Đưa sâm Bố Chính (xưa kia người dân thường dùng cung tiến vua chúa nên còn được gọi là sâm tiến vua) về trồng tại địa phương, anh Trần Minh Tâm (49 tuổi, thị xã An Nhơn, Bình Định) hiện đang sở hữu vườn sâm rộng 7.000 m2, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Anh Trần Minh Tâm chia sẻ, cách đây 2 năm, anh được 1 người bạn chạy xe tải đường dài đem về tặng 7 cây giống sâm Bố Chính. Sau quá trình tìm hiểu, anh Tâm nhận thấy giống cây phù hợp với điều kiện thời tiết ở địa phương nên đã quyết định đầu tư mở rộng làm kinh tế.
Anh Tâm cho hay, qua tìm hiểu cây sâm Bố Chính có dược tính rất quý, tất cả các bộ phận của cây đều sử dụng được. Đặc biệt, loại sâm này từ lúc trồng đến khi thu hoạch chỉ khoảng 8 tháng đến 1 năm. Hiện, cơ sở của anh có một số sản phẩm từ cây sâm Bố Chính như rượu hoa sâm và rượu củ sâm. Các sản phẩm này đều được anh đăng ký thương hiệu và xuất bán trên cả nước.
"Tôi được 1 người bạn ở Quảng Bình tặng 7 cây giống sâm Bố Chính. Ban đầu, chỉ đưa về trồng thử trong vườn nhà cho vui, nhưng cây lớn nhanh và sinh trưởng tốt. Thấy vậy, tôi bàn với vợ con, người em trai nhân rộng, thuần phục loài cây này. Ngờ đâu làm chơi, ăn thiệt, chỉ gần 1 năm, từ 7 cây giống đầu tiên, chúng tôi đã thuần dưỡng, nhân giống được loài sâm quý trên vùng đất mới Bình Định", anh Tâm thổ lộ.
"Tôi được 1 người bạn ở Quảng Bình tặng 7 cây giống sâm Bố Chính. Ban đầu, chỉ đưa về trồng thử trong vườn nhà cho vui, nhưng cây lớn nhanh và sinh trưởng tốt. Thấy vậy, tôi bàn với vợ con, người em trai nhân rộng, thuần phục loài cây này. Ngờ đâu làm chơi, ăn thiệt, chỉ gần 1 năm, từ 7 cây giống đầu tiên, chúng tôi đã thuần dưỡng, nhân giống được loài sâm quý trên vùng đất mới Bình Định", anh Tâm thổ lộ.
Từ đó, anh Tâm quyết tâm tạo ra lứa sâm Bố Chính đầu dòng chịu được thổ nhưỡng và khí hậu Bình Định để nhân rộng mô hình. Để có thêm thông tin, kiến thức, anh Tâm tìm mua các sách, tài liệu và lên internet tìm hiểu về dược tính, cách ươm giống, nuôi cấy, sinh trưởng và thị trường loài sâm Bố Chính. Sau 3 năm, anh đã ươm tạo được hơn 1.000 cây sâm đầu dòng (sâm mẹ lấy hạt giống).
Với số cây sâm đầu dòng này, anh Tâm kỳ vọng sẽ lấy hạt nhân giống để trồng mở rộng và cung cấp giống cho bà con Bình Định với giá rẻ, tỷ lệ sống cao hơn. Qua thời gian trồng thử nghiệm, anh Tâm nhận thấy giống sâm Bố Chính dễ trồng, phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, lại đang có tiềm năng trên thị trường, nên anh quyết định đầu tư nhân rộng. Đến nay, gia đình anh đã trồng được 14.000 cây sâm Bố Chính trên diện tích 7.000m2, với tổng vốn đầu tư gần 1 tỷ đồng.
Theo anh Tâm, khi hiểu được đặc tính thì cây sâm cũng rất dễ trồng, nhưng để đạt năng suất cao phải đầu tư thâm canh. Để cây sâm cho củ to, lúc đầu phải đặc biệt chú trọng vào khâu làm đất. Làm đất kỹ sẽ tránh được mầm bệnh, tuyến trùng gây hại cho cây. Việc chăm sóc cây không có gì nhiêu khê, chỉ cần thường xuyên dọn cỏ, tưới nước đủ ẩm, nhất là trong thời gian mới trồng. Hằng ngày phải thường xuyên thăm vườn, kiểm tra cây, nếu phát hiện các loại sâu ăn lá, côn trùng gây hại thì phải có biện pháp xử lý kịp thời. Do đây là cây dược liệu, nên phải được bón phân hữu cơ để sản phẩm không bị nhiễm bất kỳ hóa chất nào.
"Trong quá trình trồng, tôi chăm sóc cây thuận theo tự nhiên, không sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật. Do đó, dược tính trong sâm được tăng cao, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người sử dụng", anh Tâm nói. Anh Tâm cho biết, sâm củ sau khi thu hoạch được phân thành 4 loại, mỗi loại có giá bán khác nhau. Loại 1 (4 củ/kg) hiện có giá 750.000 đồng/kg, loại 2 (5 củ/kg) hiện có giá 700.000 đồng/kg, loại 3 (6 củ/kg) có giá 500.000 đồng/kg, thấp nhất là loại 4 (7 - 8 củ/kg) có giá bán 400.000 đồng/kg.
"Với 14.000 gốc sâm hiện có của gia đình, mỗi gốc tôi thu được từ 0,2 - 0,3kg củ. Với giá bán như hiện nay, dao động từ 400.000 - 750.000 đồng/kg củ sâm tươi, sau khi trừ mọi khoản chi phí, tôi còn lãi được khoảng 400 - 500 triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn cung cấp cây giống cho các hộ dân ở địa phương, với giá bán 10.000 - 15.000 đồng/cây giống, nên cũng có thêm khoản thu nhập kha khá. Hiện tôi đã làm hồ sơ gửi Cục Sở hữu trí tuệ để được xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm sâm tôi trồng", anh Tâm cho hay.
Hiện, anh Tâm đang đầu tư vốn gần 1 tỷ đồng trồng 14.000 cây sâm trong bầu đất kết hợp với hệ thống phun tưới tiết kiệm tự động trên diện tích 7.000m2. Qua quan sát, vườn sâm Bố Chính trong vườn của anh Tâm sinh trưởng khá tốt, một số cây đã cho củ lớn.
"Lứa sâm đầu tiên trồng vào tháng 4/2021, chỉ khoảng 10-12 tháng, sâm cho củ, có thu hoạch. Hiện, tôi đang xin chính quyền cho thuê 1ha đất để nhân rộng đầu tư 72.000 cây sâm Bố Chính ven sông Kôn", anh Tâm cho biết.
Lứa sâm đầu tiên tuy mới chỉ thử nghiệm, song anh Tâm nhẩm tính có thể thu lãi trên 400 triệu đồng. Nếu trồng đại trà, với trên 10.000 cây sâm có thể thu hoạch được 2 tấn củ, thu về gần 1 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, hàng tuần có thể thu hoạch hoa, lá sâm để sơ chế, bán ra thị trường. Vừa qua, anh Tâm đưa sản phẩm sâm Bố Chính tham gia các hội thi nhà nông đua tài từ cấp tỉnh, cấp khu vực. Trên cơ sở đó, sâm Bố Chính được chính quyền công nhận là loài cây mới có thể nhân rộng, làm giàu trên đất Bình Định.
Thăng Bình