Ngân hàng SVB phá sản ảnh hưởng thế nào đến Việt Nam, chuyên gia nói điều bất ngờ

12/03/2023 09:14 GMT+7
Theo hồ sơ của các cơ quan quản lý California, đến ngày 9/3, khách hàng đã rút 42 tỷ USD tiền gửi khỏi SVB. Điều này khiến ngân hàng SVB rơi vào cảnh cạn kiệt tiền mặt...

Sáng 10/3 (theo giờ Mỹ), Silicon Valley Bank (SVB) đã dừng hoạt động. Sự sụp đổ của SVB đánh dấu vụ phá sản lớn thứ hai của một tổ chức tài chính trong lịch sử Mỹ, kể từ năm 2008.

Chuyện gì xảy ra tại SVB?

Bàn luận về thị trường trước sự kiện Silicon Valley Bank (SVB) sụp đổ, chuyên gia của Chứng khoán Rồng Việt (VSDC) cho biết, Silicon Valley Bank là một trong những nhà cho vay nổi bật nhất trong thế giới khởi nghiệp (start-up) công nghệ.

Năm 2021, SVB nhận được lượng tiền gửi đột biến của khách hàng, nguồn chủ yếu đến từ các startup đã giúp ngân hàng tăng trưởng chóng mặt. Dữ liệu cho thấy, từ mức 60 tỷ USD tiền gửi ở cuối quý 1/2020, SVB đã ghi nhận mức tăng vọt lên 200 tỷ USD tiền gửi vào cuối quý I/2022.

Sở hữu lượng tiền gửi khổng lồ đó, SVB đã chọn cách mua 2 loại tài sản được coi là an toàn nhất. Cụ thể, ngân hàng đã mua phần lớn trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn dài, và các chứng khoán được đảm bảo bằng tài sản thế chấp được chính phủ hậu thuẫn. Quy mô danh mục chứng khoán của SVB đã tăng từ khoảng 27 tỷ USD trong quý I/2020 lên 128 tỷ USD vào cuối năm 2021.

Ngân hàng SVB phá sản ảnh hưởng thế nào đến Việt Nam, chuyên gia nói điều bất ngờ - Ảnh 1.

Theo hồ sơ của các cơ quan quản lý California, đến ngày 9/3, khách hàng đã rút 42 tỷ USD tiền gửi khỏi SVB. Điều này khiến SVB rơi vào cảnh cạn kiệt tiền mặt.

"Tuy nhiên, do lãi suất thị trường đã tăng lên cao và tăng quá nhanh, số trái phiếu trên đột nhiên có giá thị thấp hơn rất nhiều trên thị trường mở so với giá trị ghi trên sổ sách của ngân hàng. Theo đó, ngân hàng phải bán lỗ và bán càng nhanh càng tốt để không bị lỗ nặng hơn. Đây là vấn đề đầu tiên. Vấn đề tiếp theo là dòng tiền gửi vào SVB đã đảo chiều do khách hàng của ngân hàng cạn tiền mặt sau một thời gian chi tiền, gặp khó trong kinh doanh và khó huy động vốn mới", chuyên gia VDSC nhận định.

Ngày 8/3, SVB cho biết đã bán một lượng lớn trái phiếu trị giá 21 tỷ USD, chịu lỗ khoảng 1,8 tỷ USD (sau thuế). Mục đích của ngân hàng là thiết lập lại mặt bằng thu nhập từ lãi suất đồng thời tăng cường "sức khỏe" của bảng cân đối kế toán để đáp ứng nhu cầu rút tiền tiền ẩn cũng như tài trợ cho các khoản vay mới. Ngoài ra, SVB cũng đặt kế hoạch huy động thêm 2,25 tỷ USD vốn mới.

Tuy nhiên, sau thông báo vào tối 8/3, mọi thứ trở nên tồi tệ hơn đối với SVB. Cổ phiếu SVB lao dốc, khiến việc huy động vốn mới càng khó khăn hơn và cuối cùng, SVB phải hoãn kế hoạch phát hành cổ phiếu. Thậm chí, một số công ty đầu tư mạo hiểm đã bắt đầu tư vấn cho các công ty trong danh mục rút tiền gửi khỏi SVB.

Theo hồ sơ của các cơ quan quản lý California, đến ngày 9/3, khách hàng đã rút 42 tỷ USD tiền gửi khỏi SVB. Điều này khiến SVB rơi vào cảnh cạn kiệt tiền mặt.

"Chưa kể, rất nhiều tiền gửi đủ lớn tại SVB không thuộc diện được Cơ quan bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) bảo lãnh, như vậy, chỉ 1 phần tiền gửi tại SVB được bảo lãnh. Theo đó, SVB phá sản", vị chuyên gia này nói.

SVB phá sản ảnh hưởng thế nào đến Việt Nam?

VDSC cho rằng, sự kiện SVB phá sản nhà đầu tư rất khó để đưa ra nhận định chính xác bởi đa số sẽ không có đủ thông tin về SVB cũng như mô hình vận hành của nền tài chính lớn nhất thế giới. Do đó tác động của sự kiện ra sao, hệ quả lớn hay nhỏ, rộng hay hẹp, rất khó để đưa ra kết luận.

"Việc SVB phá sản ảnh hưởng thế nào đến Việt Nam cần chờ đợi thêm, nhưng nếu cần đánh giá ban đầu, tôi xin dẫn lại góc nhìn của Giám đốc quản lý quỹ AFC Vietnam: Rủi ro từ sự kiện này có lẽ mang tính nội bộ của SVB hơn là một rủi ro mang tính hệ thống. Nếu đã không phải rủi ro mang tính hệ thống, khả năng lây lan sẽ hạn chế và sớm được ngăn chặn. Và nếu đúng như vậy, tác động đến Việt Nam cũng không đáng kể. Và giả sử có tác động thì nó cũng là tác động gián tiếp, thông qua tiêu dùng của nước Mỹ mà thôi.

Còn ai đó cho rằng SVB sụp có thể gây domino đến cả hệ thống ngân hàng Việt Nam, đó là do nhà đầu tư đang bi quan quá mức. Nhà đầu tư thường hưng phấn hoặc bi quan thái quá. Và đó là chỗ để nhà đầu tư thông thái kiếm tiền".

Cơ quan quản lý California (Mỹ) đã đóng cửa SVB. Hiện ngân hàng này đặt dưới sự kiểm soát của Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Mỹ (FDIC). Tài sản của SVB có thể sẽ bị thanh lý để trả lại cho khách hàng, bao gồm cả những người gửi tiền và chủ nợ.

Tất cả những người gửi tiền tại SVB được FDIC đảm bảo vẫn có thể tiếp cận số tiền gửi có bảo hiểm của họ trước 13/3. Những người gửi tiền không được bảo hiểm tại SVB sẽ được trả một khoản “cổ tức tạm ứng” trong tuần tới.

Sự suy giảm của Silicon Valley Bank một phần là do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất mạnh mẽ trong năm qua.

Vào thời điểm lãi suất gần bằng 0, các ngân hàng đã tích trữ lượng lớn trái phiếu Kho bạc dài hạn. Nhưng khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất để chống lạm phát, giá trị của số trái phiếu đó giảm, khiến các ngân hàng phải chịu nhiều khoản lỗ nặng.



An Vũ
Cùng chuyên mục