Ngân hàng tăng vay mượn lần nhau, nhưng lãi suất được dự báo tiếp tục giảm

27/08/2021 15:23 GMT+7
Tuần qua, ngân hàng tăng vay mượn lần nhau, song lãi suất lãi trên thị trường liên ngân hàng vẫn giảm tuần thứ 4 liên tiếp – về mức thấp nhất kể từ tháng 4 trở lại đây. Dự báo, lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm từ nay tới cuối năm.

Ngân hàng vẫn tăng vay mượn lẫn nhau

Báo cáo hoạt động thị trường ngoại tệ và thị trường liên ngân hàng trong tuần thứ 3 của tháng 8 (16/8-20/8), vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố cho thấy, doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng trong kỳ bằng VND đạt xấp xỉ 689.285 tỷ đồng, bình quân 137.857 tỷ đồng/ngày, tăng 2.792 tỷ đồng/ngày so với tuần 2 (09-13/8/2021).

Doanh số giao dịch bằng USD quy đổi ra VND trong tuần đạt khoảng 129.105 tỷ đồng, bình quân 25.821 tỷ đồng/ngày, giảm 42 tỷ đồng/ngày so với tuần trước đó.

Như vậy sau khi giảm vay mượn lẫn nhau trong tuần liên trước, tuần qua giao dịch trên thị trường liên ngân hàng tăng trưởng trở lại.

Theo kỳ hạn, các giao dịch VND chủ yếu tập trung vào kỳ hạn qua đêm (83% tổng doanh số giao dịch) và kỳ hạn 01 tuần (8% tổng doanh số giao dịch). 

Đối với giao dịch USD, các kỳ hạn có doanh số lớn nhất là kỳ hạn qua đêm và 01 tuần với tỷ trọng lần lượt là 70% và 18%.

Lãi suất cho vay tiếp tục giảm?

Đáng chú ý, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng trong tuần giảm mạnh ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống.

Cụ thể: lãi suất bình quân một số kỳ hạn chủ chốt như qua đêm, 01 tuần và 01 tháng giảm lần lượt 0,12%/năm, 0,14%/năm và 0,01%/năm xuống mức 0,71%/năm, 0,84%/năm và 1,29%/năm.

Diễn biến này tiếp tục kéo dài sang tuần này, tính đến 25/8, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm giảm sâu về mức 0,65%, 1 tuần (0,78%) và 1 tuần chỉ còn 0,89% - mức thấp nhất kể từ cuối tháng 4 tới nay. Đây cũng là mức thấp nhất từ cuối tháng 4 đến nay, đồng thời ghi nhận tuần giảm thứ 4 liên tiếp.

Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI, nguyên nhân khiến lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh trong thời gian qua là do thị trường mở không phát sinh giao dịch mới (NHNN không hút bớt tiền về). Trái lại, các hợp đồng bán ngoại tệ kỳ hạn tiếp tục được thực hiện giúp nguồn cung VND cải thiện đáng kể.

Ngân hàng tăng vay mượn lần nhau, lãi suất sẽ tiếp tục giảm? - Ảnh 2.

Lãi suất vay mượn giữa các ngân hàng giảm về mức thấp nhất từ cuối tháng 4 đến nay.

Các chuyên gia phân tích của chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 ở Việt Nam vẫn đang tiếp tục gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như đầu tư của nhà nước và tư nhân.

Yếu tố này phần nào đã làm giảm nhu cầu tín dụng, qua đó tiếp tục giữ cho thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn ở trạng thái dồi dào.

Trong bối cảnh đó, hàng loạt ngân hàng đã công bố giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp. Chẳng hạn, riêng 4 ngân hàng thương mại nhà nước lớn đã cam kết mỗi ngân hàng giảm thêm giảm 1.000 tỷ đồng tiền lãi suất cho các doanh nghiệp, người dân ở 19 tỉnh thành phố đang phải thực hiện giãn cách, chống dịch theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, với mức giảm lãi suất 0,3-1,5%.

Như vậy, cùng với hàng loạt ngân hàng thương mại cổ phần cũng cam kết giảm lãi suất cho vay, tổng số tiền ngành ngân hàng cam kết hỗ trợ lên tới 24.300 tỷ đồng.

Theo các chuyên gia tại SSI: "Điều này có thể khiến mặt bằng lãi suất cho vay giảm nhẹ thời gian tới, trong khi đó lãi suất huy động sẽ không có nhiều biến động".

Ngân hàng tăng vay mượn lần nhau, lãi suất sẽ tiếp tục giảm? - Ảnh 3.

Mặt bằng lãi suất cho vay có thể giảm nhẹ thời gian tới, trong khi đó lãi suất huy động sẽ không có nhiều biến động. (Ảnh: Agribank)

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính trung bình, mặt bằng lãi suất cho vay trong năm 2020 đã giảm từ 1,2% - 1,5% so với năm trước; 7 tháng đầu năm 2021, mức lãi suất giảm thêm 0,5%. Hiện lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND thuộc một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm. Lãi suất cho vay bình quân đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ của các NHTM phổ biến từ 8% - 10%/năm.

Còn theo mô hình tính toán của TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, cơ hội để giảm tiếp lãi suất tiền gửi là rất thấp, khoảng 0,5 điểm % (đó là mức khá mạo hiểm). Tuy nhiên, nếu lãi suất tiền gửi giảm 0,5 điểm %, dư địa giảm lãi suất cho vay tăng gấp đôi, tức là có thể giảm tới 1% lãi suất cho vay.

H.Anh
Cùng chuyên mục