Mục tiêu tăng trưởng tín dụng khá tham vọng, “căng” thanh khoản nếu dịch kéo dài
Sau khi các lãi suất điều hành hạ đồng loạt thì cung tiền (M2) trong quý I/2020 tăng trưởng dương 1,55%, trong đó huy động tăng 0,51%, tín dụng tăng 0,68%, đây là mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.
Đáng chú ý, tăng trưởng tín dụng trong quý I chủ yếu là trong tháng 3 khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện các biện pháp hỗ trợ lãi suất, bơm thanh khoản trong hệ thống để hỗ trợ các DN khó khăn.
"NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 11 - 14%, tương đương mức tín dụng mới ra nền kinh tế là 900.000 tỷ đồng, đây là một con số khá tham vọng trong bối cảnh nền kinh tế suy giảm. Chúng tôi cho rằng đây là mục tiêu tuy nhiên có thực hiện được hay không phụ thuộc vào tình hình khống chế bệnh dịch và các doanh nghiệp trong nước có trở lại đầu tư hay không", PGS. TS Phạm Thế Anh cho biết.
Bên cạnh đó, vấn đề về chất lượng tăng trưởng cũng được vị chuyên gia này băn khoăn. Bởi theo ước tính của NHNN hiện tại có 2 triệu tỷ đồng dư nợ chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và có khả năng chuyển thành nợ xấu, đây là nguy cơ kéo lùi những thành quả cải thiện sức khoẻ hệ thống ngân hàng trong những năm qua khi nợ xấu có nguy cơ tăng trở lại trong năm.
Đồng thời, tín dụng ra nền kinh tế trong năm nay chủ yếu dưới dạng hỗ trợ doanh nghiệp, người mất việc, hộ gia đình dừng sản xuất. Do đó, tín dụng được thực hiện qua NHCSXH sẽ lớn hơn nguồn tín dụng qua các ngân hàng thương mại.
Đánh giá về thanh khoản của hệ thống, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, hiện tại có 3 gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp là gói chính sách tiền tệ lên đến 300.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ giãn, hoãn thuế 180.000 tỷ đồng và hỗ trợ người dân 62.000 tỷ đồng. Những gói tín dụng đó sẽ giúp nhiều cho nền kinh tế qua giai đoạn khó khăn này.
Thanh khoản của các ngân hàng đang dư dả, nhưng nếu cuối tháng 6 chưa kiểm soát được dịch bệnh, thì tính thanh khoản của ngân hàng đáng lo, bị tác động mạnh, bởi tiền gửi khách hàng chậm do người lao động mất việc phải rút tiền chi trả cuộc sống hàng ngày.
"Nếu nền kinh tế ngày càng lún sâu vào dịch bệnh không kiểm soát được trong nửa năm sau 2020, thì những gói hỗ trợ cũng không đủ. Kể cả khi các gói hỗ trợ đó được đưa hết vào thị trường thì nguy cơ xảy ra lạm phát cao, nợ công chính phủ sẽ rơi vào khủng hoảng. Do đó, thanh khoản của ngân hàng sẽ thiếu hụt rất lớn", ông Hiếu phân tích.
Theo chuyên gia tài chính này, không thể dùng chính sách tiền tệ hay tài khoá để giải quyết vấn đề mà phải đồng bộ với các chính sách khác của Chính phủ. Việc dùng tiền để hoãn nợ, giãn nợ giúp doanh nghiệp có tiền đều cần trong lúc này, nhưng vấn đề cuộc chiến hiện tại không phải là cuộc chiến tiền tệ, mà vấn đề về con người. Làm sao giữ được người lao động trải qua khó khăn này để nền kinh tế sẽ phục hồi sau dịch bệnh.