Muốn giảm lãi vay, lạm phát phải xuống 2%

01/07/2020 17:28 GMT+7
Mặc dù các ngân hàng đã tích cực giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhưng mức lãi vay này vẫn còn cao so với “sức khoẻ” của doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngân hàng không thể giảm lãi suất cho vay xuống mức 7-8%/năm như mong muốn của nhiều doanh nghiệp nếu lạm phát vẫn duy trì ở mức 4%.

Từ đầu tháng 7, một vài ngân hàng có vốn nhà nước đã hạ thêm 0,2-0,5% so với lãi suất cho vay hiện hành để hỗ trợ doanh nghiệp sau đại dịch.

"Ông lớn" tiếp tục giảm lãi suất cho vay

Cụ thể, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) công bố giảm 0,2% lãi suất cho vay từ 30/6. Riêng với 5 lĩnh vực ưu tiên, lãi suất cho vay ngắn hạn cao nhất hiện nay là 4,8% một năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn thấp nhất là 7,5%.

Từ 1/7, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng hạ lãi suất cho vay thêm 0,5% một năm so với lãi suất hiện hành.

Như vậy, từ đầu năm tới nay, các ngân hàng lớn đã liên tiếp 3 lần giảm lãi cho vay, có nơi hạ 2,5-3% so với thời điểm trước dịch. Không chỉ Agribank và BIDV, một ngân hàng có vốn nhà nước khác cũng đang có ý định tiếp tục giảm thêm lãi suất cho vay.

Đến giữa tháng 6, do nhu cầu vay thấp nên tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế chỉ tăng 2,13% so với cuối năm 2019, chưa tới một nửa mức tăng cùng kỳ năm trước.

Việc các ngân hàng lớn hạ lãi suất là theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước nhằm giảm hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn vì đại dịch và cũng là giải pháp kích cầu tín dụng cho nhà băng.

Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, lãnh đạo NHNN cũng từng khẳng định: "Nếu có điều kiện giảm thì NHNN sẽ tiếp tục giảm lãi suất điều hành. Hiện nay, so với mức giảm của các ngân hàng trung ương trên thế giới thì mức giảm lãi suất điều hành của NHNN Việt Nam đã khá sâu".

Dư địa giảm lãi vay còn hay hết?

Các chuyên gia nhìn nhận, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm từ 1 - 2% so với thời điểm cuối năm 2019. Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, sau nhiều lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, nhưng hiện nay lãi suất vẫn còn cao so với "sức khoẻ" của doanh nghiệp.

Thế nhưng, để tiếp tục giảm lãi suất cho vay là không dễ dàng đối với các ngân hàng bởi chi phí đầu vào và lạm phát vẫn còn khá cao.

Muốn giảm lãi vay, lạm phát phải xuống 2% - Ảnh 2.

Muốn giảm lãi suất cho vay, lạm phát phải xuống 2%

Theo thống kê của NHNN, hiện nay, mặt bằng lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 6,0 - 9,0%/năm đối với ngắn hạn; 9,0 - 11%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ở mức 5,0%/năm. Lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 3,0 - 6,0/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 3,0 - 4,5%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 4,2 - 6,0%/năm.

Ông Hiếu đề cập, hiện tỷ lệ phát đang là 4% cộng với 2% (mức chênh lệch thông thường đảm bảo lãi suất thực dương và đủ hấp dẫn đối với người gửi tiền) và biên độ 3% chênh lệch giữ lãi suất cho vay và huy động của ngân hàng.

Với cách tính như vậy thì ngân hàng cho vay bình quân 9%/năm (có thể cao hơn hoặc thấp hơn với từng đối tượng, từng kỳ hạn vay). Vì vậy, ngân hàng không thể giảm lãi suất cho vay xuống mức 7-8%/năm như mong muốn của nhiều doanh nghiệp nếu lạm phát vẫn duy trì ở mức 4%. "Muốn giảm lãi suất cho vay phải giảm tỷ lệ lạm phát xuống mức 2%", ông Hiếu nhấn mạnh.

"Thực tế, hiện nay một số doanh nghiệp gặp khó khăn có nhu cầu vay vốn tại ngân hàng, nhưng đó lại là những doanh nghiệp không đủ điều kiện vay, nên ngân hàng không dám cho vay vì sớm  muộn sẽ có nợ xấu,mất vốn. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến tỷ lệ tăng trưởng tín dụng đến nay khoảng 2,45% rất thấp so với năm ngoái", ông Hiếu thông tin thêm.

Trước thực tế này, mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng năm nay là 14% sẽ khó thực hiện được, chỉ ở mức 10%, thậm chí có thể thấp hơn.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục