“Năm Covid – 19 thứ nhất”, kim ngạch xuất nhập khẩu vẫn tăng trưởng 5,1%
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5%, nhập khẩu hàng hóa đạt 262,4 tỷ USD, tăng 3,6%. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 19,1 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016.
Ngoài ra, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 cũng ghi nhận mức tăng 0,1% so với tháng trước. Bình quân năm 2020, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,23% so với năm 2019.
Tính chung quý IV, CPI tăng 0,22% so với quý trước và tăng 1,38% so với quý IV/2019. Về chỉ số lạm phát cơ bản, trong tháng 12 tăng 0,07% so với tháng trước và tăng 0,99% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2020, lạm phát cơ bản bình quân tăng 2,31% so với bình quân năm 2019.
Ngoài ra, cả nước có 134.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 2,236 triệu tỷ đồng, giảm 2,3% về số doanh nghiệp và tăng 29,2% về vốn đăng ký. Bên cạnh đó, còn có 44.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động và gần 37.700 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể...
Về chỉ số tổng sản phẩm nội địa (GDP) quý IV ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất trong của quý IV các năm trong giai đoạn 2011-2020.
Cả năm 2020, GDP Việt Nam tăng 2,91%, trong đó quý I tăng 3,68%, quý II tăng 0,39%, quý III tăng 2,69%, quý IV tăng 4,48%.
Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,68%, đóng góp 13,5% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,98%, đóng góp 53%; Khu vực dịch vụ tăng 2,34%, đóng góp 33,5%.
Về cơ cấu nền kinh tế năm 2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 14,85%; Khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,72%; Khu vực dịch vụ chiếm 41,63%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,8% (cơ cấu tương ứng của năm 2019 là: 13,96%; 34,49%; 41,64%; 9,91%).
Về sử dụng GDP năm 2020, tiêu dùng cuối cùng tăng 1,06% so với năm 2019; Tích lũy tài sản tăng 4,12%; Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 4,97%; Nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 3,33%.
Đối với chất lượng tăng trưởng kinh tế, năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2020 ước tính đạt 117,9 triệu đồng/lao động (tương đương 5.081 USD/lao động, tăng 290 USD so với năm 2019).
Theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 5,4% do trình độ của người lao động ngày càng được nâng cao (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ năm 2020 đạt 24,1%, cao hơn mức 22,8% của năm 2019).