàng rau quả của Việt Nam ngày càng bị cạnh tranh gay gắt.

Bên cạnh đó nhiều sản phẩm rau quả của Trung Quốc cũng tương tự của Việt Nam, vì vậy Trung Quốc đưa ra nhiều chính sách để bảo hộ sản phẩm trong nước. Phía Trung Quốc đã đề nghị Việt Nam giảm xuất tiểu ngạch, thay thế bằng hoạt động chính ngạch và đáp ứng đầy đủ giấy tờ về kiểm dịch.

Từ ngày 1/1/2022, Trung Quốc tiếp tục siết chặt điều kiện nhập khẩu nông sản và nhiều biện pháp quản lý an toàn thực phẩm nhập khẩu được thực thi.

Những yêu cầu từ phía Trung Quốc đang dần tiệm cận với các nước phát triển. Vì thế, doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý tuân thủ nghiêm ngặt các quy định nhập khẩu của Trung Quốc để tránh bị gián đoạn hoạt động xuất khẩu.

Các hợp đồng xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc đang được thực hiện tốt, bởi xuất khẩu chính ngạch có nhiều điều kiện ràng buộc hai bên bán và mua hơn. Đây cũng là giải pháp mà các Bộ ngành khuyến cáo đến doanh nghiệp và người dân khi bán rau quả sang Trung Quốc.


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục