Năm 2025, mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 50-51 tỷ USD
Đề án đặt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản, tham gia toàn diện và bền vững vào chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản, thực phẩm toàn cầu. Nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam nhằm đáp ứng được các quy định của các thị trường nhập khẩu. Tiếp tục định vị và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Mục tiêu đến năm 2025, giá trị xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 50-51 tỷ USD; Khoảng 20% sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu được gắn thương hiệu quốc gia, 50% sản phẩm truy xuất được nguồn gốc; Khoảng 50% giá trị xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản là qua chế biến và chế biến sâu.
Mục tiêu đến năm 2030, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 60-62 tỷ USD; Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt khoảng 6%-8%/năm; Khoảng 40% sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu được gắn thương hiệu quốc gia, 70% sản phẩm truy xuất được nguồn gốc; Khoảng 60% giá trị xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thủy sản là qua chế biến và chế biến sâu.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Đề án đề ra giải pháp rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách xuất khẩu nông lâm thủy sản. Trong đó, rà soát, bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật tạo thuận lợi, đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến xuất khẩu nông lâm thủy sản, đề xuất kiện toàn và thành lập mới một số hiệp hội ngành hàng, nâng cao năng lực hoạt động, hiệu quả của Hiệp hội ngành hàng nông lâm thủy sản.
Mục tiêu đến năm 2030, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 60-62 tỷ USD.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện, rà soát, đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách đang có hiệu lực, ưu tiên hỗ trợ phát triển các chuỗi giá trị hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu, các chính sách khuyến khích đầu tư vào chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản gắn với thị trường tiêu thụ.
Một giải pháp khác được đề ra là tiếp tục thực hiện và hoàn thiện chính sách thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản. Theo đó, rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách ưu đãi, thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản, đảm bảo an toàn thực phẩm và phát triển công nghiệp phụ trợ, chế biến nông lâm thủy sản đảm bảo phù hợp với nhu cầu thị trường.
Hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông lâm thủy sản trong việc xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp tại các thị trường xuất khẩu; chính sách hỗ trợ doành nghiệp xuất khẩu nông lâm thủy sản trong việc xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp tại các thị trường xuất khẩu; Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng, triển khai các hoạt động nhằm phát triển thương hiệu sản phẩm; quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và quốc tế...
Thủ tướng Chính phủ đã giao rõ trách nhiệm của các bộ, ngành trong tổ chức thực hiện Đề án. Trong đó, Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan rà soát, bổ sung các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm nông lâm thủy sản mang thương hiệu của Việt Nam.
Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu bổ sung chính sách ưu đãi đối với vận chuyển nông lâm thủy sản trong nước và xuất khẩu đặc biệt cơ chế hỗ trợ cước phí vận chuyển nông lâm thủy sản tham gia hội chợ triển lãm phục vụ quảng bá. Bố trí kinh phí thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ của Đề án, thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định có liên quan.