Trung Quốc rất "khát" mặt hàng này, tăng nhập của Việt Nam về làm thức ăn chăn nuôi

18/03/2022 06:42 GMT+7
Do ảnh hưởng xung đột Nga-Ukraine, Trung Quốc có thể sẽ tăng nhập khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam để thay thế cho ngô làm thức ăn chăn nuôi.
Trung Quốc rất "khát" mặt hàng này, tăng nhập của Việt Nam về làm thức ăn chăn nuôi - Ảnh 1.

Trung Quốc có thể sẽ tăng nhập khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam để thay thế cho ngô làm thức ăn chăn nuôi.

Theo liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 2/2022, Việt Nam xuất khẩu được 249,23 nghìn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 102,37 triệu USD, giảm 10,1% về lượng và giảm 12,8% về trị giá so với tháng 1/2022; tuy nhiên so với tháng 2/2021 tăng 17,4% về lượng và tăng 31,1% về trị giá. 

Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn ở mức 410,8 USD/tấn, giảm 3% so với tháng 1/2022, nhưng tăng 11,6% so với tháng 2/2021. 

Lũy kế 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 519,8 nghìn tấn, trị giá 217,97 triệu USD, giảm 23,3% về lượng và giảm 13% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Trung Quốc rất "khát" mặt hàng này, tăng nhập của Việt Nam về làm thức ăn chăn nuôi - Ảnh 2.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam

Tính riêng mặt hàng sắn, tháng 2/2022, xuất khẩu sắn đạt 102,92 nghìn tấn, trị giá 29,58 triệu USD, tăng 9,5% về lượng và tăng 15,5% về trị giá so với tháng 1/2022; so với tháng 2/2021 tăng 8,4% về lượng và tăng 23,1% về trị giá. 

Giá sắn xuất khẩu bình quân ở mức 287,4 USD/tấn, tăng 5,51% so với tháng 1/2022 và tăng 13,5% so với tháng 2/2021. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sắn đạt 190,58 nghìn tấn, trị giá 53,55 triệu USD, giảm 26,3% về lượng và giảm 15,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Trong tháng 2/2022, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc chiếm 93,9% tổng lượng sắn và các sản phẩm từ sắn của cả nước, với 233,72 nghìn tấn, trị giá 95,33 triệu USD, giảm 12,5% về lượng và giảm 15% về trị giá tháng 1/2022; tuy nhiên so với tháng 2/2021 tăng 14,8% về lượng và tăng 28,5% về trị giá. 

Lũy kế 2 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 494,38 nghìn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 205,77 triệu USD, giảm 24% về lượng và giảm 13,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Thời gian tới, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của ta sang Trung Quốc có thể sẽ tăng trở lại do ảnh hưởng xung đột giữa Nga và Ukraine. Nga và Ukraine là hai nước xuất khẩu lúa mì chính cho chế biến thực phẩm và thức ăn chăn nuôi trên toàn thế giới. Việc hai nước giảm xuất khẩu sẽ tác động trực tiếp đến giá cả chung theo quy luật cung cầu. 

Không chỉ thế, giá khô dầu đậu nành cũng tăng cao kỷ lục. Trung Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi nước này là thị trường nhập khẩu ngô lớn nhất thế giới. Khoảng 30% lượng ngô xuất khẩu của Ukraine được vận chuyển đến Trung Quốc để chế biến làm thức ăn chăn nuôi lợn. Do đó, Trung Quốc có thể sẽ tăng nhập khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam để thay thế cho ngô làm thức ăn chăn nuôi.

Trung Quốc rất "khát" mặt hàng này, tăng nhập của Việt Nam về làm thức ăn chăn nuôi - Ảnh 3.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam.

Được biết, từ đầu tháng 3/2022 đến nay, giá sắn củ tươi tại các vùng có diễn biến trái chiều. Tại miền Bắc giá sắn tươi được điều chỉnh giảm trước áp lực về nguồn cung nguyên liệu; trong khi ổn định tại miền Trung, Tây Nguyên do người dân giảm nhịp độ thu hoạch. Giao dịch sắn lát tại khu vực miền Nam vẫn sôi động, giá điều chỉnh tăng thêm từ 50-200 đồng/kg. 

