Mỹ - Trung nhắc lại thỏa thuận 200 tỷ USD, doanh nghiệp Châu Âu lo bị "hất cẳng" khỏi thị trường tỷ dân

22/06/2020 09:55 GMT+7
Các nhà quan sát nhận định thỏa thuận thương mại giá trị khủng giữa Mỹ và Trung Quốc hồi tháng 1 đang khiến các công ty Châu Âu cảm thấy bị tổn thương do bị “hất cẳng” khỏi thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới.
Mỹ - Trung nhắc lại thỏa thuận 200 tỷ USD, doanh nghiệp Châu Âu lo bị "hất cẳng" khỏi thị trường tỷ dân - Ảnh 1.

Mỹ - Trung nhắc lại thỏa thuận 200 tỷ USD, doanh nghiệp Châu Âu lo bị "hất cẳng" khỏi thị trường tỷ dân

Hồi tháng 1/2020, Mỹ và Trung Quốc đã thống nhất thông qua thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, trong đó Bắc Kinh hứa tăng cường nhập khẩu 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ Mỹ trong hai năm.

Cam kết đó đã được nhắc lại trong tuần này khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và nhà ngoại giao Trung Quốc Yang Jiechi gặp nhau tại Hawaii trong cuộc đối thoại cấp cao nhằm làm dịu căng thẳng leo thang giữa hai nền kinh tế. Ngay sau cuộc gặp gỡ, phía Bắc Kinh đã xúc tiến đẩy nhanh thỏa thuận thương mại bằng cách tăng cường nhập khẩu nông sản Mỹ.

Với các công ty Châu Âu, những doanh nghiệp đã xâm nhập vào thị trường Trung Quốc tại thời điểm thương chiến Mỹ - Trung và thuế quan leo thang khiến các nhà nhập khẩu Trung Quốc tìm kiếm nhiều lựa chọn thay thế bên ngoài thị trường Mỹ; thì thỏa thuận giai đoạn 1 được xem là đòn giáng nặng nề.

Max Zenglein, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Trung Quốc Mercator ở Berlin nhận định các công ty Châu Âu đã xem thỏa thuận Mỹ Trung giai đoạn 1 là một thách thức khó khăn, bởi việc Trung Quốc tập trung nhập khẩu hàng hóa dịch vụ từ Mỹ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các nhà cung cấp ở các thị trường khác.

Hồi năm 2018, khi thương chiến Mỹ Trung bùng nổ, Bắc Kinh đã chấp thuận cho 46 công ty chế biến thịt từ các nước thuộc Liên minh Châu Âu EU xuất khẩu sang thị trường tỷ dân này. Cho đến năm 2019, khi dịch tả lợn Châu Phi giết chết tới 60% quy mô đàn lợn Trung Quốc, gây nên tình trạng thiếu nguồn cung thịt trầm trọng, số nhà cung cấp thịt từ Châu Âu tiến vào thị trường này đã tăng vọt lê 112. 

Nhờ đó, doanh số xuất khẩu nông sản từ thị trường EU sang Trung Quốc năm 2019 tăng vọt 38% so với năm 2018, lên 15,3 tỷ EUR (17,1 tỷ USD).

Nhưng rồi mọi thứ đã thay đổi khi thỏa thuận Mỹ Trung giai đoạn 1 được ký kết thành công tại Washington, trong đó Bắc Kinh cam kết tăng cường nhập khẩu tới 200 tỷ USD hàng hóa dịch vụ Mỹ trong 2 năm. Kể từ đó đến nay, chính phủ Trung Quốc đã bật đèn xanh cho 1.024 doanh nghiệp Mỹ tiến vào thị trường, trong khi chỉ 24 doanh nghiệp EU được cấp phép như vậy.

Một nhà ngoại giao EU giấu tên nhận định với SCMP rằng thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 đã thu hẹp cánh cửa vào thị trường Trung Quốc của các công ty Châu Âu. “Thỏa thuận giúp Mỹ thu hút hầu hết dư địa trong nhu cầu nhập khẩu nông sản của Trung Quốc, khiến các công ty và chính phủ còn lại thất vọng”. 

Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2020, Trung Quốc đã dỡ bỏ thuế quan với nhiều mặt hàng nông sản Mỹ như đậu nành và thịt lợn, qua đó làm tăng kim ngạch nhập khẩu đậu nành Mỹ lên hơn 1 tỷ USD và khối lượng nhập khẩu thịt lợn Mỹ vượt 691 triệu USD.

Bất chấp những con số lạc quan như vậy, các nhà phân tích vẫn ngờ vực rằng Bắc Kinh khó đạt được cam kết tăng cường nhập khẩu 200 tỷ USD hàng hóa dịch vụ Mỹ trong hai năm, khi nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19.

“Những lời hứa mà nhà ngoại giao Yang Jiechi nhắc lại ở Hawaii rất có thể chỉ nhằm mục đích xoa dịu ông Trump, người đang hướng tới cuộc tái tranh cử nhiệm kỳ thứ hai tại Nhà Trắng” - ông Max Zenglein nhận định.

Ngoài ra, doanh số xuất khẩu nông sản Châu Âu sang Trung Quốc cũng có nguy cơ chịu ảnh hưởng nặng nề sau khi các quan chức Bắc Kinh cho biết đợt tái bùng phát dịch Covid-19 ở Bắc Kinh mới đây có liên quan đến một chủng virus có nguồn gốc từ Châu Âu.

Mới đây nhất, các thương nhân Trung Quốc đã tạm dừng nhập khẩu cá hồi Châu Âu sau thông tin phát hiện dấu vết virus trên thớt chế biến cá hồi nhập khẩu tại chợ buôn Xinfadi, nơi ổ dịch Covid-19 bùng phát.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục