Chính sách hỗ trợ dịch Covid-19: Cần nhắm vào đối tượng 'tổn thương” lớn nhất
Đây là quan điểm của các chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP) chia sẻ tại buổi toạ đàm công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý I/2020 do VERP vừa tổ chức.
Theo đánh giá của PGS. TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng VEPR, tác động của dịch Covid-19 lần này rất khác với các cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây. Bởi dịch Covid-19 ảnh hưởng mạnh nhất đến khu vực kinh tế phi chính thức. Ước tính khu vực này chiếm từ 25 - 30% toàn nền kinh tế.
"Trước đây, kinh tế phi chính thức ít bị ảnh hưởng bởi các cuộc khủng hoảng, do đó, khu vực này trở thành "bệ đỡ" cho tăng trưởng của Việt Nam. Tuy nhiên, đại dịch lần này, khu vực phi chính thức lại bị ảnh hưởng mạnh nhất, các biện pháp phong toả khiến khu vực này dừng hoạt động hoàn toàn, số người lao động mất việc nhiều nhất. Thế nhưng, con số này lại không thể hiện được thống kê qua số liệu của Tổng cục Thống kê và được tính toán vào tăng trưởng GDP", ông Thế Anh cho hay.
Trong khi đó, TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc, cho rằng năm 2020, một tiền lệ chưa từng xảy ra trước đây đó là suy giảm tăng trưởng kinh tế xảy ra ở các nước trên thế giới do dịch Covid-19, trong khi đó, các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đều nằm ở tâm dịch.
Theo nhìn nhận, các cuộc khủng hoảng tài chính trước đây chỉ xảy ra ở lĩnh vực bất động sản, tài chính, nhưng hiện nay, hầu hết các ngành đều bị ảnh hưởng, kể cả những ngành được xem là "hái ra tiền" như du lịch, nông nghiệp, xuất khẩu... Vì vậy, việc đưa ra kịch bản ứng phó và dự báo sẽ khác hoàn toàn các cuộc khủng hoảng trước đây.
Nêu quan điểm về các gói hỗ trợ đã và đang được triển khai của Chính phủ hiện nay, theo TS. Phạm Sỹ Thành, các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 dường như rất toàn diện, bao gồm: chính sách tài khoá, tiền tệ, BHXH, chính sách xuất khẩu nhưng không có trọng tâm của chính sách đó, nên khiến chính sách kiểu "bắn tên không có đích ngắm". Thay vào đó có thể chỉ nhắm vào một nhóm đối tượng có mức tổn thương lớn nhất để hỗ trợ.
Ngoài ra, quy mô ứng phó với dịch bệnh và nền kinh tế tương đối khiêm tốn. Chẳng hạn, gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, nhằm hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch. "Gói này tương đương với 2,5 tỷ USD chiếm 1% GDP, trong khi nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Singapore dành 2 gói kích thích tổng cộng 32 tỷ USD, chiếm nửa ngân sách hiện nay và gấp 2,5 lần so với cuộc khủng hoảng năm 2008 để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp", ông Thành cho hay.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng thừa nhận, hiện nay, ngân sách không dư dả để Chính phủ mạnh tay chi hỗ trợ và Bộ Tài chính mất nhiều nghiên cứu để giảm hụt thu ngân sách. Song thời điểm này cần mạnh dạn làm quyết liệt.
Đồng thời, ông Thành cho rằng hiện nay, phản ứng chính sách triển khai quá chậm. Đối với chính sách tiền tệ, hiện 23 ngân hàng thương mại mới chỉ lên được phương án tăng tín dụng hỗ trợ cho các khu vực doanh nghiệp, nhưng thực sự chưa có gói nào được giải ngân. Chính sách tài khoá cũng vậy, Bộ Tài chính, các địa phương chậm triển khai và gói hỗ trợ vẫn đang "nằm trên giấy".
"Vậy, ở thời điểm nào "liều thuốc" hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân mới thật sự được triển khai?", ông Thành đặt câu hỏi và cho rằng quy mô, tốc độ, đích ngắm cần phải rõ ràng và triển khai ngay khi mà dịch vẫn chưa được kiểm soát tốt ở các nền kinh tế lớn.