Mỹ - EU tiến gần dấu chấm hết cho tranh chấp kéo dài 17 năm

15/06/2021 17:00 GMT+7
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang tiến gần hơn đến một thỏa thuận đặt dấu chấm tạm cho tranh chấp kéo dài 17 năm liên quan đến các khoản trợ cấp chính phủ cho hai hãng máy bay Boeing và Airbus.

Tờ CNBC hồi tuần trước đưa tin EU đang thúc giục Nhà Trắng tiến tới thỏa thuận chấm dứt các mức thuế quan trừng phạt được áp đặt dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump liên quan đến vụ tranh chấp trợ cấp máy bay cho Boeing và Airbus.

Sau Hội nghị thượng đỉnh G7 cũng như buổi gặp gỡ tại Brussels hôm 15/6, cả Tổng thống Mỹ Joe Biden và những người đồng cấp EU đều bày tỏ kỳ vọng vào một động lực mới trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Và có vẻ như một thỏa thuận ngừng tranh chấp thuế quan có thể sẽ là dấu chấm tạm cho tranh chấp song phương kéo dài 17 năm qua.

Mỹ - EU tiến gần dấu chấm hết cho tranh chấp kéo dài 17 năm - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa) trò chuyện với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (phải) tại Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra ở Cornwall, Anh cuối tuần trước

Mối quan hệ Mỹ - EU đã chạm đáy dưới thời cựu Tổng thống Trump khi ông Trump thường xuyên chỉ trích châu Âu “thậm chí còn tồi tệ hơn Trung Quốc” do các hoạt động cạnh tranh thương mại không lành mạnh.

Ông Trump cũng từng áp mức thuế với số hàng hóa nhập khẩu từ châu Âu trị giá 7,5 tỷ USD sau khi Tổ chức Thương mại Thế giới ra phán quyết rằng EU đã trợ cấp không công bằng cho Airbus. Ngay sau đó, EU cũng áp đặt các mức thuế trả đũa với số hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trị giá 4 tỷ USD sau một phán quyết khác của WTO rằng Mỹ cũng đã viện trợ bất hợp pháp cho Boeing.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu hồi tháng 3 đã tuyên bố Mỹ và EU sẽ đình chỉ khoản thuế trừng phạt do tranh chấp kéo dài giữa hai bên về các khoản trợ cấp chính phủ cho Boeing và Airbus. Thỏa thuận đình chỉ thuế quan trừng phạt trong 4 tháng là một nước quan trọng nhằm giải quyết tranh chấp kéo dài 17 năm qua giữa Liên minh châu Âu và Mỹ. 

Ngoài ra, vào năm 2018, cựu Tổng thống Trump đã quyết định áp thuế 25% đối với thép châu Âu và 10% đối với nhôm châu Âu vì lý do an ninh quốc gia - điều mà EU đã kịch liệt phản đối và đe dọa trả đũa. Một mức thuế quan trả đũa với số hàng hóa trị giá 2,8 tỷ Euro (3,4 tỷ USD) đã được EU thực hiện để đáp trả động thái này. Dự kiến trong tháng này, một động thái trả đũa khác từ EU với số hàng hóa trị giá 3,6 tỷ Euro cũng bắt đầu có hiệu lực. Tuy nhiên, EU đã quyết định tạm hoãn mức thuế ăn miếng trả miếng trên đây như một tín hiệu thiện chí trong nỗ lực thúc đẩy các cuộc đàm phán song phương.

Hội nghị thượng đỉnh vào tuần qua là cuộc gặp cấp cao EU - Mỹ đầu tiên kể từ năm 2014.

Một quan chức khác của EU hôm 15/6 nhận định còn quá sớm để khẳng định thỏa thuận chấm dứt thuế quan giữa Mỹ và EU sẽ đạt được bước đột phá. 

Lạc quan hơn, Jacob Kirkegaard, thành viên cấp cao của Quỹ Marshall Đức tại Mỹ cho rằng logic kinh tế cuối cùng là Mỹ và EU sẽ có một thỏa thuận chấm dứt vụ việc trợ cấp cho Boeing và Airbus. Với cả hai nhà sản xuất máy bay nói riêng và các doanh nghiệp hai bên đang bị ảnh hưởng bởi thuế quan trừng phạt trả đũa nói chung, đây sẽ là một tin tốt lành. 

Chẳng hạn, các nhà sản xuất rượu vang của Pháp và các nhà sản xuất phô mai của Ý từ lâu đã thừa nhận tác động của căng thẳng Mỹ - EU với hoạt động kinh doanh. Nếu thỏa thuận được thông qua, triển vọng kinh doanh trong tương lai nhìn chung là sáng sủa.

Phía EU tham vọng hơn khi muốn thúc đẩy nhiều tiến bộ hơn trên mặt trận thương mại song phương. Khối 27 thành viên cũng đang kỳ vọng vào một thỏa thuận chấm dứt thuế kim loại, vốn cũng đã được áp dụng trong nhiệm kỳ cựu Tổng thống Trump.


NTTD
Cùng chuyên mục