Năm thăng hoa của chứng khoán Việt

11/02/2021 07:47 GMT+7
Thị trường chứng khoán Việt trải qua năm 2020 với nhiều biến động cũng như điểm nhấn đáng chú ý.
Năm thăng hoa của chứng khoán Việt - Ảnh 1.

Ảnh: Internet.

Những ai tham gia Hội thảo 10 sự kiện chứng khoán nổi bật năm 2020 hẳn khó có thể quên bức phông màn tím ngắt đặt chính giữa hội trường. Với giới chứng khoán, màu tím mang ý nghĩa hết sức đặc biệt. Đó là màu sắc thể hiện việc cổ phiếu tăng trưởng hết biên độ trong phiên giao dịch. Màu tím ở đây đại diện cho một năm thị trường chứng khoán tăng trưởng thành công ngược dòng COVID-19.

Chốt phiên 31/12/2020, VN-Index đã đạt 1.103,87 điểm, tức tăng trưởng gần 15% so với cuối năm 2019 và tăng 67% so với mức đáy xác lập hồi tháng 3/2020 (662,26 điểm). Tính theo phiên giao dịch cuối cùng của tháng 12/2020, vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đạt gần 5,3 triệu tỷ đồng (228 tỷ USD), tăng 523.594 tỷ đồng (11%) so với cuối tháng 11 và 910.187 tỷ đồng (20,8%) so với cuối năm 2019. Trong đó, vốn hóa riêng sàn HoSE tăng 13,2% so với tháng 11 và 24,4% so với cuối năm 2019 lên mức hơn 4,08 triệu tỷ đồng.

Thanh khoản thị trường tăng lên ngưỡng kỷ lục với phiên giao dịch đạt gần 23.562 tỷ đồng trên hai sàn vào ngày 15/6/2020. Giá trị khớp lệnh cũng liên tục đạt hơn 10.000 tỷ đồng/phiên trong tháng 12/2020. Trong khi đó, thị trường phái sinh cũng lập kỷ lục về thanh khoản trong ngày 29/7/2020 với khối lượng giao dịch đạt mức cao nhất 356.033 hợp đồng và khối lượng hợp đồng mở cao nhất đạt 52.767 hợp đồng vào ngày 10/11/2020.

2020 cũng là năm ghi dấu ấn đậm nét của nhà đầu tư nội, trong bối cảnh khối ngoại bán ròng kỷ lục. Cụ thể, khối ngoại trong năm mua vào hơn 6 tỷ cổ phiếu, trị giá 200.949 tỷ đồng, trong khi bán ra 7,5 tỷ cổ phiếu, trị giá 219.743 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 1,5 tỷ cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng 18.794 tỷ đồng. Nếu tính riêng sàn HoSE, khối ngoại chấm dứt chuỗi 3 năm mua ròng liên tiếp bằng việc bán ròng kỷ lục 15.214 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng là gần 1,17 tỷ cổ phiếu. Đáng chú ý hơn nữa, nếu loại bỏ hoàn toàn giao dịch thỏa thuận thì dòng vốn này rút ròng đến 38.244 tỷ đồng.

Bên cạnh các yếu tố vĩ mô như Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh, nền kinh tế được phục hồi, các chính sách hỗ trợ thị trường, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp…, một động lực quan trọng tác động đến thị trường chứng khoán là dòng vốn rẻ dồi dào do lãi suất tiết kiệm huy động ở mức thấp. Số liệu cho thấy, tổng số tài khoản mở mới tính đến tháng 11/2020 đạt 332.886 tài khoản. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới 329.452 tài khoản.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán VnDirect nhận định, lượng tiền gửi trong hệ thống ngân hàng thương mại rất lớn, ước khoảng hơn 5 triệu tỷ đồng, trong khi chỉ có 290 ngàn tài khoản hoạt động trên thị trường chứng khoán tính tới tháng 9/2020. Dù vậy, ông Quỳnh cũng lưu ý, việc đầu tư ngắn hạn, mang tính đầu cơ sẽ không phát triển bền vững và tạo ra những biến động rất lớn trên TTCK. Chính vì vậy, để có thể hấp thụ được lượng tiền kể trên chuyển vào thị trường chứng khoán, việc đào tạo và nâng cao kỹ năng của nhà đầu tư cá nhân đóng vai trò rất quan trọng trong thời gian tới.

