Mục tiêu lợi nhuận khiêm tốn nhất từ trước tới nay, lỗ vẫn đeo bám Giầy Thượng Đình
Tuy nhiên, hãng giày 63 tuổi này thêm một năm nữa chìm trong thua lỗ dù mục tiêu lợi nhuận chưa đẩy đủ chỉ 140.000 đồng/ngày
Báo cáo tài chính kiểm toán 2019 của Giày Thượng Đình cho biết, năm 2019, hãng ghi nhận 166 tỷ doanh thu, giảm 4% so với năm trước và hoàn thành 95% so với kế hoạch đặt ra. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế thu về tiếp tục báo số âm 13 tỷ đồng. Tính bình quân trong năm vừa qua, mỗi ngày hãng giày này thu về hơn 450 triệu đồng tiền bán hàng nhưng lại lỗ hơn 36 triệu đồng/ngày.
Dù đã cải thiện được hiệu quả kinh doanh chính với biên lãi gộp tăng lên mức 11,9% so với 9,3% năm trước, nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gần gấp đôi lên 28 tỷ đồng đã khiến hãng lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh.
Sau khi hợp nhất với các hoạt động khác, Thượng Đình lỗ trước và sau thuế hơn 13,2 tỷ.
Được biết, doanh thu bán hàng năm 2018 đạt 174 tỉ đồng, giảm so với năm 2017 là 197 tỉ đồng. Năm 2017 doanh thu âm 17 tỉ đồng, năm 2018 ở mức âm 16 tỉ đồng. Có lẽ, doanh thu âm liên tiếp đã trở thành "tử huyệt" của thương hiệu này, nếu không có sự thay đổi kịp thời.
Như vậy, đây là năm thứ 3 Giày Thượng Đình lỗ liên tiếp.
Ban lãnh đạo công ty cho rằng nếu tiếp tục kinh doanh như hiện nay, với các chi phí như trên thì rất khó có thể có lãi, nguy cơ lỗ cao.
Cũng theo lý giải của Giầy Thượng Đình, trong năm qua, do thay đổi xu hướng tiêu dùng giầy dép, chuyển từ dòng giầy vải lưu hóa sang dòng giầy thể thao gò dán, các đơn hàng xuất khẩu sang châu Âu của công ty giảm mạnh.
Bên cạnh đó, giá sản phẩm còn cao, khó cạnh tranh với các nhà cung cấp giầy ở Việt Nam và Trung Quốc. Hiện nay, Giầy Thượng Đình cho biết, các chi phí thực tế chung công ty cũng chỉ tính toán một phần vào giá thành, vì nếu đưa hết vào thì giá quá cao, không thể chào hàng được.
Thực tế sau khi cổ phần hóa, chi phí khấu hao của công ty tăng đột biến, tiền thuê đất cũng tăng và quá cao đối với công ty sản xuất giầy đơn thuần cùng ngành.
Hiện tại, Giầy Thượng Đình đã lên kế hoạch di dời cơ sở sản xuất tại 277 Nguyễn Trãi – Thanh Xuân – Hà Nội và xin UBND Thành phố Hà Nội chấp thuận kế hoạch di dời càng sớm càng tốt. Nguyên nhân là do việc sản xuất tại đại điểm này rất bất lợi vì chi phí quá cao, sản xuất kinh doanh không thể bù đắp được chi phí thực tế.
Ngoài ra, Giầy Thượng Đình muốn đẩy nhanh công tác thoái vốn Nhà nước, sau đó tái cơ cấu bộ máy trong công ty, đầu tư đổi mới công nghệ.