Bệnh khảm lá sắn đã xuất hiện tại 26 tỉnh, thành phố trong cả nước và đang có dấu hiệu gia tăng mạnh tại các địa phương trồng sắn. Hiện diện tích trồng sắn cả nước là 513.200 ha. Cả nước đang có gần 48.300 ha sắn bị bệnh khảm lá sắn. Các giống được trồng phổ biến hiện nay là KM94, KM 419, KM 140, KM 505, HLS-11 và các giống địa phương. 

Đến nay, các tỉnh như Tây Ninh, Bình Dương, Phú Yên, Kon Tum, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Thừa Thiên Huế… đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống bệnh của tỉnh và các huyện để tập trung và huy động mọi nguồn lực cho công tác phòng chống bệnh khảm lá sắn. Đồng thời, nhiều địa phương có trồng sắn lớn như Tây Ninh, Đồng Nai, Quảng Ngãi, Gia Lai, Phú Yên... cũng đã dành nhiều cơ chế, chính sách để tổ chức triển khai nhân giống sắn sạch bệnh, giống kháng bệnh khảm lá. 

Tỉnh Tây Ninh đang triển khai nhanh việc nhân giống sắn kháng bệnh khảm lá HN3, HN5. Kế hoạch trong năm 2022 toàn tỉnh sẽ có khoảng 50 ha các giống sắn kháng bệnh; phấn đấu đến năm 2025 sẽ đáp ứng được 30% giống sắn kháng bệnh khảm lá trên địa bàn tỉnh. 

Tây Ninh hiện có gần 60.000 ha sắn với 65 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chế biến tinh bột sắn và các sản phẩm liên quan. Theo các doanh nghiệp, trước đây nguồn nguyên liệu sắn phục vụ chế biến chủ yếu được thu mua từ các nông hộ trong và ngoài tỉnh. Sau khi dịch khảm lá bùng phát gây hại, năng suất củ sắn giảm, khiến việc sản xuất luôn đặt trong tình trạng thiếu hụt nguyên liệu. 

Trung Quốc rất "khát" mặt hàng này, tăng nhập của Việt Nam về làm thức ăn chăn nuôi - Ảnh 4.

Bệnh khảm lá sắn đã xuất hiện tại 26 tỉnh, thành phố trong cả nước và đang có dấu hiệu gia tăng mạnh tại các địa phương trồng sắn.

Nhiều doanh nghiệp phải nhập sắn thô từ Campuchia về để chế biến. Tuy nhiên, hiện nay nhiều khu vực tại Campuchia cũng xuất hiện dịch khảm lá sắn, cùng với đó dịch Covid-19 khiến lượng sắn từ Campuchia nhập khẩu về Việt Nam bị hạn chế, đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. 

Gia Lai là địa phương có vùng nguyên liệu sắn lớn nhất cả nước với hơn 80 nghìn ha trồng trong năm 2021. Những năm gần đây, bệnh khảm lá sắn bùng phát làm giảm năng suất, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân và nguyên liệu sản xuất của các nhà máy chế biến trên địa bàn. 

Tỉnh Gia Lai cũng đã triển khai xây dựng mô hình “sản xuất giống sạch bệnh, thâm canh, quản lý tổng hợp phòng trừ bệnh khảm lá do virus gây hại tại vùng trồng sắn trọng điểm” (giống KM94) với 20 ha. Năm 2022, mô hình cung ứng giống sắn sạch bệnh KM94 cho khoảng 200 ha. Ngoài ra, Trung tâm giống của tỉnh cũng đang trồng thử nghiệm một số giống sắn kháng bệnh khảm lá của Viện Di truyền nông nghiệp để đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển tại địa phương.


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục