Mùa dưa hấu đắng lại đến
Dù đã đến thời điểm thu hoạch nhưng trên nhiều ruộng dưa của tỉnh Gia Lai vẫn đìu hiu, vắng vẻ. Dưa hấu bạt ngàn, nằm lăn lóc nhưng chả có thương lái nào ngó ngàng tới. Thi thoảng mới có một vài người ghé mua vài chục ký chở ra chợ bán. Thời điểm này của các niên vụ trước, xe tải nối đuôi nhau chở dưa hướng ra phía bắc để xuất sang Trung Quốc nườm nượp. Giá mua tại chân ruộng đối với dưa loại tốt dao động trong khoảng từ 7.000 – 9.000đ/kg nay, giá chỉ còn từ 5.00 – 1.300đ/kg mà chỉ nông dân nào may mắn mới bán được. Còn hàng chục ngàn tấn dưa nằm chỏng chơ ngoài đồng.
Năm nay, gia đình ông Lê Văn Lâu (55 tuổi) ở H.Tây Sơn (Bình Định) cùng 8 hộ khác ở cùng huyện lên xã Ia Broái, H. Ia Pa thuê 18 ha đất trồng dưa. Ai cũng mừng khi nhìn ruộng dưa xanh tốt, sai quả. Nào ngờ đến kỳ thu hoạch thì dịch cúm Corona bùng phát ở Trung Quốc, thương lái không thèm ngó ngàng, hàng trăm tấn dưa nằm phơi nắng, lăn lóc, chỉ có nước bỏ đi. Ông Lâu rầu rĩ: “Chúng tôi thuê đất 3 tháng với gía 25 triệu đồng/1ha. Tiền thuê đất cũng trả rồi. Mỗi ha dưa hấu chúng tôi đầu tư hết 160 triệu đồng tiền giống, phân bón, công chăm sóc nhưng mấy hôm nay cứ ngóng mà chả thương lái nào tới. Vài ba ngày nữa nếu không bán được chắc đành bỏ ruộng mà về”.
Theo nhiều hộ trồng dưa hấu, thời tiết năm nay thuận lợi cho việc sinh trưởng, phát triển của cây dưa nên năng suất bình quân đạt 40 – 60 tấn/ha. Đáng tiếc, đang chờ đón nhà nông một vụ dưa thất bại. Thời điểm này, dưa nằm la liệt ngoài đồng nhưng không có người mua. Nắng gắt, cộng với dưa vào mùa, chín vụ nên nếu không nhanh chóng thu mua sẽ bị hư hỏng. Hiện nhiều ruộng dưa bắt đầu bị héo khô. “Gia đình tôi trồng dưa hơn 20 năm nay. Vụ này đầu tư hơn 300 triệu đồng vào ruộng dưa nhưng xem như mất trắng. Giờ, thậm chí cho người ta còn chưa muốn lấy!” – Chị Nguyễn Thị Hương, một nông dân ở Bình Định lên H.Ia Pa thuê đất trồng dưa chua chát
Giá rớt thê thảm, không có người mua là thực trạng đang diễn ra trên vùng chuyên canh dưa hấu vùng đông nam Gia Lai. Tại H.Krông Pa (Gia Lai), tình hình cũng không khá khẩm hơn. Niên vụ này, hầu hết ruộng dưa tại H.Krông Pa xuống giống muộn nên còn khoảng 1 tháng nữa mới đến kỳ thu hoạch. Nhiều nông dân cho biết dưa đạt năng suất cao nhưng không thấy thương lái nào tới đặt cọc, giành mua dưa như những năm trước. Ông Đinh Xuân Duyên -Trưởng Phòng NN và PTNT H. Krông Pa nói: “Dưa trồng ra chủ yếu bán cho thương lái chở đi Trung Quốc. Vì thế khi thị trường Trung Quốc bế tắc thì người trồng dưa điêu đứng, bởi thị trường nội địa tiêu thụ không đáng kể”.
Theo thống kê chưa đầy đủ, vùng đông nam Gia Lai vụ dưa này trồng hơn 1.000 ha dưa hấu; trong đó, H. Ia Pa có 416 ha, H. Krông Pa 608 ha. Ngoài ra, nông dân còn trồng dưa ở thị xã Ayun Pa nhưng với diện tích không đáng kể so với hai huyện trên. Qua khảo sát, tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết diện tích dưa hấu là của nông dân các tỉnh Phú Yên, Bình Định. Họ lên vùng này thuê đất của người dân địa phương để trồng vì trồng dưa đòi hỏi rất cao về kỹ thuật, kinh nghiệm cũng như vốn đầu tư lớn. Người dân địa phương khó đáp ứng được.
Hơn 1.000 ha, tương đương 40.000 tấn dưa hấu đang vào mùa thu hoạch nhưng chưa có người mua, giá rớt thảm hại. Với chi phí đầu tư khoảng 180 triệu đồng/ha dưa, khoảng 180 tỷ đồng của nông dân sẽ bị trôi sông trôi biển. Một mùa dưa đắng lại đến. Nông dân lại oằn vai bởi gánh nặng mưu sinh.