Đồng quan điểm này, CEO Chứng khoán Bảo Việt, ông Nhữ Đình Hòa đề cập dòng tiền rẻ đã thúc đẩy thị trường, bên cạnh dòng vốn từ các quỹ ETF nội và công ty chứng khoán ngoại. Tính tới cuối quý III/2020, dư nợ margin tại các công ty chứng khoán ngoại cuối quý III trên 10.000 tỷ đồng, chiếm 20% dư nợ của toàn thị trường.

Dẫu vậy, với việc VN-Index tăng trưởng rất mạnh, một bộ phận giới đầu tư không khỏi đặt ra những băn khoăn về tính bền vững của chỉ số.

Chưa nên coi sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán là bong bóng

Về những lo ngại trước diễn biến tăng nóng của thị trường, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, ông Vũ Bằng chia sẻ tổ tư vấn kinh tế đã báo cáo Thủ tướng thực trạng này. Dù vậy, ông cho rằng chưa nên vội xem diễn biến thị trường hiện nay là bong bóng.

Theo đó, thị trường chứng khoán đã giảm mạnh trước khi tăng trở lại. Đây là xu hướng chung khi COVID-19 thúc đẩy ngành công nghệ phát triển, ảnh hưởng tích cực lên chứng khoán Mỹ và toàn cầu. Thứ hai, các yếu tố vĩ mô của Việt Nam tương đối tích cực như GDP tăng trưởng, cán cân thương mại dương, tiền đồng ổn định.

Ông Vũ Bằng nhận định, sau năm 2019 đi ngang và giảm, thị trường hồi phục là điều bình thường. Việc dòng vốn tìm đến các kênh đầu tư là điều tất yếu. Các cơ quan cần xem xét thống kê lượng tiền vào thị trường từ cho vay margin, ngân hàng, đầu tư nước ngoài để có nhìn nhận chính xác. “Sang năm 2021, nền kinh tế vẫn có dư địa phát triển. COVID-19 vẫn còn nhưng tác động không nặng như năm nay. Dòng vốn rẻ vẫn tiếp tục tác động tới thị trường chứng khoán toàn cầu và Việt Nam, nhưng nếu dịch được kiểm soát, các gói kích thích kinh tế sẽ giảm”, ông Vũ Bằng nói.

Còn theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBCKNN, việc khối ngoại năm 2020 bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam có thể giải thích do chiến lược giảm thiểu rủi ro ảnh hưởng từ COVID-19, rút bớt vốn khỏi các thị trường cận biên. Về định hướng năm 2021, tư duy xuyên suốt là tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn ngoại, tiến tới nâng hạng thị trường. Ngoài ra, Luật Chứng khoán có hiệu lực từ đầu năm 2021 sẽ giúp thị trường chứng khoán đáp ứng tốt hơn khẩu vị của nhà đầu tư chuyên nghiệp, đặc biệt ở khía cạnh cải thiện tính minh bạch của các chủ thể tham gia. Cùng với đó, theo lộ trình, từ năm 2022, các doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp đại chúng lớn sẽ phải thực hiện báo cáo tài chính theo chuẩn mực quốc tế. Đây là yếu tố thuận lợi để thu hút trở lại dòng vốn ngoại.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Đầu tư của PVI AM, đánh giá xu hướng chung của nhà đầu tư nước ngoài là rút tiền khỏi các tài sản rủi ro, trong đó có Việt Nam.

Để thu hút dòng tiền từ toàn cầu, điều quan trọng là Việt Nam phải được nâng hạng, bởi nên nhớ VN-Index vượt 1.000 điểm nhưng phần lớn nhờ nhà đầu tư cá nhân và đây cũng là nhà đầu tư có khẩu vị thay đổi nhanh. Cũng theo ông Linh, yếu tố lãi suất thấp đang hỗ trợ rất lớn cho TTCK và có thể kéo dài không chỉ năm 2021 mà đến năm 2025. Trong bối cảnh đó, cần phải có các kênh đầu tư cho người gửi tiền có sự lựa chọn, ví dụ như trái phiếu doanh nghiệp, nhưng rất tiếc kênh này lại chưa thực sự phát triển. “Việc ai cũng lao vào đầu tư chứng khoán như hiện nay tạo cho tôi lo ngại như đã từng xảy ra ở thời điểm 2007”, ông Linh chia sẻ.

Huy Ngọc
Cùng chuyên mục