Giá cà phê tiếp tục xu hướng tăng và nỗi buồn của cà phê Việt

19/10/2021 15:50 GMT+7
Đến trung tuần tháng 10/2021, giá cà phê thế giới tiếp tục tăng. Bộ Công Thương dự báo, giá cà phê sẽ tiếp tục xu hướng tăng do cung hạn chế, cầu tăng...

Thu hoạch vụ mới khả năng bị trì hoãn

Giá cà phê tiếp tục xu hướng tăng và nỗi buồn của cà phê Việt - Ảnh 1.

Dự báo, giá cà phê sẽ tiếp tục xu hướng tăng do cung hạn chế, cầu tăng. Ảnh BCT

Đến tháng 10/2021, giá cà phê thế giới tiếp tục tăng. Theo báo cáo mới nhất đánh giá về thời tiết, lượng mưa không đủ kích hoạt cây cà phê Arabica ra hoa cuối vụ tại vùng trồng Brazil. Còn tại vùng trồng cà phê Tây Nguyên Việt Nam lại đang có mưa nhiều, có thể làm quả cà phê Robusta chín chậm. Do đó, việc triển khai thu hoạch vụ mới, dự kiến sẽ bắt đầu vào cuối tháng 10/2021, có khả năng bị trì hoãn do yếu tố thời tiết không thuận lợi. 

Dự báo, giá cà phê sẽ tiếp tục xu hướng tăng do cung hạn chế, cầu tăng. Theo Viện Địa lý và Thống kê Brazil (IBGE), sản lượng cà phê của nước này niên vụ 2020/2021 ước đạt 48,9 triệu bao (loại 60 kg), giảm 21,2% so với niên vụ 2019/2020. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung cà phê có thể kéo dài tới 3 năm do biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của dịch Covid-19. Còn theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo, sản lượng cà phê thế giới niên vụ 2021/2022 giảm 11 triệu bao so với niên vụ 2019/2020, xuống còn 164,8 triệu bao. USDA cũng dự báo xuất khẩu cà phê toàn cầu sẽ giảm 4,8 triệu bao xuống 115,5 triệu bao do lượng xuất khẩu của Brazil giảm mạnh, mặc dù xuất khẩu của Việt Nam tăng. 

USDA dự báo tiêu thụ cà phê thế giới sẽ tăng 1,8 triệu bao lên 165 triệu bao, với mức tăng lớn nhất ở Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ và Brazil. Tồn kho cà phê cuối niên vụ 2021/22 dự kiến giảm 7,9 triệu bao, xuống còn 32 triệu bao. Còn theo Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO), lượng cà phê nhập khẩu toàn cầu trong niên vụ 2020/21 tăng khoảng 5% so với niên vụ 2019/2020, lên gần 83 triệu bao (loại 60 kg). 

Trên sàn giao dịch London, hiện giá cà phê giao kỳ hạn tháng 11/2021, tháng 1/2022, tháng 3/2022 và tháng 5/2022 tăng lần lượt 0,1%, 0,3%, 0,8% và 0,9% so với ngày 30/9/2021, lên mức 2.119 USD/ tấn, 2.116 USD/tấn, 2.076 USD/tấn và 2.055 USD/tấn.

Giá cà phê tiếp tục xu hướng tăng và nỗi buồn của cà phê Việt - Ảnh 2.

Nguồn: Sàn giao dịch London

Trên sàn giao dịch New York, giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 12/2021, tháng 3/2022, tháng 5/2022 và tháng 7/2022 cùng tăng 2,3% so với ngày 30/9/2021, lên mức 197,7 Uscent/lb, 200,8 Uscent/lb, 201,9 Uscent/lb và 202,4 Uscent/lb.

Giá cà phê tiếp tục xu hướng tăng và nỗi buồn của cà phê Việt - Ảnh 3.

Nguồn: Sàn giao dịch New York

Trên sàn giao dịch BMF của Brazil, giá cà phê giao kỳ hạn tháng 12/2021 và tháng 3/2022 cùng tăng 1,3% so với ngày 30/9/2021, lên mức 236,3 Uscent/lb và 240,5 Uscent/lb; kỳ hạn giao tháng 5/2022 và tháng 9/2022 tăng lần lượt 1,9% và 3,3% so với ngày 30/9/2021, lên mức 242,3 Uscent/lb và 243,65 Uscent/lb. 

Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% giao dịch ở mức giá 2.174 USD/tấn, chênh lệch +55 USD/tấn, tăng 3 USD/tấn (tương đương mức tăng 0,1%) so với ngày 30/9/2021.

Cơ hội nào cho cà phê Việt Nam tăng giá? 

Do tác động của dịch Covid-19 nên lực lượng lao động thu hoạch cà phê tại khu vực Tây Nguyên đang bị thiếu hụt nghiêm trọng, cùng với đó thời tiết cũng ảnh hưởng tới chất lượng cà phê thu hoạch của Việt Nam. Trái ngược với giá thế giới, giá cà phê Robusta nội địa sang tháng 10 giảm sau khi liên tục tăng trong thời gian qua. Ngày 8/10/2021, giá cà phê Robusta trong nước giảm 600 đồng/kg (tương đương mức giảm 1,5%) so với ngày 28/9/2021, xuống mức 39.200 – 40.100 đồng/kg.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê Arabica của Việt Nam trong tháng 8/2021 cũng chỉ tăng 11,9% về lượng và tăng 0,3% về trị giá so với tháng 7/2021, so với tháng 8/2020 tăng 36% về lượng và tăng 70,8% về trị giá, đạt xấp xỉ 3 nghìn tấn, trị giá 8,11 triệu USD. Tuy nhiên, trong 8 tháng đầu năm 2021 xuất khẩu cà phê Arabica của Việt Nam giảm 20,6% về lượng và giảm 5,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, chỉ đạt 43 nghìn tấn, trị giá 118,77 triệu USD.

Giá cà phê tiếp tục xu hướng tăng và nỗi buồn của cà phê Việt - Ảnh 4.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Sau khi ghi nhận mức đỉnh 3.080 USD/tấn vào tháng 7/2021, sang tháng 8/2021 giá xuất khẩu bình quân cà phê Arabica của Việt Nam giảm 10,4%, xuống còn 2.759 USD/tấn, nhưng vẫn tăng 25,5% so với tháng 8/2020. Tính chung 8 tháng đầu năm 2021, giá xuất khẩu bình quân cà phê Arabica của Việt Nam đạt 2.758 USD/tấn, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá xuất khẩu bình quân sang tất cả các thị trường chính đều tăng.

Giá cà phê tiếp tục xu hướng tăng và nỗi buồn của cà phê Việt - Ảnh 5.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Thị trường xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cà phê Arabica sang nhiều thị trường giảm so với 8 tháng đầu năm 2020, ngoại trừ Đức, Malaysia, Ý, Canada, Thái Lan, Hàn Quốc.

Giá cà phê tiếp tục xu hướng tăng và nỗi buồn của cà phê Việt - Ảnh 6.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Giá cà phê tiếp tục xu hướng tăng và nỗi buồn của cà phê Việt - Ảnh 7.

Cà phê Việt Nam cần chú trọng thị trường Nhật Bản. Ảnh BCT

Trong bối cảnh thị trường biến động như hiện nay, để xuất khẩu cà phê Việt Nam đem lại hiệu quả, bắt kịp giá của thế giới, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cà phê của ta cần chú trọng mở rộng thị trường xuất khẩu, hạn chế thấp nhất các tác động bất lợi trong nước đối với sản xuất, thu hoạch cà phê.

Ví dụ như thị trường Nhật Bản, nhu cầu tiêu thụ cà phê ở Nhật Bản đang ngày càng tăng khi sở thích của người tiêu dùng chuyển từ trà sang cà phê. Người tiêu dùng Nhật Bản coi cà phê là một loại thực phẩm tốt cho sức khỏe, do đó nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng ở Nhật Bản. 

Nhật Bản là một trong những thị trường cà phê lớn nhất thế giới. Do việc trồng cà phê bị giới hạn ở một số ít nông trại địa phương, nên Nhật Bản phụ thuộc vào các sản phẩm cà phê nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước. 

Nước này có nhu cầu nhập khẩu cà phê lớn, chủ yếu tìm nguồn cung ứng sản phẩm từ các nước xuất khẩu lớn nhất như Brazil và Việt Nam. Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế, nhập khẩu cà phê của Nhật Bản trong 7 tháng đầu năm 2021 đạt 244,52 nghìn tấn, trị giá 743,93 triệu USD, tăng 1,4% về lượng và tăng 7,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Giá cà phê tiếp tục xu hướng tăng và nỗi buồn của cà phê Việt - Ảnh 8.

Nguồn: Trung tâm Thương mại Quốc tế

Về chủng loại 7 tháng đầu năm 2021, Nhật Bản tăng nhập khẩu hầu hết các chủng loại cà phê, ngoại trừ cà phê đã khử caffein (không bao gồm rang - HS 090122) và sản phẩm vỏ và vỏ cà phê (HS 090190), mức giảm lần lượt 1,7% và 63,3%, lượng đạt mức thấp 173 tấn và 82 tấn. 

Diễn biến giá 7 tháng đầu năm 2021, giá nhập khẩu bình quân cà phê của Nhật Bản đạt mức 3.042 USD/tấn, tăng 6,4% so với 7 tháng đầu năm 2020. Trong đó, giá nhập khẩu bình quân cà phê của Nhật Bản tăng từ hầu hết các thị trường cung cấp chính, ngoại trừ Brazil.

Giá cà phê tiếp tục xu hướng tăng và nỗi buồn của cà phê Việt - Ảnh 9.

Nguồn: Trung tâm Thương mại Quốc tế

Giá cà phê tiếp tục xu hướng tăng và nỗi buồn của cà phê Việt - Ảnh 10.

Nguồn: Trung tâm Thương mại Quốc tế

Thực tế ngay ở thị trường Nhật, Việt Nam cũng chưa tận dụng được lợi thế để đẩy mạnh xuất khẩu cà phê. Nhập khẩu cà phê của Nhật Bản từ Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt trên 61 nghìn tấn, trị giá 104,66 triệu USD, giảm 10,1% về lượng và giảm 7,1% về trị giá so với 7 tháng đầu năm 2020. Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Nhật Bản cũng giảm từ 28,15% trong 7 tháng đầu năm 2020 xuống 24,96% trong 7 tháng đầu năm 2021.

Theo các chuyên gia, nhờ hương vị mạnh, thơm nồng và giá rẻ, cà phê robusta của Việt Nam lẽ ra phải thiết lập được sự hiện diện vững chắc tại thị trường Nhật Bản. Mặt khác, sự gần gũi về vị trí địa lý phải giúp cà phê robusta của Việt Nam có lợi thế ở thị trường Nhật Bản vì quãng đường vận chuyển cà phê từ Việt Nam sang Nhật Bản chỉ bằng một nửa so với cà phê arabica từ các nước Mỹ Latin. Trong các nước sản xuất cà phê ở Đông Nam Á, Việt Nam là nước bảo đảm nguồn cung ổn định hơn cả nhờ sản lượng lớn. 

Hầu hết cà phê hạt của Việt Nam là Robusta. So với loại Arabica của Brazil có vị ngọt, nhẹ và giá thành cao hơn, loại Robusta của Việt Nam cho vị cà phê đậm hơn và đôi khi hơi đắng. Thị phần cà phê Robusta tăng là do nhu cầu của người tiêu dùng Nhật Bản muốn thử vị cà phê ngon và có giá thành thấp này.

Cà phê Robusta không thể thay thế cà phê Arabica hoàn toàn nhưng nhiều chuyên gia trong ngành cà phê cho biết, nhu cầu hòa trộn cà phê Robusta và Arabica đang tăng nhanh.

Nhật Bản một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng đối với nông sản nói chung và cà phê Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, thị trường Nhật Bản đặt ra nhiều yêu cầu khắt khe đối với hàng nhập khẩu. Với hàng nông sản nhập khẩu, Nhật Bản không chỉ đơn thuần tiến hành kiểm tra, xét nghiệm tồn dư về thuốc bảo vệ thực vật hoặc dư lượng kháng sinh mà phía bạn còn phải nắm bắt được việc trồng trọt, nuôi trồng theo kỹ thuật nào, bón những loại phân gì, xử lý sâu bệnh ra sao…

Để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp và các ngành hàng nói chung và ngành cà phê nói riêng cần nghiên cứu, khảo sát cụ thể nhu cầu của thị trường, xây dựng chiến lược marketing phù hợp.

Các sản phẩm có mẫu mã, màu sắc, bao bì sản phẩm phải phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Đồng thời, tích cực tham gia các hội thảo, giao thương chương trình xúc tiến thương mại nhằm giới thiệu hàng hóa cũng như thế mạnh của doanh nghiệp, tìm kiếm khách hàng mới, mở rộng thị trường kinh doanh...


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục