Mỹ - EU lùi 1 bước trong vụ tranh chấp thập kỷ để cứu Airbus và Boeing
Thỏa thuận đình chỉ thuế quan trừng phạt trong 4 tháng là một nước quan trọng nhằm giải quyết tranh chấp kéo dài 17 năm qua giữa Liên minh châu Âu và Mỹ. Tranh chấp dẫn đến việc hai bên áp thuế trả đũa lên hàng tỷ USD hàng hóa song phương, gây tác động đến hàng loạt mặt hàng xuất khẩu từ cả hai bên bờ Đại Tây Dương.
Động thái diễn ra chỉ một ngày sau khi Mỹ và Anh đồng thuận tạm dừng các mức thuế quan tương tự trong vòng 4 tháng, cũng liên quan đến vụ tranh chấp này.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho hay bà đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 5/3 để thảo luận về vấn đề tạm đình chỉ thuế quan.
Thỏa thuận giữa hai bên đồng thuận Mỹ sẽ tạm dừng thuế quan trả đũa với 7,5 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Liên minh châu Âu bao gồm máy bay và linh kiện máy bay, phô mai, rượu vang. Ngược lại, Liên minh châu Âu cũng cam kết tạm dừng áp thuế 4 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ gồm máy bay và linh kiện máy bay, máy kéo, rượu vodka, rượu rum và thuốc lá.
“Cả hai bên cam kết tập trung giải quyết các tranh chấp song phương liên quan đến vấn đề trợ cấp thương mại với Airbus và Boeing, dựa trên cơ sở các đại diện thương mại tương ứng… Đây là một tin tức tuyệt vời cho các ngành công nghiệp liên quan và doanh nghiệp ở cả hai bờ Đại Tây Dương, cũng là một tín hiệu tích cực cho sự hợp tác kinh tế song phương trong những năm tới” - bà Ursula von der Leyen nhấn mạnh.
Thông cáo từ Nhà Trắng cũng cho hay Tổng thống Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã thảo luận thêm các vấn đề về hợp tác xuyên Đại Tây Dương để ngăn chặn sự lây lan dịch Covid-9, vực dậy nền kinh tế, chung tay chống biến đổi khí hậu và nhiều lĩnh vực khác.
Hai ông lớn Airbus và Boeing đã gửi những thông điệp ăn mừng động thái đình chỉ thuế quan giữa Mỹ và EU. Tiến trình giải quyết tranh chấp mang ý nghĩa lớn như một sự cứu trợ với cả hai hãng sản xuất máy bay thương mại lớn bậc nhất hành tinh, nhất là tại thời điểm cả hai đang phải vật lộn để duy trì hoạt động khi nhu cầu máy bay suy yếu vì cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19.
“Airbus hoan nghênh quyết định đình chỉ thuế quan tạo tiền đề cho các cuộc đàm phán tiếp theo. Chúng tôi ủng hộ tất cả các hành động cần thiết để tạo ra một sân chơi bình đẳng và tiếp tục giải quyết tranh chấp lâu năm này thông qua thương lượng để tránh các khoản thuế quan trả đũa”.
Năm ngoái, Tập đoàn hàng không hàng đầu thế giới của châu Âu đã buộc phải cắt giảm gần 15.000 nhân sự trên toàn cầu, trong đó đa số là tại Pháp và Đức, do tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19. "Chúng tôi đang chảy máu tiền mặt với một tốc độ chưa từng thấy – có thể đe dọa sự tồn tại của công ty. Chúng tôi hiện phải hành động nhanh chóng để giảm chi phí, lấy lại cân bằng tài chính và cuối cùng là lấy lại quyền kiểm soát vận mệnh của chính mình" - CEO Airbus Guillaume Faury cho biết.
Tình hình không khá hơn với Boeing. Ông lớn hàng không Mỹ cũng cắt giảm 16.000 nhân sự trên toàn cầu trong năm ngoái khi nhu cầu đi lại bằng đường hàng không đã sụt giảm nhanh chóng và hàng loạt vụ tai nạn liên quan đến dòng máy bay 737 Max khiến Boeing lao đao.